Công nghệ thông tin và Internet ngày càng phát triển đã và đang đổ bộ vào hầu hết các khu vực trên thế giới ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Ngành tài chính – ngân hàng, một trong những ngành kinh tế hiện đại, tất nhiên cũng không nằm ngoài xu thế này. Các ứng dụng công nghệ thông tin như những con sóng mới làm thay đổi toàn bộ mô thức cung ứng và vận hành các dịch vụ tài chính đã có từ hàng trăm năm nay.

Thuật ngữ Fintech ra đời từ những con sóng đó.

Fintech là gì

Fintech – viết tắt của từ Financial Technology – có nghĩa là Công nghệ tài chính. Hiểu đơn giản như trên, Fintech đề cập đến việc tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính.

Ở phương diện đầy đủ hơn, theo Wikipedia trích dẫn từ Huffington Post, Fintech được định nghĩa là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính.

Fintech là các ứng dụng, qui trình, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong ngành dịch vụ tài chính, bao gồm một hay nhiều dịch vụ tài chính bổ sung và được cung cấp như một qui trình ‘từ đầu cuối tới đầu cuối’ qua mạng internet.

Đối tượng của Fintech

 

Khác với thị trường tài chính truyền thống gồm hai đối tượng các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán…) và khách hàng, đối tượng của Fintech gồm 3 bên, tác động qua lại lẫn nhau:

  • Các định chế tài chính

Thực thể quan trọng trong ngành tài chính, các định chế này ngày càng hợp tác sâu rộng với các công ty Fintech do nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ. Đồng thời bản thân các định chế này cũng trực tiếp đầu tư vào các công ty Fintech hay các hoạt động nghiên cứu để chủ động nắm giữ công nghệ mới và chiếm giữ thị trường.

  • Các công ty Fintech

Các công ty độc lập hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực tài chính. Khách hàng của các công ty này có thể là người sử dụng cuối cùng, cũng có thể là các định chế tài chính.

  • Khách hàng

Người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung. Với các ứng dụng công nghệ mới, khách hàng là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cạnh tranh giữa các công ty, định chế tài chính cũng như từ những tiện ích công nghệ mới mang lại.

Các nhóm sản phẩm chính

Các sản phẩm trong Fintech thường được chia thành 2 nhóm phân theo đối tượng sử dụng:

  • Nhóm thứ nhất: các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ khác để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup.
  • Nhóm thứ hai: các sản phẩm công nghệ “back-office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các Fintech và các định chế tài chính.

Về cơ bản, ngoài những dịch vụ thông thường như thanh toán, cho vay, chuyển tiền, Fintech còn cung cấp các dịch vụ trải rộng hơn như gọi vốn cộng đồng (crowd-funding), cho vay ngang cấp (peer to peer lending), tư vấn tài chính cá nhân (Personal Finance), công nghệ bảo hiểm (Insur-Tech), tiền tệ số (Crypto Blockchain), quản trị dữ liệu (Data Management),…

Những tác động của Fintech

Các ứng dụng đa dạng của Fintech đang tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính như tiền gửi, thanh toán, bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng, quản trị rủi ro, không những thế Fintech cũng tác động đến cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm, chiến lược phát triển và mọi mặt kinh doanh của cả hệ thống tài chính ngân hàng. Những tác động lớn nhất có thể kể đến như:

1. Làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng. Chúng ta có thể thấy rõ những tác động này qua xu thế phát triển mạnh trong những năm gần đây của các kênh bán hàng qua Internet, Mobilebanking, Tablet Banking, mạng xã hội, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, giao dịch không giấy tờ…

2. Fintech với các ứng dụng công nghệ cao, chẳng hạn như ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) sẽ giúp phân tích hành vi khách hàng sẽ giúp cho các định chế tài chính thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài nhằm tiết giảm chi phí, hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định, và nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cũng như sự hài lòng hơn cho khách hàng.

3. Xu hướng “ngân hàng không giấy”, “tổ chức tài chính không giấy” sẽ trở nên phổ biến và là thách thức không nhỏ của ngành dịch vụ tài chính trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh.

Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao. Thay vào đó, cạnh tranh công nghệ tài chính hiện đại cũng trở nên gay gắt hơn trong các định chế tài chính.

4. Thị phần của các ngân hàng nói chung và các định chế tài chính nói riêng có xu hướng giảm bớt, ‘chia phần’ cho các công ty Fintech.

Chẳng hạn như, các ngân hàng hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong dịch vụ tiền ảo Bitcoin, một hệ thống tiền tệ mới đang ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu.

5. Thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi, công nghệ có thể thay thế cho lượng lớn nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, bảo hiểm…

Mặc dù vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng (giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ tài chính và công nghệ thông tin).

Ngoài những tác động tích cực, Fintech cũng được đánh giá tiềm ẩn một số rủi ro như quá nhiều loại hình dịch vụ tài chính do Fintech mang lại hay các dịch vụ quá mới có thể khiến khách hàng bối rối và không hiểu hết các quyền hạn nghĩa vụ của bản thân khi tham gia dịch vụ; hay Fintech cũng có thể thay thế các ngân hàng vật lý truyền thống, khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính…

Tuy nhiên những lo ngại này là không đáng kể. Trên thực tế làn sóng Fintech đã và đang tác động lên lĩnh vực dịch vụ tài chính ngày một mạnh mẽ, kéo theo đó, Fintech trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư “nóng” nhất trên thị trường toàn cầu.

Theo thống kê, nếu đầu tư toàn cầu vào Fintech trong năm 2013 chỉ đạt mức khoảng 4 tỷ USD, thì đến năm 2016, con số này đã lên tới 20 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 120 tỷ đô vào năm 2020.

Đ.K Hà