Doanh nghiệp khởi nghiệp khó vay vốn
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) là tìm vốn kinh doanh. Việc gắn vay vốn với tài sản thế chấp trở thành nút thắt khó gỡ cho nhiều doanh nghiệp.
Cửa mở nhưng khó vay
Từng bị quỹ đầu tư từ chối vì 500.000 đôla là khoản đầu tư “chả bõ bèn”, không còn tài sản nào đủ lớn để thế chấp ngân hàng cho khoản vốn cần vay nhằm phát triển Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam, chị Đỗ Tú Quân – một trong những nhà sáng lập của trung tâm, được gợi ý tìm đến ngân hàng vay tín chấp.
Thế nhưng, dự án từng đoạt giải thưởng về startup của Thụy Sĩ, với bà chủ có 10 năm kinh nghiệm làm chủ một doanh nghiệp nuôi yến, chưa từng bị nợ xấu ngân hàng, dự kiến doanh thu 20 tỷ đồng và lãi 10 tỷ đồng mỗi năm chỉ được “hứa” có thể vay tín chấp đến… 500 triệu đồng!
Anh Nguyễn Sắc Phong – Giám đốc dự án của Công ty CP đầu tư Xuất nhập khẩu Nông Trang Xanh (Q.8) cho biết, anh và các đồng nghiệp bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch từ tháng 10/2016. Đến nay, một số sản phẩm, dịch vụ với quy mô nhỏ đã được thị trường đón nhận. Muốn mở rộng quy mô, anh Phong tìm kiếm nguồn vốn từ ngân hàng nhưng đều thất bại vì không có tài sản thế chấp.
Vũ Thiên Hoàng cũng khởi nghiệp bằng ý tưởng kinh doanh và kiến thức về thị trường mỹ phẩm, thực phẩm nhập ngoại. Nhưng tìm nguồn vốn không được. Hoàng đã phải kinh doanh nhỏ lẻ bằng vài chục triệu đồng của bạn bè, người thân góp lại. Cô cứ lấy lãi góp vào vốn cho đến khi thành lập được doanh nghiệp, tìm được nhà cung cấp uy tín thì mới có thể tin là mình khởi nghiệp tương đối thành công.
“Vốn là điều trăn trở nhất khi bắt đầu khởi nghiệp. Nếu không có vốn, không cầm đồng tiền trong tay thì mọi ý tưởng đều trở thành bế tắc. Nhưng, “điểm tựa” từ ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng dường như không phải dành cho mình. Tôi phải tự huy động vốn ít ỏi từ người thân, cố gắng tìm tòi những dự án cho số lượng vốn ít đó và có mục tiêu rõ ràng trong sử dụng đồng vốn” – Hoàng chia sẻ.
Là ngân hàng thương mại với hơn 20 năm kinh nghiệm cho vay nhưng cho đến nay, “lão làng” Sacombank cũng phải thừa nhận chưa từng có quy định cho vay riêng với startup mà vẫn ghép chung với quy chế cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo ông Phan Đình Tuệ – Phó tổng giám đốc Sacombank, năm nào nhà băng này cũng dành ra hàng ngàn tỷ đồng cho vay SME (trong đó có startup). Tuy nhiên thực tế cho thấy con số tín dụng được cấp trên không được như mong đợi. Trong số vô vàn lý do khiến doanh nghiệp không vay được vốn, có một lý do quan trọng xuất phát từ tài sản thế chấp.
Cho vay như “tiệm cầm đồ”
Hiện cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp SME, chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là đối tượng đóng góp 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động cả nước. Vậy nhưng, hiện mới chỉ có 30% SME vay được vốn tín dụng ngân hàng, 70% doanh nghiệp còn lại gần như trắng tay trong việc tiếp cận vốn.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng ví von: “Vốn là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, nhất là các SME. 40 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản cũng vì thiếu vốn”.
“Đáng tiếc là ở Việt Nam, rất nhiều ngân hàng hiện nay cho vay vốn như “tiệm cầm đồ”, bởi lúc nào cũng nhắc đến tài sản thế chấp. Trong khi ở các nước tiên tiến như Mỹ, tài sản thế chấp chỉ là nguồn trả nợ thứ 2. Không ngân hàng nào duyệt hồ sơ bằng cách thẩm tra xem doanh nghiệp đó có tài sản gì để cấn trừ nợ hay không, mà họ quan tâm người vay có phương án hoạt động ra sao, trả lãi như thế nào… Trường hợp nếu doanh nghiệp thất bại trong việc kinh doanh, thì ngân hàng mới xem xét đến tài sản để thế chấp” – TS Hiếu chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đề nghị ngân hàng cần có những giải pháp mới, hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục vay cho doanh nghiệp. Qua khảo sát, 50% doanh nghiệp SME có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng do thiếu tài sản thế chấp, tài sản hình thành tương lai, số liệu tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn.
Nếu giải quyết được những cản trở này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, ngân hàng đẩy vốn ra nhiều hơn. “Sắp tới, ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Sở Công thương, các hiệp hội, UBND quận huyện khảo sát nhu cầu, lên danh sách doanh nghiệp cần vay vốn, phân loại xem xét cho vay doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, hiệu quả” – ông Hưng đề xuất.
Ra mắt Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp SME
Ngày 21/10, tại TPHCM, Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam đã ra mắt Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp SME. Các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sẽ có cơ hội giao thương chéo sản phẩm, dịch vụ giữa các thành viên trong và ngoài nước. Ngoài ra doanh nghiệp SME còn được hỗ trợ vay vốn với chính sách đặc biệt.
Uyên Phương – Báo Tiền phong