GS.TS Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nhận định như vậy tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đánh giá các hoạt động khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp chiều ngày 7/9.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng đã báo cáo tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Là đơn vị tham mưu cho UBND thành phố trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X và Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ nhằm xây dựng “Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”, với mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 dự án hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đang triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ trên nhiều khía cạnh với những kết quả được cộng đồng khởi nghiệp và chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

Hỗ trợ cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho cộng đồng khởi nghiệp

Về đầu tư cơ sở hạ tầng – vật chất, Sở đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với tổng mặt bằng trên 22.000 m2; trong đó 50% vốn từ xã hội hóa.  

Về giải pháp phát triển con người, hàng loạt chương trình đào tạo – tư vấn – nâng cao năng lực được tổ chức cho nhiều đối tượng, từ khối trường phổ thông, đại học cho tới các nhà quản lý và khối doanh nghiệp hiện hữu. 

Đặc biệt, Chương trình SpeedUp 2017 đã cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Trong 8 tháng qua, Chương trình đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, số lượng các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay (VIISA đạt 5%, VSVA đạt 8%). 

Tuy nhiên, đánh giá chung từ Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM về hoạt động khởi nghiệp nói chung, đa số các startup tại Việt Nam được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống (seed stage), quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đây là một vấn đề cần suy nghĩ.

Do vậy, cộng đồng khởi nghiệp vẫn cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước, các mô hình hợp tác công tư và những đóng góp tích cực từ các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh.   

Thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ và phát triển thị trường KHCN

Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Hoạt động đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm KHCN”. Tính đến nay, 78% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống.

Hàng chục sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng đã được thương mại hóa, cung cấp và kết nối cho nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp để hình hành những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới. 

Trong năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đã thành lập 4 Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng điểm của Thành phố gồm: Cơ khí, chế biến lương thực – thực phẩm, nhựa – cao su – hóa và công nghệ thông tin.

Với mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, tính đến nay, 938 dự án khởi nghiệp đã được tư vấn kết nối để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh; 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng. 

Vì một “Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”

Bí thư Thành ủy đề nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ngoài việc đánh giá các hoạt động khởi nghiệp nói chung, cần tiếp tục định hướng, tập trung phát triển, sàng lọc để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thật sự đạt chất lượng, có hiệu quả cao.  

Theo ông, giới trẻ hiện nay có ba xu hướng lập nghiệp. Thứ nhất, có những người khởi nghiệp mà không sáng tạo. Chính xác hơn, đó là những bạn trẻ lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy, không đầu tư thêm chất xám để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Thứ hai là có những người sáng tạo mà không khởi nghiệp. Họ có thể sẽ thành nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình.

Trong khi đó, xu hướng thứ ba, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là một hướng đi quan trọng, bởi họ vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình. Vì thế, vai trò của trường đại học là phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững. 

Bí thư Nhân nhấn mạnh: “Ở các nước, mỗi trường đại học là 1 trung tâm đổi mới sáng tạo”. Và ông kỳ vọng, các trường đại học phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển bồi dưỡng nhân tài để tạo ra nguồn lực quan trọng cho thị trường trong tương lai.

Phát biểu tại Sở KH&CN TP HCM năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân từng đánh giá: “Một điểm nổi bật trong hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ là đã luôn tìm cách gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với nhu cầu của doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn nhân lực cho Thành phố phát triển, thông qua các giải pháp sáng tạo như hệ thống các mô hình tổ chức liên kết khoa học, công nghệ và kinh tế.”

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ hình thành không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chuyên gia,…; xây dựng Quy định nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của các tổ chức hoạt động KH&CN được đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ thành phố; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tập trung nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực: xây dựng đô thị thông minh, khoa học dữ liệu (Big data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, Công nghệ CNC, Công nghệ in 3D, Ứng dụng tế bào gốc trong y học,… để hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố.

Chuyến thăm và làm việc của Bí thư Thành ủy cũng đồng thời diễn ra vào thời điểm mà Sở Khoa học và Công nghệ TP kỷ niệm tròn 1 năm triển khai Chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (còn được biết với tên gọi Saigon Innovation Hub – Sihub) và sơ kết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nhiều mặt.

Chương trình gặp gỡ với cộng đồng khởi nghiệp trong thành phố sẽ được tổ chức từ 18h chiều nay, 7/9/2017 tại Sihub, 273 Điện Biên Phủ, Quận 3. 

Theo Khám phá