Sản phẩm do nhóm học sinh của Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (TP.HCM) nghiên cứu sáng tạo nhằm phát triển một công cụ hỗ trợ di chuyển an toàn cho người già, người khuyết tật.

OCR (Optical Character Recognition) được hiểu là công nghệ nhận dạng ký tự quang học, thường dùng để nhận dạng các ký tự trên một file ảnh chụp hoặc file PDF. OCR có thể trích xuất các trường thông tin trên hình ảnh và lưu trữ dưới dạng text, có thể đọc được nhiều tài liệu khác nhau như hóa đơn, hộ chiếu, danh thiếp…

Công nghệ OCR đã được ứng dụng nhiều trong cuộc sống thường ngày như hỗ trợ cuộc sống của người già, người khiếm thị; số hóa, sắp xếp tài liệu trong các công ty luật, tòa án; lưu trữ, bảo tồn các tài liệu, văn bản có giá trị văn hóa lịch sử (ở các trung tâm văn hóa lịch sử, bảo tàng, thư viện,…); nhận dạng cá nhân (xác minh danh tính, giấy tờ chứng minh nhân thân,…) hỗ trợ cho các văn phòng công chứng, sân bay,…

Về ứng dụng hỗ trợ người già, người khiếm thị, công nghệ OCR đã được dùng để nhận dạng phông chữ Ommi, tích hợp với công nghệ tổng hợp giọng nói để giúp máy móc có khả năng đọc hiểu các loại văn bản. Nhờ đó, OCR đã trở thành giọng nói vi tính hoá và ứng dụng rộng rãi trong việc đọc lại các văn bản, báo/tạp chí hay tạo thành sách nói giúp người cao tuổi, người khiếm thị có thể đọc được một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 253 triệu người trên thế giới bị khiếm thị, trong đó 36 triệu người bị mù và 217 người bị tổn thương thị lực từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Người khuyết tật hay người già thường gặp khó khăn trong việc di chuyển, nhất là khi đi ngoài đường, có thể gặp nguy hiểm khi đến những ngã tư có đèn tín hiệu giao thông hoặc qua đường. Thực tế đã có không ít trường hợp người khuyết tật, người già gặp tai nạn khi đi đường một mình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Do đó, việc phát triển các sản phẩm, thiết bị dẫn đường phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ người già, người khuyết tật là rất cần thiết hện nay.

Sản phẩm gậy dẫn đường thông minh được nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM nghiên cứu ứng dụng hiệu quả công nghệ OCR nhằm đáp ứng nhu cầu của người khiếm thị, người cao tuổi. Với công nghệ này, người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị sẽ nhận biết được thông tin qua những hình ảnh trên đường.

Sản phẩm gồm những bộ phận như camera nhận biết đèn tín hiệu giao thông và hệ thống cảm biến các vật cản; hệ thống định vị GPS kết nối với điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ người thân có thể giúp đỡ, quản lý vị trí người dùng từ xa; khe lắp sim giúp gửi các trạng thái sử dụng về điện thoại như số kilomet đã di chuyển, dung lượng pin,… Tính năng của gậy thông minh không chỉ giúp nhận biết tín hiệu đèn giao thông, cảnh báo vật cản, mà còn báo hiệu cho người thân biết được vị trí người sử dụng gậy để đến hỗ trợ kịp thời khi có sự cố. Ngoài ra, sản phẩm có thể cải tiến và nâng cấp thêm nhiều chức năng nhưng các bước sử dụng của gậy vẫn rất đơn giản để người khiếm thị, người già có thể sử dụng như những cây gậy bình thường.

Với khả năng ứng dụng cao, gậy dẫn đường thông minh công nghệ OCR đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học như: giải ba cuộc thi Tin học Trẻ lần thứ 31, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2022 (do Thành đoàn TP.HCM tổ chức); được chọn tham dự cuộc thi Tin học Trẻ toàn quốc năm 2022 diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Sản phẩm cũng đang tham gia Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (I-Star 2022) và lọt vào Top 10 giải pháp xuất sắc nhất của nhóm đối tượng 2 (giải pháp đổi mới sáng tạo).

Nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm và phát triển trở thành một dự án khởi nghiệp để đưa sản phẩm hoàn thiện vào cuộc sống, phục vụ nhu cầu của người dùng.

Giải thưởng I-Star do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Giải thưởng gồm 4 nhóm đối tượng: doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (đối tượng 1); giải pháp đổi mới sáng tạo (đối tượng 2); các tác phẩm truyền thông (đối tượng 3); các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp (đối tượng 4). Qua 4 năm tổ chức (2018 – 2021), I-Star đã có hơn 1.000 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 43 hồ sơ đã được trao giải. I-Star 2022 đã lựa chọn được 40 hồ sơ vào vòng trong và tiếp tục kêu gọi bình chọn đến ngày 30/9. Sau khi vào đến chung kết, các hồ sơ dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và vòng chấm giải của ban giám khảo chuyên môn để tìm ra 3 giải đồng hạng ở mỗi nhóm. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong tháng 10/2022.

Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2022 và danh sách 40 hồ sơ vào Top 40 được đăng tải tại www.doimoisangtao.vn/giaithuong2022.

Thông tin liên hệ: Ban tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại: 028.39320122 (ông Đào Tuấn Anh) – 0907.176.313 (bà Đặng Thị Luận)

Email: giaithuong@doimoisangtao.vn

Lam Vân (CESTI)