Giải pháp nào để thêm nhiều Startup được rót vốn từ Quỹ đầu tư (phần 3)
Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa các Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt nam với giới Startup khá thân tình và sâu sắc. Tuy nhiên trên thực tế số lượng Startup được đầu tư từ các Quỹ rất khiêm tốn.
Vậy để thúc đẩy mối quan hệ này lên tầm cao hơn và đơm ra những ‘trái ngọt’ hợp tác đầu tư thật sự, cần thực hiện những giải pháp nào? Nhiều phương án, hành động đã được đề xuất bởi tất cả các bên liên quan.
Nhóm giải pháp từ phía các Startup
Là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất và cũng là chủ thể chính trong mối quan hệ Startup – Quỹ đầu tư, tất nhiên giải pháp chính phải đến từ bản thân các Startup. Để gọi vốn thành công từ các Quỹ, nhiều lời khuyên đã được đề cập, nhưng tựu trung lại, Startup cần đáp ứng được các tiêu chí cơ bản để Quỹ rót vốn đầu tư, đó là:
- Sản phẩm có khả năng cạnh tranh:
Đây là tiêu chí quan trọng nhất. Không một Quỹ đầu tư nào sẵn sàng rót tiền cho một sản phẩm thiếu lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Startup cần đầu tư nghiêm túc cho hoạt động nghiên cứu thị trường để xác định rõ sản phẩm của mình có lợi thế cạnh tranh hay không. Nếu câu trả lời là không, đừng nên mơ về gọi vốn từ Quỹ.
- Độ rộng của thị trường đủ lớn:
Đây cũng là yếu tố khá quan trọng đối với các Quỹ, mặc dù nhìn từ phía Startup, một thị trường vừa đủ với doanh số và lợi nhuận vừa đủ cũng vẫn có thể là miếng bánh hấp dẫn. Tuy nhiên, với các Quỹ đầu tư, nếu một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhưng thị trường lại quá hẹp, sức tăng trưởng bị giới hạn trong một qui mô nhỏ, các Quỹ sẽ không tham gia cuộc chơi vì không đáng để đầu tư.
- Chất lượng đội ngũ sáng lập:
Bất cứ nhà đầu tư nào cũng thận trọng xem xét năng lực của những người sáng lập Startup trước khi quyết định giao vốn cho họ, và các Quỹ đầu tư thì càng cân nhắc kĩ lưỡng hơn. Nếu người sáng lập không có kinh nghiệm hay hiểu biết trong lĩnh vực nào đó, đừng cố kiêm nhiệm hết, hãy huy động những người đồng hành có đủ chuyên môn để đảm bảo công ty vận hành tốt khi được rót vốn.
- Có tiềm năng phát triển:
Thực chất, đây là yếu tố để Quỹ đầu tư đo được khả năng thoái vốn sau này của họ. Nếu Startup hoạt động trong lĩnh vực nhiều tiềm năng tăng trưởng, có cơ hội trở thành xu thế trong tương lai, các Quỹ đầu tư sẽ dễ dàng bán lại cổ phẩn đã góp với giá cao. Vì thế Startup cũng cần phân tích yếu tố này và chứng minh mình có những ưu điểm nổi bật giúp giá trị công ty tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Ngoài ra để huy động vốn thành công từ các Quỹ đầu tư, Startup cũng nên nghiên cứu để lựa chọn Quỹ phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.
Có những Quỹ áp mức đầu tư lớn, nhưng có những Quỹ chấp nhận qui mô đầu tư ban đầu nhỏ sau đó tăng dần tổng mức đầu tư. Hay có những Quỹ chỉ đầu tư trong một hai lĩnh vực, nhưng có những Quỹ mở rộng phạm vi, miễn là dự án đạt kì vọng của họ.
Startup cũng cần định giá mình hợp lý, cân nhắc trước tỉ lệ gọi vốn để đàm phán thành công. Và cuối cùng, các mục tiêu, kế hoạch, phương án được xây dựng chuyên nghiệp, trình bày thuyết phục, rõ ràng cũng là điểm cộng lớn khiến đại diện Quỹ đầu tư cân nhắc rót vốn.
Nhóm giải pháp từ phía các Quỹ đầu tư
Bản thân các Quỹ đầu tư nếu muốn giải ngân tốt hơn cũng cần những chính sách linh hoạt hơn với thị trường Việt nam. Chẳng hạn giảm mức đầu tư tối thiểu bởi qui mô của doanh nghiệp và thị trường Việt còn nhỏ, nhất là trong những lĩnh vực mới.
Hoặc khi đánh giá Startup, Quỹ đầu tư có thể tập trung vào tiềm năng của Startup hơn là nhìn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh hiện tại, bởi các Startup ở giai đoạn đầu do thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm triển khai nên hiệu quả kinh doanh thường không như kì vọng.
Tập trung phân tích yếu tố khả năng phát triển trong tương lai rất có thể sẽ đem lại cho các Quỹ đầu tư những cơ hội không ngờ.
Nhiều Quỹ đầu tư ở Việt nam cũng không có chiến lược tham gia sâu rộng vào doanh nghiệp như các Quỹ đầu tư nước ngoài mà chỉ giới hạn ở tư vấn chiến lược, tư vấn cách thức thực hiện, giới thiệu đối tác…
Nếu các Quỹ thể hiện sự cam kết đồng hành cao hơn hay hỗ trợ rõ ràng hơn ở mảng dữ kiện khách hàng, kênh phân phối, giúp tiêu thụ sản phẩm, khả năng các Quỹ thu hút được những Startup tiềm năng và đầu tư thành công cũng lớn hơn nhiều.
Nhóm giải pháp từ phía chính quyền
Mặc dù không tham gia trực tiếp trong mối quan hệ của các Quỹ đầu tư và Startup, nhưng chính quyền vẫn là một nhân tố hết sức quan trọng có thể tác động đến sự hợp tác thành công của hai đối tượng này.
Với hệ thống chính sách, luật pháp, các công cụ để điều tiết môi trường kinh doanh nói riêng và nền kinh tế chính trị nói chung, chính quyền có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng to lớn thúc đẩy hoạt động đầu tư của các Quỹ đầu tư vào Startup, cụ thể như:
- Xây dựng hệ thống chính sách, thủ tục hành chính, thuế phí… ưu đãi, tạo điều kiện cho các Startup phát triển. Startup hầu hết là các doanh nghiệp non trẻ, nếu không có những chính sách đặc biệt của nhà nước hỗ trợ, sẽ khó có khả năng tồn tại và cạnh tranh cũng như đủ hấp dẫn để thu hút vốn từ các Quỹ đầu tư.
- Minh bạch và hoàn thiện hệ thống luật pháp, có chính sách rõ ràng, công bằng, đảm bảo khả năng rút vốn cho nhà đầu tư để các Quỹ đầu tư yên tâm giải ngân, bởi các quy định của Việt nam hiện nay còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi khiến không ít Quỹ đầu tư e ngại khi quyết định rót vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán cũng cần được hoàn thiện và đa dạng hóa để tạo điều kiện cho các Quỹ đầu tư thoái vốn dễ dàng khi cần thiết.
- Chủ động trích ngân sách thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm, giống như cách làm của chính phủ nhiều quốc gia khởi nghiệp như Mỹ, Isarel, Singapore. Thêm nhiều Quỹ từ phía chính phủ cũng sẽ góp phần tăng cạnh tranh giữa các Quỹ và từ đó trao thêm cơ hội cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Chính phủ có thể đóng vai trò là trung gian kết nối các Startup với Quỹ đầu tư thông qua các cổng thông tin hỗ trợ, tư vấn cho cả hai phía, thậm chí đứng ra bảo lãnh cho các Startup có thể tác động tích cực đến kinh tế văn hóa xã hội, tạo ra các diễn đàn, các sàn giao dịch hay hiệp hội kết nối các nhà đầu tư và các Startup…
- Ngoài ra là hàng loạt các biện pháp vĩ mô khác để hoàn thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao khả năng công nghệ, hoàn thiện hệ thống pháp lý, đẩy mạnh phát triển kinh tế,… để tạo ra một nền kinh tế sôi động, minh bạch và năng động hơn, điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư từ các Quỹ vào Startup nói riêng và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung phát triển.
Đ.K. Hà