Dù công nghệ thực tế ảo mới chỉ phát triển tại Myanmar trong những năm gần đây, nhưng nhiều DN trẻ ở đất nước này đã mạnh dạn khởi nghiệp với công nghệ thực tế ảo.

Nhiều doanh nghiệp trẻ ở Myanmar đã mạnh dạn khởi nghiệp với công nghệ thực tế ảo nhằm giúp bảo tồn các di sản văn hóa đã có từ ngàn đời, cũng như hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu của giới trẻ Myanmar.

Những ngôi đền và chùa cổ ở Bagan là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Myanmar. Tuy nhiên, hàng trăm ngôi chùa đã bị hư hại, thậm chí bị đổ nát trong trận động đất xảy ra hồi năm 2016.

Nhưng trên đống tàn tích của ngôi đền có tuổi đời nghìn năm này, công nghệ của thế kỷ 21 đã giúp tái hiện sinh động cho người xem về ngôi đền và cảnh quan của nó trước khi nó bị đổ nát. Đó chính là nhờ vào công nghệ thực tế ảo do một doanh nghiệp khởi nghiệp đang ứng dụng. Người xem có thể xoay, lật, phóng to, thu nhỏ các hình ảnh và cảm thấy như được trực tiếp ngắm các hiện vật ở ngoài đời thực.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng máy bay không người lái ghi lại cảnh quan của các ngôi đền chùa, cũng như chụp ảnh bên trong đền chùa và dùng công nghệ 3D để phục dựng các đồ thờ và hiện vật bên trong.

Không chỉ hỗ trợ việc bảo tồn các di sản, công nghệ thực tế ảo còn được các doanh nghiệp khởi nghiệp của Myanmar ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.

Nhà khởi nghiệp Hla Hla Win đang dùng công nghệ thực tế ảo để phá vỡ rào cản trong các lớp học ở Myanmar. Chỉ cần có kính thực tế ảo, điện thoại di động, các em học sinh có thể thăm thú bất cứ nước nào.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới viễn thông của Myanmar trong những năm gần đây đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Những doanh nghiệp này đang đưa công nghệ vào cuộc sống, để giúp cải thiện cuộc sống của người dân Myanmar.

Theo VTV