Rút ngắn ‘3 không’ trong khởi nghiệp bằng cách nào?
Chia sẻ trước gần 1.000 sinh viên trong lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 12.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hướng dẫn sinh viên cách khởi nghiệp ngay khi rời ghế nhà trường.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, số sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH thực hiện khởi nghiệp sáng tạo không nhiều. Trong số 100 người tốt nghiệp chỉ có khoảng 10 người có nguyện vọng khởi nghiệp, thực tế chỉ 5 sinh viên bắt tay làm nhưng sau 7 năm thì không còn người nào. Do vậy, trong khoảng 10.000 sinh viên tốt nghiệp ĐHQG TP.HCM hằng năm có khoảng 500 sinh viên muốn khởi nghiệp là con số đáng quý. Từ đó, ông cho rằng việc khởi nghiệp hiện là nhu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc này hiện rất khó khăn. Cái khó ở đây là khó quyết tâm và khó vì “3 không”: không kinh nghiệm, không tiền, không đất. Trong đó, quyết tâm là do ý chí bản thân sinh viên. Kinh nghiệm cũng có thể tích lũy dần dần qua các chương trình đào tạo khởi nghiệp. Còn tiền và đất thì sinh viên có thể tận dụng các chương trình khởi nghiệp của thành phố.
Ông Nhân cho biết hiện thành phố có 4 chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Thành đoàn, Sở Khoa học công nghệ, Khu Công nghệ cao, ĐHQG TP.HCM phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung. “Nếu sinh viên có mong muốn rút ngắn quá trình khởi nghiệp của mình thì có thể đi con đường này”, ông Nhân nói.
Riêng về khởi nghiệp sáng tạo, ông Nhân cho rằng hướng đi này đòi hỏi năng lực nghiên cứu thực sự. Khởi nghiệp sáng tạo không có nghiên cứu là không làm được. Nhưng ngoài nghiên cứu thì còn phải nắm bắt thị trường để đưa sản phẩm ra bên ngoài. Khởi nghiệp sáng tạo cũng nên tập trung vào thiết bị thông minh phục vụ đời sống cho người Việt Nam.
“Chúng tôi muốn các trường ĐH của thành phố liên kết với thành phố để sản xuất robot phục vụ cho y tế, sinh hoạt gia đình. Thành phố cũng đang có chương trình thành lập giống cây con cho khu vực phía Nam, sinh viên các ngành liên quan có thể cùng tham gia”, ông Nhân nói và đánh giá cao hệ thống quản lý giao thông thông minh của Trường ĐH Quốc tế và mong muốn có những nhóm nghiên cứu mạnh về an ninh mạng để an toàn trong hội nhập.
Ông Nhân nhắn nhủ khởi nghiệp cần chuẩn bị thật tốt. Năm nay nếu bước vào trường, 4 năm nữa ra trường thì cuộc sống thay đổi nhiều rồi. Hãy khởi động ngay từ bây giờ để không quá muộn. Nên bắt đầu từ người làm thuê “trí tuệ” trước khi trở thành những người “làm thuê” sáng tạo để từ những người làm thuê qua quá trình rèn luyện có thể trở thành người làm chủ ở góc độ khác nhau. Khởi nghiệp của cá nhân cũng gắn với sự phát triển bền vững của dân tộc, của gia đình và xã hội. Ông Nhân nói: “Có người nói với tôi Việt Nam có cơ hội tốt nhất thế giới. Tôi đã tưởng mình nghe nhầm nhưng không, họ lý giải rằng các trường ĐH thế giới dạy học tốt và kiếm được tiền, nhưng không có ĐH nào dạy như Việt Nam biết kiếm tiền và làm cho người khác hạnh phúc”.
Theo ông Nhân, sinh viên cần phải tận dụng ngay môi trường ĐH để học tập. Khi còn trẻ dưới 30 tuổi càng học nhiều càng tốt, ngoài cái chính thì học thêm cái phụ, học ngoại ngữ, công nghệ thông tin, lịch sử văn hóa…
Hà Ánh – Báo Thanh niên