TP.HCM sẽ lập văn phòng doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại hội nghị lãnh đạo TP.HCM đối thoại với doanh nghiệp công nghệ thông tin cách đây vài ngày, nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng họ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Giám đốc điều hành công ty Smartword, dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực chính quyền điện tử thường kéo dài 2-3 năm, khiến các doanh nghiệp nhỏ không đủ vốn để xoay vòng. Do đó, giảm cơ hội tham gia các dự án của thành phố đối với doanh nghiệp nhỏ.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải đối mặt rất nhiều thách thức từ chất lượng nguồn nhân lực, sự cạnh tranh từ thị trường thế giới.
Nhiều chính sách ưu đãi nêu ra trong thời gian dài nhưng không triển khai thực hiện. Đơn cử như chính sách về giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm việc trong ngành công nghệ thông tin, đến nay sau gần 2 năm nghị định có hiệu lực vẫn chưa được áp dụng.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã hiến kế, trao đổi các sáng kiến, kiến nghị giải pháp về xây dựng chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh cho TP.HCM.
Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Go-Ixe cho biết hiện tại việc áp dụng công nghệ thông tin – điện tử còn khá hạn chế. TP.HCM có thể giải quyết các vấn đề cấp bách của thành phố nếu tận dụng tốt hệ sinh thái khởi nghiệp và có thể xây dựng được “ thành phố thông minh”.
Doanh nghiệp này đã đề xuất chính quyền thành phố nên đặt hàng cộng đồng khởi nghiệp tại thành phố thông qua các vườn ươm, Sở Khoa học – Công nghệ đối với các giải pháp giao thông trong chống kẹt xe; giải pháp đặt lịch hẹn trực tuyến đối với cơ quan hành chính phường xã và cho chỉ số tín nhiệm trên mỗi cuộc tiếp dân, cải thiện văn hóa làm việc.
Bên cạnh đó, đại diện Go-Ixe cũng đề xuất thành phố cần thiết lập kênh đối thoại thường xuyên để các doanh nghiệp công nghệ tham gia hiến kế, giải pháp cho chính quyền thành phố, xây dựng cổng thông tin các chương trình cấp thiết của thành phố để tiếp thu giải pháp của doanh nghiệp.
Liên quan đến các vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin; nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; đồng thời hỗ trợ lãi suất vay kích cầu từ 70-100%.
Sau khi lắng nghe đại diện các doanh nghiệp bày tỏ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định thành phố sẵn sàng làm cầu nối để gắn kết với các hiệp hội doanh nghiệp với nhau để cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng với các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ có chất lượng cao…
“Các đề xuất của doanh nghiệp sẽ là một trong các cơ sở để thành phố triển khai thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung đề án sẽ xác định khung kiến trúc công nghệ ICT cho đô thị thông minh với các tiêu chuẩn theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, trong đó tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020”, ông Tuyến nói.
Đặc biệt, Phó chủ tịch UBND TP.HCM còn cho biết thành phố sẽ thành lập văn phòng doanh nghiệp khởi nghiệp, dự kiến có địa chỉ tại số 123 Điện Biên Phủ, quận 3. Đây là địa chỉ để doanh nghiệp đến tìm hiểu, nhận tư vấn hoặc triển lãm sản phẩm khởi nghiệp.
Phan Diệu – Một thế giới