Phải nghỉ học sau khi hết lớp 9 để lên nương phụ giúp cha mẹ, anh Hà Văn May, người dân tộc Thái ở Nghệ An là đảng viên trẻ, thoát nghèo nhờ nuôi dúi, làm kinh tế giỏi nơi núi rừng.
Sinh ra và lớn lên tại bản Piêng Ồ, xã Xiêng My, huyện Tương Dương (Nghệ An), anh Hà Văn May (SN 1998) là con cả trong gia đình người Thái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi học hết lớp 9, anh phải gác lại việc học, phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, chăn nuôi để mưu sinh.

Từng trải qua nhiều công việc từ làm thuê, trồng keo đến chăn trâu, nhưng cuộc sống vẫn không mấy khá giả, anh May luôn trăn trở tìm hướng đi mới.

Khu vực trang trại nuôi dúi của anh May (Ảnh: Nguyễn Phê).

Năm 2023, sau quá trình tìm hiểu qua mạng và tham quan thực tế các mô hình thành công, anh mạnh dạn khởi nghiệp với việc nuôi dúi – một loài gặm nhấm có giá trị kinh tế cao nhưng còn ít người nuôi ở miền tây Nghệ An.

Không có vốn, anh May phải vay mượn bạn bè, người thân để mua 25 con dúi giống đầu tiên. Những ngày đầu khởi nghiệp không tránh khỏi thất bại như dúi chết không rõ nguyên nhân, kỹ thuật chăm sóc còn nhiều bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, anh không bỏ cuộc. Ban ngày miệt mài chăm sóc đàn dúi, ban đêm anh tra cứu tài liệu, học hỏi kỹ thuật từ internet và tìm đến các trại giống ở huyện lân cận để học hỏi kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, anh cũng chủ động viết đơn xin hỗ trợ con giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Sau gần 2 năm kiên trì, mô hình nuôi dúi của anh đã phát triển ổn định với hơn 100 con dúi giống và dúi sinh sản, mang lại nguồn thu nhập đều đặn.

Từ bỏ giấc mơ lên THPT và giảng đường đại học, anh May ở lại quê hương phát triển đàn dúi (Ảnh: Nguyễn Phê).

Để chủ động nguồn thức ăn cho dúi, anh May tận dụng tre, nứa có sẵn trong rừng, đồng thời trồng thêm các loại cỏ, keo. Anh còn kết hợp nuôi thêm bò, gà, lợn và trồng rừng, tạo thành một mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả.

“Lúc đầu nuôi dúi tôi rất lo vì chưa ai nuôi ở vùng mình, kỹ thuật không nắm rõ. Nhưng học dần rồi quen, thấy dúi dễ chăm, ít bệnh, vốn ít mà lời khá”, anh May chia sẻ.

Hiện tại, thu nhập từ mô hình nuôi dúi của anh Hà Văn May duy trì ổn định 70-100 triệu đồng mỗi năm, trở thành một điển hình kinh tế trong xã. Nhiều đoàn viên, người dân địa phương đã tìm đến tham quan, học hỏi cách làm của anh.

Đến nay, trại của anh May có hơn 100 con dúi (Ảnh: Nguyễn Phê).

Không chỉ là một người làm kinh tế giỏi, anh Hà Văn May còn là đảng viên trẻ gương mẫu, luôn đi đầu trong công tác Đoàn và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên địa phương. Anh ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình và tích cực vận động các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp.

“Anh May là người trẻ dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ, sáng tạo. Mô hình của anh không chỉ giúp bản thân thoát nghèo mà còn truyền cảm hứng cho thanh niên vùng khó như địa bàn chúng tôi”, ông Lô Bá Lịch, Chủ tịch UBND xã Xiêng My, nhận định.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết hiện toàn huyện đã có hai hợp tác xã nuôi dúi quy mô lớn được cấp giấy phép đầy đủ.

Ngoài ra, một số hộ dân, trong đó có hộ anh Hà Văn May ở xã Xiêng My, đang nuôi thử nghiệm với nguồn giống hợp pháp do cơ quan chức năng cung cấp.

Theo đại diện Hạt Kiểm lâm, các mô hình nuôi dúi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hoặc có đăng ký bài bản đều đã được cấp phép. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, lực lượng kiểm lâm địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục theo quy định để đảm bảo quản lý chặt chẽ và đúng pháp luật.

Ông Lô Bá Lịch, Chủ tịch UBND xã Xiêng My, cũng xác nhận: “Hộ anh Hà Văn May đã được Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cấp giấy phép nuôi dúi theo đúng quy định”.

THEO NGUYỄN PHÊ
(Báo Dân trí)