Hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án
Việc ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào ngành y tế đã được thực hiện trong khoảng thời gian gần đây và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bệnh án điện tử (BAĐT), hay còn gọi là EMR (Electronic Medical Record), là những dữ liệu, thông tin được “số hóa” từ bệnh án thực của bệnh nhân mỗi lần vào viện khám/điều trị. Về mặt lý thuyết, tất cả các thông tin hành chính (tên tuổi, giới tính, địa chỉ, bảo hiểm v.v.), thông tin lâm sàng (bệnh sử, dị ứng, triệu chứng, chẩn đoán v.v.) và thông tin cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh v.v.) đều được lưu trữ vào BAĐT. Phần lớn những thông tin này sẽ được lưu giữ trong hệ thống thông tin bệnh viện (Hospital Information System – HIS) và hệ thống lưu trữ và truyền nhận hình ảnh (Picture Archiving and Communication System – PACS).
Nếu HIS tuân thủ theo một chuẩn chung, thông tin hai chiều giữa các phòng ban, giữa các khoa trong bệnh viện, và giữa các bệnh viện với nhau có thể được trao đổi. Tuy nhiên, hiện các hệ thống này đang sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau trong định dạng các trường dữ liệu của hồ sơ bệnh án điện tử do chúng được xây dựng phát triển theo nền tảng riêng của mỗi nhà cung cấp. Do không có một tiêu chuẩn dữ liệu chung, mối liên kết hiện nay giữa HIS và các nhóm dữ liệu khác là rất ít. Hơn nữa, mối liên kết HIS giữa các cơ sở khám chữa bệnh là không có. Bên cạnh đó, hệ thống PACS sử dụng tiêu chuẩn quốc tế DICOM (Digital Imaging and Communications in Medicine) với định hướng trung tâm là loại dữ liệu hình ảnh chẩn đoán, thường tách biệt với hệ thống EMR được khuyến nghị sử dụng tiêu chuẩn HL7 FHIR (Health Level Seven, Fast Health Interoperability Resources) cho dữ liệu dạng văn bản.
Ngoài ra, do không có chuẩn dữ liệu chung, các yêu cầu xét nghiệm và cận lâm sàng của bác sĩ điều trị cũng không thể được đáp ứng nhanh chóng và chính xác. Khả năng trao đổi và liên kết thông tin kém khiến việc hội chẩn mất nhiều công sức và thời gian, nhất là đối với những ca cần bác sĩ đầu ngành. Việc chưa có chuẩn cũng khiến các bác sĩ và điều dưỡng mất nhiều thời gian trong quá trình nhập liệu. Một số trường dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ bệnh án hiện vẫn đang sử dụng ở chế độ nhập văn bản tự do dễ dẫn đến các nhầm lẫn sai sót cũng như không hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác và liên thông hồ sơ bệnh án điện tử. Các thông số không chính xác làm sai lệch và giảm hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan. Việc trao đổi thông tin với các cơ sở khám chữa bệnh quốc tế cũng khó khăn hơn do không có chuẩn. Hơn nữa, việc không có một tiêu chuẩn dữ liệu chung bám theo tiêu chuẩn dữ liệu quốc tế khiến quá trình hiện đại hóa và đưa kỹ thuật cao vào hệ thống y tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các danh mục lâm sàng đảm bảo việc thống nhất về mặt ngữ nghĩa lâm sàng. Trên thế giới hiện đang áp dụng các bộ danh mục phổ biến và toàn diện như danh mục mã bệnh ICD (International Classification of Diseases), danh mục mã quan sát lâm sàng và mã dùng trong phòng xét nghiệm LOINC (Logical Observation Identifiers Names and Codes) hay danh mục pháp danh y khoa lâm sàng SNOMED-CT (Systematized Nomenclature of Medicine-Clinical Terms).
Tóm lại, hạn chế lớn nhất của phần lớn các giải pháp hồ sơ bệnh án điện tử đang triển khai tại Việt Nam hiện nay là chỉ mới thực hiện số hóa các trường dữ liệu trong hồ sơ bệnh án giấy theo cách thức nền tảng kỹ thuật riêng của đơn vị cung cấp và đặc thù hoạt động của cơ sở y tế áp dụng. Do đó, các hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử này vẫn chưa thể liên thông giữa các cơ sở y tế sử dụng các nhà cung cấp khác nhau. Mặt khác, các hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử này chủ yếu xử lý các dữ liệu dạng văn bản và còn hoạt động tách biệt với các hệ thống thông tin y tế khác đang vận hành tại cơ sở y tế, đặc biệt là với các hệ thống chẩn đoán hình ảnh RIS/PACS. Mặc dù một số hệ thống có sử dụng nền tảng là những tiêu chuẩn quốc tế phổ biến, nhưng khi kết nối các hệ thống với các nền tảng khác nhau lại nảy sinh vấn đề việc không được thống nhất dữ liệu giữa hai hay nhiều nền tảng khác nhau. Ngoài ra, một số trường dữ liệu lâm sàng quan trọng cho quá trình điều trị và nghiên cứu thì vẫn còn ở chế độ nhập liệu văn bản tự do. Do đó, cần một giải pháp thực hiện cụ thể trong việc nhìn nhận việc liên kết, tích hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật và danh mục lâm sàng nhằm tăng cường hiệu quả khai thác và liên thông hồ sơ bệnh án điện tử.
Mục đích của đề tài/giải pháp là xây dựng hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử nhằm khắc phục một số vấn đề về khả năng liên thông và tính nhất quán trong nhập liệu thông tin lâm sàng. Theo đó, hệ thống đề xuất có thể tạo ra các dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung thống nhất, nhờ đó có thể cho phép các hồ sơ bệnh án điện tử có thể được liên thông giữa các bệnh viện và/hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác nhau một cách thuận lợi. Cụ thể, hệ thống đề xuất có thể tạo ra lưu trữ các dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử có các trường dữ liệu thích hợp với các trường dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế trong FHIR và các trường dữ liệu chuẩn bổ sung có trong các hồ sơ bệnh án thực tế theo quy định tại Việt Nam nhưng không có trong FHIR, để đảm bảo chuẩn hoá và lưu trữ các thông tin của các hồ sơ bệnh án thực tế một cách thống nhất và đầy đủ. Theo một phương án, các thuật ngữ lâm sàng thống nhất trong khối danh mục nêu trên có thể được đưa ra dựa trên các danh mục thuật ngữ theo SNOMED CT (Systematized Nomenclature of Medicine-Clinical Terms), ICD-10 (International Classification of Diseases) và LOINC (Logical Observation Identifiers Names and Codes), nhờ đó một số trường dữ liệu nhập dưới dạng văn bản tự do có thêm tùy chọn nhập theo danh mục thuật ngữ SNOMED CT, ICD-10 và LOINC. Mặt khác, đề tài/giải pháp không phụ thuộc vào bất cứ thiết bị phần cứng hoặc phần mềm độc quyền nào nên có nhiều thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tiễn, đặc biệt là các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực hệ thống thông tin y tế.
Chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu triển khai về bệnh án điện tử là rất cấp thiết và phù hợp với mong muốn của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là định hướng Chính phủ điện tử và Y tế điện tử. Tuy nhiên, bệnh án điện tử sẽ không thành công triệt để nếu thiếu chuẩn dữ liệu chung, để qua đó bệnh án điện tử có thể được luân chuyển giữa các cơ sở y tế khác nhau. Do đó, đề tài/giải pháp giải quyết vấn đề không thể liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án giữa các cơ sở y tế sử dụng các nhà cung cấp hệ thống thông tin y tế khác nhau cũng như vấn đề thiếu nhất quán và chính xác trong nhập liệu dữ liệu lâm sàng của các bác sĩ và nhân viên y tế tại Việt Nam hiện nay. Sản phẩm bộ chuẩn dữ liệu cho hồ sơ bệnh án điện tử của đề tài/giải pháp lần đầu tiên được nghiên cứu xây dựng và triển khai thử nghiệm cho đặc thù ngành y tế Việt Nam. Đề tài/giải pháp nghiên cứu xây dựng bản mô tả chi tiết về cấu trúc dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử vừa đáp ứng các quy định hiện hành của ngành y tế Việt Nam vừa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến và phổ biến. Ngoài ra, đề tài/giải pháp cũng triển khai các mô hình hệ thống thử nghiệm ứng dụng bộ chuẩn tại một số bệnh viện để hiệu chỉnh đánh giá và tổng hợp thành các bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn sử dụng công bố trên diễn đàn mở để các nhà phát triển sản phẩm có thể khai thác sử dụng.
Đề tài/giải pháp xây dựng bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM phổ biến trên thế giới và cũng được Bộ Y tế Việt Nam quy định hoặc khuyến nghị sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng bộ chuẩn dữ liệu, đề tài/giải pháp đã bám sát các đặc tả kỹ thuật của các tiêu chuẩn này cũng như các quy định và thực trạng hồ sơ bệnh án tại Việt Nam để từ đó chọn lọc cũng như bổ sung các trường dữ liệu cần thiết đặc thù cho hồ sơ bệnh án điện tử tại Việt Nam.
Ngoài ra, đề tài/giải pháp cũng xây dựng mô hình tích hợp các hệ thống danh pháp lâm sàng quốc tế như ICD-10, LOINC, đặc biệt là SNOMED CT vào hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử để chuẩn hóa việc nhập liệu dữ liệu lâm sàng cũng như khai thác kho tri thức y sinh của thế giới nhằm nâng cao chất lượng việc chẩn đoán và điều trị.
Như được thể hiện trên Hình 1, hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện điện tử bao gồm khối cơ sở dữ liệu trung tâm (FHIR) 100, khối thông tin bệnh viện (HIS) 200, khối phân tích xử lý xét nghiệm (LIS) 300, khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh (RIS) 400, khối lưu trữ hình ảnh chẩn đoán (PACS) 800, khối bệnh án điện tử (EMR) 500, khối danh mục 600, khối máy khách 700. Nhờ việc thực hiện tích hợp, chuẩn hóa các hồ sơ bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn HL7 FHIR và lưu trữ tập trung tại khối cơ sở dữ liệu trung tâm, có thể cho phép các hồ sơ bệnh án điện tử có thể được liên thông giữa các bệnh viện và/hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác nhau một cách thuận lợi.
Hình 1. Sơ đồ khối hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện điện tử
Nói chung, quá trình kết nối dữ liệu được xây dựng lấy kho dữ liệu FHIR làm trung tâm, là nơi lưu trữ, tập trung các thông tin từ nhiều khối khác nhau theo cùng tiêu chuẩn HL7 FHIR. Điều này cho phép hồ sơ bệnh án điện tử có thể liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Theo phương án ưu tiên này, khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 có các tài nguyên tương tác chăm sóc sức khỏe nhanh (FHIR – Fast Health Interoperability Resources) để nhập, xuất, và lưu trữ dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung theo tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế. Khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 được kết nối tới khối thông tin bệnh viện 200, khối phân tích xử lý xét nghiệm 300, khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh 400, và khối bệnh án điện tử 500, để tích hợp và cập nhật dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử từ khối thông tin bệnh viện 200, kết quả xét nghiệm từ khối phân tích xử lý xét nghiệm 300, kết quả và/hoặc mô tả hình ảnh từ khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh 400, để thu được dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử sử dụng tiêu chuẩn dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử chung nêu trên và lưu trữ tại khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100. Ở đây, khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 có thể chứa cơ sở dữ liệu của một hoặc một nhóm bệnh viện hoặc cơ sở y tế, hoặc cũng có thể chứa cơ sở dữ liệu của một hoặc một số đơn vị trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Hiển nhiên là, khi khối cơ sở dữ liệu trung tâm chứa cơ sở dữ liệu của một nhóm bệnh viện hoặc cơ sở y tế thì nhóm bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thể liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử với nhau. Trong thực tế, có thể có nhiều hơn một khối cơ sở dữ liệu trung tâm gắn với các bệnh viện hoặc cơ sở y tế (hoặc các đơn vị trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế), tuy nhiên do các hồ sơ bệnh án điện tử đều được chuẩn hoá theo một tiêu chuẩn chung để lưu trữ ở các khối cơ sở dữ liệu trung tâm khác nhau, do đó có thể dễ dàng được liên thông hoặc chia sẻ thông qua các kết nối bất kỳ theo kỹ thuật đã biết, ví dụ thông qua kết nối trao đổi dữ liệu có dây hoặc không dây.
Khối thông tin bệnh viện 200 thực hiện chuyển các thông tin bệnh nhân, các thông tin về quản lý bệnh nhân và các thông tin khác liên quan đến bệnh nhân, đến quá trình điều trị đến khối cơ sở dữ liệu trung tâm 100 theo tiêu chuẩn HL7 FHIR thông qua kết nối 101.
Hình 2 là sơ đồ thể hiện quy trình kết nối giữa khối cơ sở dữ liệu trung tâm và khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh.
Hình 2. Quy trình kết nối giữa khối cơ sở dữ liệu trung tâm và khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh.
Hình 3 là sơ đồ thể hiện quy trình kết nối khối bệnh án điện tử với khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh.
Hình 3. Quy trình kết nối khối bệnh án điện tử với khối tiếp nhận và trả kết quả hình ảnh.
Hình 4 là ảnh chụp màn hình giao diện thông tin đăng ký bệnh nhân. Theo ví dụ thực hiện này, thông tin bệnh nhân sẽ được lưu lại một lần khi bệnh nhân đến viện vào lần đầu và các thông tin này sẽ được sử dụng trong quá trình điều trị mỗi khi bệnh nhân đến viện. Mỗi bệnh nhân sẽ cần cung cấp các thông tin lúc đăng ký bao gồm tên, giới tính, ngày sinh địa chỉ, các giấy tờ khác, v.v. Khi bệnh nhân được đăng ký, hệ thống sẽ lưu nhận lại lần đầu, cũng như các mốc thời gian hồ sơ được thay đổi theo thời gian thực như hiển thị ở khối 201. Mỗi bệnh nhân sẽ được cấp một mã ID, như hiển thị ở khối 202, trên hệ thống được xác định không trùng lặp với bất kì bệnh nhân khác. Các thông tin cần thiết khác sẽ lần được thể hiện ở các khối 203, 204 và 205.
Dữ liệu danh mục dùng chung phục vụ cho mục đích trao đổi hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành các bộ (dataset) để dùng làm giá trị lựa chọn trong từng ngữ cảnh cụ thể. Một bộ danh mục có thể sử dụng tất cả hoặc chỉ một phần giá trị dữ liệu có trong một bảng mã tiêu chuẩn. Thậm chí cũng có thể có thể lựa chọn giá trị từ nhiều bảng mã khác nhau để dùng cho một bộ danh mục. Mỗi bộ danh mục có thể được quản lý theo nhiều phiên bản khác nhau. Những dữ liệu được lựa chọn đưa vào danh sách bộ danh mục dùng chung theo tiêu chí là có thể thay đổi theo thời gian, đảm bảo sự linh hoạt không cố định của hệ thống trong quá trình sử dụng lâu dài.
Hình 4. Giao diện thông tin đăng ký bệnh nhân.
Hình 5 minh họa giao diện thông tin chẩn đoán, dấu hiệu của bệnh nhân theo một ví dụ thực hiện cụ thể của giải pháp. Theo ví dụ thực hiện này, các thông tin này sẽ được chuyển về khối FHIR để lưu trữ và được sử dụng về sau. Hình 6 minh họa giao diện thông tin luân chuyển bệnh nhân trong quá trình điều trị trong viện theo một ví dụ thực hiện cụ thể của giải pháp. Theo ví dụ thực hiện này, các nội dung được trích dẫn để tạo nên một cái nhìn tổng quát về các dấu hiệu của bệnh nhân nhằm tránh sai sót trong quá trình luân chuyển bệnh nhân. Và ở giao diện này, bác sĩ có thể luân chuyển bệnh nhân với bốn hoạt động chính bao gồm nhập viện, chuyển viện, chuyển khoa hay xuất viện như hiển thị ở khối 402. Ngoài ra, giao diện còn mục ghi chú như hiển thị ở khối 401 để bác sĩ ghi nhận lại các đặc điểm cần lưu ý với bệnh nhân này.
Hình 5. Giao diện thông tin chẩn đoán, dấu hiệu của bệnh nhân.
Hình 6. Giao diện thông tin luân chuyển bệnh nhân.
Về dung lượng lưu trữ của kho dữ liệu sẽ được tính theo cách lấy dung lượng của một hồ sơ bệnh án FHIR nhân với số lượng bệnh án tổng cộng và theo quy định Thông tư 53/2017/TT-BYT thì một hồ sơ bệnh án của người tử vong lên đến 30 năm đối với hồ sơ giấy. Trong quá trình thực nghiệm tại một số bệnh viện, các dữ liệu cho một hồ sơ bệnh án có dung lượng khoảng từ 5MB đến 10MB. Đối với một bệnh viện quy mô 1000 giường thì số lượng hồ sơ bệnh án có thể hình thành trong một tháng lên đến hơn 2000 hồ sơ. Theo cách tính nêu trên thì trong 30 năm tổng số dung lượng tối thiểu cần thiết để lưu trữ hồ sơ vào khoảng 7.2TB. Ngoài ra, để không làm gián đoạn công việc khám chữa bệnh thì thời gian cần thiết để truy cập tối đa vào khoảng 15s – 20s cho một bồ hồ sơ bệnh án đầy đủ. Từ các yêu cầu trên thì kho lưu trữ theo tiêu chuẩn FHIR sẽ cần một cấu hình tương ứng như sau: 1 CPU Xeon 4 core, RAM 16GB DDR4, một ổ cứng chạy hệ điều hành và 10TB RAID1.
Để đáp ứng được quy định bảo mật theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT thì cần thực hiện xây dựng kho lưu trữ với hai lớp bảo vệ bao gồm khóa truy vấn tại trang admin và khóa truy vấn tại các API. Kho dữ liệu được xây dựng trên nền tảng truy vấn API nên việc cần cung cấp một cơ chế ủy quyền truy cập vào tài nguyên là điều vô cùng hợp lý. Nếu không có cơ chế này thì bất kì ai cũng có thể truy cập vào lấy dữ liệu điều đó là không hợp lý và đặc biệt đối với dữ liệu nhạy cảm như ngành y tế.
Hình 7 và Hình 8 minh họa giao diện sau khi đăng nhập và kết quả thông số kỹ thuật đáp ứng truy vấn của kho dữ liệu theo tiêu chuẩn FHIR xây dựng.
Hình 7. Giao diện sau khi đăng nhập.
Hình 8. Giao diện kết quả thông số kỹ thuật.
Hình 9 minh họa khả năng đáp ứng đầy đủ các thông tin dữ liệu của đề tài/giải pháp theo quy định hồ sơ bệnh án hiện hành của ngành y tế Việt Nam.
Hình 9. Khả năng đáp ứng đầy đủ các thông tin dữ liệu theo quy định hồ sơ bệnh án hiện hành của ngành y tế Việt Nam.
Hình 10 minh họa việc kiểm tra tuân thủ cấu trúc HL7 FHIR sử dụng công cụ cung cấp trên trang simplifier.net. Đây là tổ chức quốc tế uy tín, thường tổ chức các hội nghị trao đổi về cấu trúc HL7 FHIR. Công cụ kiểm tra có thể chỉ ra các lỗi một cách chính xác và rõ ràng.
Hình 10. Kiểm tra tuân thủ cấu trúc HL7 FHIR.
Đề tài/giải pháp là một phần kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học cấp thành phố “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và cho liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện” theo Hợp đồng số 98/2019/HD-QPTKHCN đã được nghiệm thu thành công ngày 26/5/2022.
Đề tài/giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh trong bệnh viện, tăng tính linh hoạt và tiết kiệm thời gian của bác sĩ và nhân viên y tế, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng như chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, cũng như đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế. Trong quá trình thực hiện, đề tài/giải pháp đã hướng dẫn thành công 04 sinh viên thực hiện luận văn tốt nghiệp (LVTN), đào tạo và hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu cho hơn 10 bác sĩ và nhân viên y tế tại 02 bệnh viện, đồng thời xuất bản 02 bài báo khoa học có liên quan đăng trên tạp chí và kỷ yếu hội nghị quốc tế có uy tín. Đề tài/giải pháp còn có thể được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu thông qua các bộ tài liệu mô tả các chuẩn quốc tế trong hồ sơ bệnh án điện tử như HL7 FHIR, SNOMED CT, DICOM, v.v.
Đề tài/giải pháp đã đăng ký thành công (chấp nhận đơn hợp lệ) 01 giải pháp hữu ích “Quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử” theo Quyết định số 2902w/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ký ngày 23/02/2022.
Lĩnh vực áp dụng
– Y tế.
– Điện – điện tử, Công nghệ thông tin, viễn thông.
Thị trường của sản phẩm
Đánh giá tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này giúp truy cập thông tin nhanh, hỗ trợ công tác chẩn đoán, thống kê và nghiên cứu khoa học của các chuyên khoa, giảm thiểu tài liệu lưu trữ hàng năm cho hệ thống bệnh viện, hỗ trợ tối đa các bác sĩ trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Thông tư 46 cũng quy định lộ trình bắt buộc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; trong đó giai đoạn từ năm 2019-2023 với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên, và giai đoạn từ năm 2024-2028 cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Vì vậy, với số lượng 54 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Tp.HCM và hơn 1000 bệnh viện/ cơ sở y tế tại Việt Nam, nhu cầu triển khai bệnh án điện tử là rất lớn. Trong khi đó, bộ chuẩn dữ liệu cho hồ sơ bệnh án điện tử của đề tài/giải pháp được công bố công khai tại Sở Y tế TPHCM nên các bệnh viện/ cơ sở y tế tại Việt Nam và các nhà cung cấp phát triển hệ thống thông tin y tế HIS, EMR có thể khai thác sử dụng phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù của đơn vị. Khi triển khai thành công bộ chuẩn dữ liệu cho hồ sơ bệnh án điện tử của đề tài/giải pháp sẽ giảm rất nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý cho bệnh viện.
Đề tài/giải pháp đã được ứng dụng thử nghiệm thành công tại bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Các hợp đồng thử nghiệm và nghiệm thu đánh giá kết quả tốt tại bệnh viện Thống Nhất (thử nghiệm tại 02 khoa với các ca khám chữa bệnh trong thời gian thực) và bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thử nghiệm tại 03 khoa với các mẫu hồ sơ bệnh án thực tế) trong việc khai thác ứng dụng bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu.
Đề tài/giải pháp đã có một phần kết quả được ứng dụng thực tiễn trong chương trình hợp tác biên soạn giáo trình và đào tạo công nghệ thông tin y tế giữa tổ chức Family Health International (FHI 360) và Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TPHCM qua 2 hợp đồng trị giá 280.000.000 VNĐ.
Hiệu quả kinh tế – xã hội
Về mặt kinh tế, khi ứng dụng quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho các yêu cầu xét nghiệm, cận lâm sàng trùng lặp và các chi phí phát sinh khác liên quan đến quá trình khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh giảm chi phí in ấn và lưu trữ so với việc in phim và hồ sơ bệnh án giấy truyền thống. Các cơ quan cấp cao hơn như Sở Y tế, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội sẽ tiết kiệm được chi phí thống kê và đánh giá tình hình bảo hiểm y tế cũng như tình hình khám chữa bệnh.
Về mặt xã hội, ứng dụng quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử mang lại lợi ích và hiệu quả không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả cán bộ nhân viên y tế. Bệnh nhân không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, không lo mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ, và có thể tự quản lý thông tin sức khỏe. Các bác sĩ có thể theo dõi được toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh, nhất là người bệnh được điều trị dài ngày. Ngoài ra, thông qua quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử giữa các bệnh viện còn giúp nâng cao khả năng quản lý tập trung và luân chuyển dữ liệu, tăng cường tính minh bạch và khả năng giám sát kiểm tra số lần thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có. Ngoài ra, ứng dụng hệ thống đề xuất cũng giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Về mặt khoa học công nghệ, việc hình thành một chuẩn dữ liệu chung cho ngành y tế Việt Nam bám sát với yêu cầu thế giới giúp bảo đảm khả năng làm chủ quy trình đồng thời bảo đảm tính độc lập với các phần mềm chưa chuẩn hóa trên thị trường. Do được nghiên cứu và phát triển trong nước, hệ thống chuẩn dữ liệu chung này sẽ bảo đảm thích nghi với các quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội. Mặt khác, do bám sát với tiêu chuẩn dữ liệu thế giới, khả năng tương thích và trao đổi thông tin với các hệ thống nước ngoài được bảo đảm. Nhờ vậy, chi phí phát triển và hiệu chỉnh tiêu chuẩn dữ liệu trong tương lai cũng sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, sản phẩm của đề tài/giải pháp có thể được sử dụng trong đào tạo và nghiên cứu thông qua các bộ tài liệu kỹ thuật mô tả các chuẩn quốc tế HL7 và DICOM.
Về mặt đào tạo, việc nghiên cứu và triển khai đề tài/giải pháp cũng góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ các giáo sư, giảng viên và chuyên gia tại Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Bên cạnh đó, đề tài/giải pháp cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên các chuyên ngành Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật y sinh tiếp cận với các đề tài mang tính khoa học và thực tiễn.
Về mặt y tế, chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao nhờ khả năng tăng cường hiệu quả khai thác và liên thông hồ sơ bệnh án điện tử khi ứng dụng quy trình thực hiện hệ thống tích hợp, chuẩn hóa, lưu trữ và liên thông dữ liệu đề xuất. Các thông tin lâm sàng và cận lâm sàng có thể được nhanh chóng phân tích và đánh giá với hiệu quả cao. Thông qua bệnh án điện tử đáp ứng chuẩn quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết với các cơ sở khám chữa bệnh ở nước ngoài đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và trình độ của hệ thống trong nước. Các thông tin thống kê rõ ràng và đầy đủ cũng giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu về chuyên môn, dự báo dịch bệnh và phân tích kết quả điều trị, từng bước thúc đẩy và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Hướng phát triển
Việc xây dựng mô hình tích hợp các hệ thống danh pháp lâm sàng ICD-10, LOINC và đặc biệt là SNOMED CT trong nhập liệu dữ liệu lâm sàng không chỉ có ý nghĩa trong việc cải thiện tính chính xác của thông tin lâm sàng trong hồ sơ bệnh án điện tử so với nhập liệu dạng văn bản tự do như hiện nay mà còn có giá trị rất lớn trong xây dựng các giải thuật phần mềm về trí thông minh nhân tạo dựa trên nền tảng dữ liệu lớn đã thu thập được, từ đó phát triển các hướng nghiên cứu về dữ liệu lớn cho ngành y tế và xây dựng hệ thống phần mềm bệnh án điện tử thông minh, hệ thống chẩn đoán y khoa thông minh.