5 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á nhận nhiều vốn nhất trong năm
3 trong số 5 công ty khởi nghiệp nhận nhiều vốn nhất trong năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngôi đầu trong danh sách thuộc về Grab.
Trong lần gọi vốn thứ 7 vừa qua, Grab huy động 2 tỷ USD – số vốn lớn nhất trong một vòng ở Đông Nam Á. Họ trở thành công ty khởi nghiệp huy động nhiều vốn nhất ở Đông Nam Á. Với số vốn mới, tổng giá trị của Grab hiện nay đạt 6 tỷ USD.
Trong năm 2017, Grab cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho các quầy thực phẩm ở Singapore. Đây là mảng kinh doanh bên ngoài lĩnh vực vận tải đầu tiên của hãng.
Công ty thương mại điện tử Lazada xếp thứ hai trong danh sách công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á nhận nhiều vốn nhất, với 2,66 tỷ USD trong năm 2017. Hiện nay, Lazada là công cụ quan trọng đối với tham vọng bành trướng toàn cầu của tập đoàn Alibaba.
Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma mua Lazada vào năm 2016 với giá 1 tỷ USD. Trong năm nay, Alibaba rót thêm 1 tỷ USD nữa. Hiện tại, giá trị của Lazada là 3,2 tỷ USD.
Tiền thân của SEA là Garena, công ty phát hành game. Với sự hậu thuẫn của tập đoàn Tencent từ Trung Quốc, công ty đổi tên để thể hiện tham vọng thống trị thị trường Đông Nam Á. Trong năm 2017, công ty nhận 1,61 tỷ USD từ các nhà đầu tư.
SEA đã tung ra ví điện tử AirPay, dịch vụ bán hàng trực tuyến Shopee. Giá trị hiện tại của công ty vào khoảng 4 tỷ USD.
1,34 tỷ USD là tổng vốn mà Tokopedia, công ty thương mại điện tử ở Indonesia, nhận trong năm nay. Tập đoàn Alibaba góp tới 1,1 tỷ USD trong số này và trở thành một cổ đông lớn của công ty.
Ra đời trong năm 2009, Tokopedia giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng ở Indonesia, đất nước đông dân nhất Đông Nam Á.
Matahari Mall là nền tảng thương mại điện tử ra đời với tham vọng trở thành “Alibaba của Indonesia”. Trong năm nay, công ty nhận tổng số vốn 641,8 triệu USD.
Tuy nhận sự hậu thuẫn của tập đoàn bất động sản Lippo ở Indonesia, ngay từ khi ra đời Matahari Mall đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ, bao gồm cả Alibaba.
Kim Cương – Kinh tế tiêu dùng