4 bước để đưa sản phẩm dẫn đầu thị trường
Để giành lấy sự trung thành của người dùng và tạo ra một sản phẩm được sử dụng thường xuyên, các công ty phải tìm hiểu điều gì “gãi đúng chỗ ngứa” của họ.
79% người sở hữu điện thoại thông minh kiểm tra thiết bị của họ trong vòng 15 phút sau khi thức dậy vào buổi sáng. 1/3 người Mỹ nói họ thà từ bỏ tình dục còn hơn là mất điện thoại di động.
Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy mọi người kiểm tra điện thoại của họ 34 lần/ngày. Tuy nhiên, những người làm việc trong ngành công nghệ tin rằng con số chính xác là hơn 150 lần/ngày.
Những công nghệ mà chúng ta sử dụng ngày nay đã trở thành sự cưỡng bức, nếu không muốn nói là sự nghiện ngập sâu đậm. Kiểm tra tin nhắn đã trở thành một sự thôi thúc. Sự thôi thúc đó đeo bám bạn suốt ngày, nhưng bạn hầu như không để ý.
Làm cách nào mà những công ty vốn chẳng sản xuất ra thứ gì khác ngoài những đoạn mã lệnh được trình chiếu trên màn hình lại đang kiểm soát tâm trí của người sử dụng như vậy? Điều gì khiến các sản phẩm đó định hình nên thói quen của chúng ta?
Định hình thói quen (habit-forming) là yêu cầu bắt buộc cho sự sống còn của nhiều sản phẩm. Các công ty ngày càng thấy giá trị kinh tế của họ được đo đếm bằng sức mạnh của những thói quen họ tạo ra. Để giành lấy sự trung thành của người dùng và tạo ra một sản phẩm được sử dụng thường xuyên, các công ty phải tìm hiểu không chỉ điều gì thôi thúc người dùng bấm chuột, mà còn cả điều gì “gãi đúng chỗ ngứa” của họ.
Các sản phẩm tạo ra thói quen bằng cách nào? Câu trả lời: Các sản phẩm sinh ra thói quen.
Nir Eyal là một giảng viên tại Đại học Stanford, thường viết cho các ấn phẩm như TechCrunch, Forbes và Psychology Today. Ông cũng thường được mời làm diễn giả tại các buổi hội thảo về công nghệ và tại các công ty thuộc danh sách Fortune 500. Trước đó, ông là nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực trò chơi điện tử và quảng cáo. Lĩnh vực chủ yếu mà Nir Eyal đào sâu nghiên cứu là về sản phẩm và thiết kế nhắm vào hành vi cũng như thói quen của con người.
Qua nhiều năm tháng nghiên cứu và làm việc thực tế, Nir Eyal đã chắt lọc kiến thức và kinh nghiệm của mình để đưa ra quy trình mà các công ty thành công đã sử dụng để định hình thói quen. Ông gọi đó là mô hình Lưỡi câu.
Mô hình Lưỡi câu của Nir Eyal gồm 4 giai đoạn: Kích hoạt – Hành động – Tưởng thưởng – Đầu tư. Hooked: How To Buid Habit – Forming Products(bản tiếng Việt của Alphabook là Dẫn dắt người dùng – bốn bước để đưa sản phẩm dẫn đầu thị trường) của Nir Eyal giải thích bí mật đằng sau thiết kế của nhiều sản phẩm và dịch vụ định hình thói quen thành công.
Nhà sáng lập Quỹ đầu tư 500 Startups Dave McClure nhận định về Dẫn dắt người dùng: “Cuốn sách của Nir là một tài liệu tham khảo thiết yếu cho bất kỳ doanh nhân khởi nghiệp nào muốn thấu hiểu tâm lý khách hàng”.
Khám phá những nội dung chính của Dẫn dắt người dùng:
Thói quen hình thành khi bộ não chúng ta đi đường tắt và ngừng phân tích tỉ mỉ một cách tích cực xem cần làm gì tiếp theo. Bộ não có khả năng học hỏi rất nhanh để mã hóa các hành vi, nhằm cung cấp giải pháp cho bất cứ tình huống nào nó gặp phải.
Đôi khi một hành vi như dùng chỉ nha khoa hay tìm kiếm trên Google dù không diễn ra thường xuyên nhưng vẫn sẽ trở thành một thói quen. Để một hành động không thường xuyên trở thành một thói quen, người dùng phải nhận được lợi ích cực lớn, có thể là từ việc đạt được sự hài lòng hoặc tránh được sự đau khổ.
Ví dụ, Amazon – hãng bán lẻ trực tuyến có mục tiêu trở thành cửa hàng “một điểm đến”. Amazon tự tin với khả năng định hình thói quen người dùng của họ tới mức hãng bán và chạy các quảng cáo cho những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp ngay trên trang của mình. Người dùng thường thấy món đồ họ định mua được liệt kê với giá thấp hơn và có thể nhấp chuột để giao dịch ở một trang khác. Người khác có thể cho đây là công thức dẫn đến thảm họa, nhưng với Amazon, đó là một chiến lược kinh doanh. Không chỉ thu tiền từ mẩu quảng cáo đăng cho các đối thủ, Amazon còn tận dụng tiền tiếp thị của các công ty khác để định hình thói quen trong tâm trí người mua sắm. Amazon muốn trở thành giải pháp của vấn đề thường xuất hiện với khách hàng – đó là khát khao tìm ra những món đồ họ muốn.
Bằng cách xử lý lo lắng của người mua sắm về giá cả, Amazon nhận được sự trung thành của khách hàng ngay cả khi chính họ không bán hàng. Chiến thuật này được ủng hộ bởi một nghiên cứu năm 2003, trong đó cho thấy sự ưa thích của khách hàng với một hãng bán lẻ tăng lên khi họ được cung cấp thông tin về các mức giá cạnh tranh khác nhau. Chiến thuật này cũng được sử dụng bởi công ty chuyên về bán bảo hiểm xe hơi Progressive, giúp họ thu về hơn 15 tỷ đô la tiền bán bảo hiểm mỗi năm, trong khi doanh thu trước khi chiến thuật này triển khai chỉ là 3,4 tỷ đô la.
Bằng cách giúp người dùng so sánh các cửa hàng khác nhau trên trang của họ, Amazon mang lại cho khách hàng một tiện ích tuyệt vời. Dù mua sắm ở Amazon không diễn ra thường xuyên như tìm kiếm trên Google, công ty đã gia cố vị trí của họ như giải pháp mặc định với nhu cầu mua sắm của khách hàng qua mỗi giao dịch thành công. Thực ra, mọi người thoải mái so sánh và mua sắm trên Amazon tới mức họ thường sử dụng ứng dụng di động của công ty này để kiểm tra giá ngay khi đang đứng trong một cửa hàng thật – thường là để mua hàng từ một hãng bán lẻ cạnh tranh với Amazon.
CẦN NHỚ
Với một số ngành kinh doanh, định hình thói quen là yếu tố tối quan trọng để thành công, nhưng không phải ngành kinh doanh nào cũng đòi hỏi sự gắn kết thói quen của người dùng với sản phẩm/dịch vụ.
– Khi thành công, những thói quen mạnh đã được định hình của người dùng có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc kinh doanh, bao gồm: giá trị trọn đời của khách hàng cao hơn, sự thoải mái trong định giá lớn hơn, sự tăng trưởng tốt hơn và lợi thế cạnh tranh sắc bén hơn.
– Những thói quen không thể hình thành bên ngoài vùng thói quen, nơi hành vi xảy ra với tần suất đủ cao và lợi ích được cảm nhận đủ nhiều.
– Các sản phẩm định hình thói quen thường bắt đầu là những sản phẩm có thì tốt nhưng không có cũng không sao. Tuy nhiên, khi thói quen đã hình thành, chúng trở thành sản phẩm phải có.
– Thiết kế các sản phẩm định hình thói quen là một hình thức thao túng. Sẽ tốt hơn nếu như người tạo ra sản phẩm suy xét một chút về mặt lương tâm trước khi khiến người dùng mắc câu, để đảm bảo rằng họ đang tạo ra những thói quen lành mạnh chứ không phải thói nghiện ngập có hại.
VIỆC CẦN LÀM NGAY
Nếu các bạn đang phát triển một sản phẩm định hình thói quen, hãy trả lời những câu hỏi sau:
– Mô hình kinh doanh của bạn đòi hỏi những thói quen nào?
– Vấn đề nào khiến người dùng tìm tới sản phẩm của bạn để giải quyết?
– Người dùng hiện đang giải quyết vấn đề đó như thế nào và tại sao cần có một giải pháp?
– Bạn trông đợi người dùng sẽ tương tác với sản phẩm của mình thường xuyên ra sao?
– Bạn muốn biến hành vi nào của người dùng thành thói quen?
4 giai đoạn của mô hình Lưỡi câu để đưa sản phẩm dẫn đầu thị trường:
1/ KÍCH HOẠT
Thói quen không đột ngột sinh ra mà được xây dựng dần dần.
Thói quen giống như ngọc trai. Loài trai tạo ra những viên ngọc tự nhiên bằng cách tích tụ các lớp xà cừ, hết lớp này tới lớp khác, dần dần hình thành nên viên ngọc. Tương tự, các thói quen mới cần một cơ sở để phát triển. Sự kích hoạt sẽ cung cấp cơ sở cho sự thay đổi hành vi bền vững.
Sự kích hoạt có thể là chỉ dẫn rõ ràng như đồng hồ báo thức buổi sáng, nhưng có khi lại là những dấu hiệu tinh tế, đôi khi vô thức và cũng gây ảnh hưởng không kém lên hành vi hằng ngày của chúng ta. Sự kích hoạt là cơ chế khởi động một hành vi, giống như hạt sạn trong con trai kết tủa thành ngọc. Dù chúng ta có nhận thức được về chúng hay không, những yếu tố kích hoạt là điều khiến chúng ta hành động.
CẦN NHỚ
– Sự kích hoạt nhằm lôi kéo người dùng hành động là bước đầu tiên trong mô hình lưỡi câu.
– Sự kích hoạt có hai dạng: bên ngoài và bên trong.
– Sự kích hoạt bên ngoài cho người dùng biết phải làm gì tiếp theo bằng cách đưa thông tin vào trong môi trường của người dùng.
– Sự kích hoạt bên trong cho người dùng biết phải làm gì tiếp theo thông qua các mối liên hệ được lưu trữ trong ký ức của người dùng.
– Các cảm xúc tiêu cực thường giữ vai trò là yếu tố kích hoạt bên trong.
– Để xây dựng sản phẩm định hình thói quen, người sản xuất cần hiểu cảm xúc nào của người dùng có liên hệ chặt chẽ với sự kích hoạt bên trong và biết cách tận dụng sự kích hoạt bên ngoài để thúc đẩy người dùng hành động.
VIỆC CẦN LÀM NGAY
Hoàn thành bài tập sau:
– Ai là người dùng sản phẩm của bạn?
– Người dùng thường làm gì ngay trước khi thực hiện hành vi mà bạn dự định biến nó trở thành thói quen?
– Đưa ra ba yếu tố kích hoạt bên trong có thể lôi kéo người dùng đi tới hành động.
– Người dùng của bạn trải nghiệm yếu tố kích hoạt bên trong nào thường xuyên nhất?
– Hãy làm một bản mô tả ngắn, sử dụng yếu tố kích hoạt bên trong thường xuyên nhất và thói quen mà bạn đang muốn định hình.
– Tham khảo câu hỏi về việc người dùng làm gì ngay trước khi hành động đầu tiên theo thói quen diễn ra. Địa điểm và thời gian nào thích hợp nhất để thực hiện sự kích hoạt bên ngoài.
– Làm thế nào để kết hợp chặt chẽ một yếu tố kích hoạt bên ngoài với thời điểm sự kích hoạt bên trong người dùng bùng lên mạnh mẽ?
– Nghĩ ra ít nhất ba cách thông thường để kích hoạt người dùng của bạn bằng công nghệ hiện thời (như điện tử, thông báo trên điện thoại, tin nhắn…), rồi tự mình tưởng tượng ra ít nhất ba ý tưởng phi lý hoặc bất khả thi ở thời điểm hiện tại để kích hoạt người dùng (máy tính có thể đeo lên người, các cảm biến sinh học, bồ câu đưa thư…). Bạn có thể phát hiện ra rằng những ý tưởng phi lý của bạn sẽ tạo cảm hứng cho những cách tếp cận mới có thể không phi lý chút nào. Trong vài năm tới, những công nghệ mới sẽ tạo ra đủ loại cơ hội để kích hoạt người dùng mà hiện tại chúng ta vẫn nghĩ là chuyện viễn tưởng.
2/ HÀNH ĐỘNG
Sự kích hoạt được thúc đẩy bởi các chỉ dẫn bên trong cũng như bên ngoài, thông báo cho người dùng phải làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, nếu người dùng không hành động, sự kích hoạt là vô ích.
Để hành động diễn ra thì làm phải dễ hơn nghĩ. Hãy nhớ, thói quen là hành vi cần ít hoặc không cần ý thức khi thực hiện. Nếu hành động chúng ta mong muốn đòi hỏi người dùng phải nỗ lực nhiều (cả về thể chất lẫn tinh thần) để thực hiện, khả năng xảy ra của nó rất ít.
Bên cạnh nhiều lý thuyết khác nhau bản về những yếu tố thúc đẩy hành vi của con người, Tiến sĩ B.J.Fogg – Giám đốc Phòng Thí nghiệm công nghệ thuyết phục của Đại học Stanford, đã đưa ra một mô hình tương đối đơn giản để giúp chúng ta hiểu được điều gì thúc đẩy con người hành động.
Fogg khẳng định có 3 yếu tố cần thiết để khởi phát bất kỳ hành động nào: “1” người dùng phải có đủ động cơ, (2) người dùng phải có khả năng hoàn tất hành động mong muốn, và (3) một sự kích hoạt phải có sẵn để kích hoạt hành vi.
CẦN NHỚ
Hành động là hành vi đơn giản nhất có sự trông đợi phần thưởng.
Theo mô hình hành vi Fogg:
– Để hành vi xảy ra, sự kích hoạt phải xuất hiện khi người dùng có đủ khả năng và động cơ để thực hiện hành động.
– Để tăng khả năng xảy ra hành vi mà công ty mong muốn nơi người dùng, hãy đảm bảo sự hiện diện của một yếu tố kích hoạt rõ ràng. Sau đó, tăng cường khả năng bằng cách làm cho hành động dễ thực hiện hơn. Cuối cùng, phối hợp hai yếu tố trên với động cơ thích hợp.
– Mội hành vi được thúc đẩy bởi một trong ba động cơ cốt lõi: tìm kiếm sự hài lòng và tránh né nỗi đau, tìm kiếm hy vọng và tránh nỗi sợ hãi, và cuối cùng là tìm kiếm sự chấp nhận xã hội và tránh bị loại trừ.
– Khả năng chịu sự ảnh hưởng của sáu yếu tố là thời gian, tiến bạc, nỗ lực thể chất, hoạt động của não bộ, sự tương thích với xã hội và sự tương thích với thói quen. Khả năng tùy thuộc vào người dùng và bối cảnh tại một thời điểm nhất định.
Phương pháp suy nghiệm là những con đường tắt trong tư duy mà chúng ta sử dụng để quyết định nhanh. Nhà thiết kế sản phẩm có thể tận dụng rất nhiều trong hàng trăm phương pháp suy nghiệm để tăng cường khà năng xảy ra của hành động mà mình mong muốn.
VIỆC CẦN LÀM
Hoàn thành các câu hỏi sau:
– Hãy đi theo lộ trình của người dùng khi họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, bắt đầu từ lúc cảm nhận sự kích hoạt bên trong cho đến khi nhận được kết quả họ mong đợi. Người dùng phải trải qua bao nhiêu bước mới nhận được phần thưởng họ muốn?
– Nguồn lực nào đang hạn chế khả năng hoàn thành hành động mà bạn muốn trở thành thói quen của họ, như: thời gian, hoạt động của não bộ, tiền bạc, sự tương thích với xã hội, nỗ lực thể chất, sự tương thích với thói quen.
– Suy nghĩ ba cách để làm cho các hành động mong muốn dễ hoàn thành hơn mà bạn có thể kiểm chứng.
– Xem xét cách ứng dụng phương pháp suy nghiệm để tăng khả năng xảy ra các hành động định hình thói quen.
3/ TƯỞNG THƯỞNG
Mọi ngành kinh doanh đều có mục tiêu là giúp người dùng đạt được mục đích nào đó. Để hình thành các mối liên hệ đã tạo ra trong giai đoạn Kích hoạt, người dùng phải phụ thuộc vào sản phẩm và xem đó là giải pháp đáng tin cậy cho vấn đề của họ, là liều thuốc cho chỗ ngứa họ cần gãi.
Bạn sẽ tưởng thưởng cho người dùng bằng cách giải quyết vấn đề và củng cố động cơ của họ đối với hành động được thực hiện ở giai đoạn trước.
Phần thưởng, nhất là những phần thưởng ngẫu nhiên, có quyền năng mạnh mẽ. Điều này được chứng minh bằng những nghiên cứu về não từ những năm 1940. Nghiên cứu tiết lộ điều khiến chúng ta hành động không phải là bản thân cảm giác được nhận phần thưởng, mà chính là nhu cầu làm dịu bớt sự khao khát đối với phần thưởng.
Chỉ khi nào hiểu điều gì thật sự quan trọng với người dùng, một công ty mới có thể kết hợp phần thưởng ngẫu nhiên phù hợp với một hành vi mong muốn nơi người dùng.
Các công ty thành công trong việc thay đổi hành vi là những công ty ngầm đưa ra sự lựa chọn cho người dùng, giữa việc thực hiện hành vi theo cách cũ và sử dụng một phương pháp mới hơn, tiện lợi hơn để thỏa mãn nhu cầu hiện tại.
CẦN NHỚ
Khi sự tự quyết bị đe dọa, chúng ta cảm thấy bị ràng buộc vì không có quyền lựa chọn và thường chống lại việc thực hiện một hành vi mới. Duy trì cảm giác tự quyết nơi người dùng là yêu cầu quan trọng để giữ chân họ.
Những trải nghiệm với sự ngẫu nhiên hữu hạn sẽ ngày càng dễ đoán trong quá trình sử dụng và mất đi sức hấp dẫn theo thời gian. Những trải nghiệm duy trì sự thích thú của người dùng bằng cách kéo dài sự ngẫu nhiên trong quá trình sử dụng thể hiện sự ngẫu nhiên vô hạn.
Những phần thưởng ngẫu nhiên phải thỏa mãn nhu cầu của người dùng mà vẫn khiến họ muốn quay lại với sản phẩm.
VIỆC CẦN LÀM
Hoàn thành các bài tập sau:
– Trò chuyện với 5 khách hàng trong một cuộc phỏng vấn mở để xem điều gì khiến họ thích thú và khuyến khích họ sử dụng sản phẩm của bạn. Trong quá trình sử dụng, liệu có lúc nào họ cảm thấy vui thích hay ngạc nhiên không? Điều gì khiến họ thấy đặc biệt thỏa mãn khi sử dụng sản phẩm?
– Xem lại những bước khách hàng đã trải qua để sử dụng sản phẩm và dịch vụ của bạn theo thói quen. Phần thưởng nào giúp người dùng giải tỏa nỗi đau? Liệu phần thưởng đó có vừa giúp khách hàng hỏa mãn, vừa khiến họ muốn sử dụng thêm?
– Động não nghĩ ra 3 cách để sản phẩm của bạn có thể thôi thúc người dùng tìm kiếm những phần thưởng ngẫu nhiên, trong đó có:
1/ Phần thưởng của bộ lạc – sự khen ngợi từ những người khác.
2/ Phần thưởng của cuộc đi săn – hàng hóa, vật chất, tiền bạc hay thông tin.
3/ Phần thưởng của bản thân – quyền hành, sự hoàn thành, sự chứng tỏ khả năng hay sự ổn định.
4/ ĐẦU TƯ
Bước cuối cùng trong mô hình Lưỡi câu, cũng là bước tối quan trọng đối với việc xây dựng các công nghệ định hình thói quen. Trước khi người dùng có thể hình thành nên những mối liên hệ về mặt tinh thần để tự động kích hoạt các hành vi thì trước tiên họ phải đầu tư vào sản phẩm.
Người dùng càng đầu tư nhiều thời gian và công sức vào một sản phẩm hoặc dịch vụ thì họ càng đề cao nó. Trên thực tế, có vô số bằng chứng cho thấy lượng công sức bỏ ra cho sản phẩm hoặc dịch vụ càng nhiều, chúng ta càng yêu thích nó.
Giá trị mà người dùng tích lũy trong sản phẩm làm tăng khả năng tái sử dụng sản phẩm trong tương lai và giá trị đó xuất hiện dưới nhiều hình thức.
Một khi người dùng đã đầu tư công sức để học hỏi một kỹ năng nào đó, họ ít có khả năng chuyển sang sản phẩm cạnh tranh hơn.
Người dùng càng đầu tư nhiều vào một sản phẩm thông qua những lần nỗ lực từng chút một thì sản phẩm đó càng có giá trị với cuộc sống của họ, và họ cũng ít cân nhắc trước khi sử dụng nó hơn.
Tuy nhiên, người dùng không bao giờ mắc câu mãi mãi. Lúc nào cũng thế, những thứ mới mẻ sẽ xuất hiện và đưa ra những lưỡi câu sắc bén hơn, hấp dẫn hơn. Bằng cách tạo ra thói quen nhờ sự đầu tư vào sản phẩm hoặc dịch vụ, các công ty sẽ khiến cho khả năng người dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ trở nên khó xảy ra hơn.
Thói quen của người dùng rất khó thay đổi và nó chứa đựng những lợi thế cạnh tranh cực kỳ mạnh mẽ cho công ty nào đủ khả năng và may mắn để tạo ra chúng.
CẦN NHỚ
– Không giống giai đoạn hành động, vốn mang lại sự hài lòng ngay lập tức, giai đoạn đầu tư liên quan tới việc trông đợi những phần thưởng trong tương lai.
– Sự đầu tư vào một sản phẩm tạo ra sở thích vì chúng ta thường đề cao công sức của mình đã bỏ ra một cách phi lý, tìm kiếm sự nhất quán với những hành vi quá khứ và tránh sự mâu thuẫn trong nhận thức.
– Sự đầu tư sẽ đến sau các phần thưởng ngẫu nhiên, khi người dùng được khuyến khích đền đáp lại trong mối quan hệ tương hỗ với sản phẩm hoặc dịch vụ.
– Sự đầu tư làm tăng khả năng người dùng quay lại bằng cách cải thiện dịch vụ khi nó được sử dụng ngày một nhiều. Các dịch vụ này luôn tạo điều kiện để các giá trị tích lũy được dưới dạng nội dung, dữ liệu, người theo dõi, danh tiếng hay kỹ năng.
– Sự đầu tư làm tăng khả năng người dùng đi qua mô hình Lưỡi câu một lần nữa bằng cách chuẩn bị cho sự kích hoạt tiếp theo để bắt đầu chu kỳ một lần nữa.
VIỆC CẦN LÀM
Hoàn thành bài tập sau:
– Nhìn lại quá trình của bạn. Trong số những nỗ lực nhỏ mà người dùng đang thực hiện, cái nào có khả năng làm tăng khả năng quay lại của họ?
– Động não nghĩ ra 3 cách thêm vào sản phẩm của bạn những sự đầu tư nhỏ để: (1) chuẩn bị cho sự kích hoạt tiếp theo; (2) tích lũy giá trị dưới dạng dữ liệu, nội dung, người theo dõi, danh tiếng hay kỹ năng.
– Xác định xem sẽ mất bao lâu để sự kích hoạt tiếp theo khiến người dùng quay lại. Bạn có cách gì để rút ngắn khoảng thời gian người dùng cần để đi qua mô hình Lưỡi câu không?
Mô hình Lưỡi câu được thiết kế nhằm kết nối vấn đề của người dùng với giải pháp của người thiết kế đủ thường xuyên để hình thành nên thói quen. Đó cũng là tiêu chuẩn để xây dựng nên các sản phẩm giúp người dùng thỏa mãn nhu cầu của mình thông qua sự gắn bó lâu dài.
Khi người dùng đi qua các chu kỳ của mô hình Lưỡi câu, họ học được cách thỏa mãn nhu cầu của mình với các sản phẩm định hình thói quen. Những lưỡi câu hiệu quả sẽ chuyển người dùng từ việc dựa vào các kích hoạt bên ngoài để hành động sang những liên hệ về mặt tâm lý với sự kích hoạt bên trong. Người dùng sẽ đi từ trạng thái gắn kết lỏng lẻo lên gắn kết chặt chẽ, từ ưu tiên thấp đến ưu tiên cao.
Các công ty khởi nghiệp luôn khởi đầu rất chật vật và chỉ những công ty nào đủ may mắn mới tồn tại được cho đến lúc thành công. Nếu mục đích của bạn là tiền bạc và danh tiếng, gần như bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được cả hai. Nhưng nếu mục đích là ý nghĩa, bạn sẽ chẳng bao giờ đi sai đường.
Mô hình Lưỡi câu có thể là công cụ hữu ích để sàng lọc những ý tưởng không tốt với khả năng định hình thói quen thấp, đồng thời cũng là khuôn khổ để xác định những điểm cần cải thiện trong sản phẩm hiện có.
Xây dựng một sản phẩm định hình thói quen là quá trình lặp đi lặp lại không ngừng, đòi hỏi người thiết kế sản phẩm phải phân tích hành vi người dùng và thử nghiệm liên tục.
Việc đầu tiên của quá trình thử nghiệm thói quen là xác định người dùng trung thành, hay trả lời câu hỏi “Một người dùng trung thành nên sử dụng sản phẩm của bạn thường xuyên như thế nào?”.
Câu trả lời đối với câu hỏi này rất quan trọng, và có thể làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của bạn. Những dữ liệu có sẵn mà bạn có thể thu thập từ các sản phẩm hoặc giải pháp tương tự sẽ giúp bạn xác định người dùng của mình và các mục tiêu để gắn kết người dùng.
Tìm hiểu những nhu cầu của chính bạn có thể dẫn đến những khám phá quan trọng và các ý tưởng mới, bởi mỗi người thiết kế đều có mối liên hệ trực tiếp với ít nhất một người dùng, đó là chính họ. Khi trải qua một ngày, hãy tự hỏi tại sao bạn làm hoặc không làm những việc nhất định, và những việc này có thể trở nên dễ dàng hay mang lại nhiều phần thưởng hơn bằng cách nào.
Khi bạn tự quan sát hành vi của bản thân, bạn có thể khám phá ra những góc nhìn và cơ hội tạo ra sản phẩm định hình thói quen mới.
Phương Thanh – Doanh nhân Sài Gòn