Người phụ nữ Mường đưa đặc sản thịt chua Phú Thọ đến mọi miền đất nước
Hàng chục năm qua, người phụ nữ dân tộc Mường Nguyễn Thị Thu Hoa đã dành thời gian, tâm huyết để xây dựng thương hiệu thịt chua Phú Thọ.
Hành trình khởi nghiệp nhiều gian khó
Khi nhắc tới Phú Thọ, ai cũng nhớ tới đặc sản thịt chua, một món ăn dân dã của người Mường huyện Thanh Sơn. Hiện nay, thịt chua đã có mặt tại hầu hết các địa phương trên cả nước và được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Để có được thành công ấy, là sự nỗ lực không ngừng của chị Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1992, dân tộc Mường), Giám đốc Công ty Trường Foods – doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt chua Phú Thọ.
Chia sẻ về hành trình đưa thịt chua Phú Thọ sang trang mới, chị Hoa cho biết sau khi tốt nghiệp THPT thì lập gia đình. Lúc đó, chị chỉ mong có được một nghề để trang trải cuộc sống. Bản thân chị đã tìm kiếm, làm đủ mọi nghề nhưng chưa thấy nghề nào phù hợp.
Bất chợt, chị nhận ra người Mường ở Thanh Sơn (Phú Thọ) có món thịt chua. Chị tìm hiểu thì được biết, nguồn gốc ra đời của món ăn có một không hai này là do nhu cầu giữ thịt được lâu để dùng dần mỗi khi mổ lợn. Bởi vậy, người Mường nghĩ ra cách muối chua thịt trong ống tre, ống nứa làm “của để dành”.
Hơn nữa, nguyên liệu chế biến thịt chua cũng đơn giản. Ví như thịt lợn mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị gồm muối, đường, tỏi, ớt,… sau vài ngày để lên men là có thể ăn được. Bà con thường ăn thịt kèm với các loại lá như lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm. Sau khi tìm hiểu kỹ, năm 18 tuổi, chị quyết định sẽ khởi nghiệp với thịt chua, một đặc sản của quê hương.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hoa
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị gặp vô vàn khó khăn. Khi ấy, thịt chua chưa được thịnh hành, cả huyện Thanh Sơn chỉ có vài cơ sở sản xuất rất nhỏ lẻ và sản phẩm chưa được nhiều người biết đến. Thậm chí, người dân tại TP Việt Trì (Phú Thọ) cũng không biết đến món thịt chua.
Thời điểm đó, làm thịt chua không có công thức. Bà con làm thịt chua chỉ được áng bằng “1 nắm, 2 nắm, 1 bốc, 2 bốc” nên chất lượng không được đồng đều lúc thì bị đậm, lúc thì bị nhạt. Vì thế, chị đã phải qua rất nhiều lần thử nghiệm sản phẩm. Thậm chí, số sản phẩm hỏng phải bỏ đi cũng bằng lợi nhuận của cả năm.
Sau nhiều năm cố gắng, đến năm 2012, chị đã tìm ra được công thức sản xuất thịt chua như ngày nay mà không thay đổi chất lượng, khẩu vị gốc. Nhờ đó, sản lượng sản xuất đã tăng lên gấp 3 – 4 lần, sản lượng trung bình là 200 hộp/ngày.
Tuy nhiên, một vấn đề nữa là bảo quản sản phẩm. Bởi đại lý, nhà phân phối phản ánh khi nhập sản phẩm về chỉ được khoảng 6 – 7 ngày hàng bắt đầu mốc. Vì thế, việc cần thiết là phải tăng thời gian bảo quản sản phẩm. Chị tìm nhiều cách, kể cả dùng chất bảo quản. “Tôi đã thử dùng đến hơn 10 loại chất bảo quản. Tuy nhiên, mỗi lô sản phẩm tôi thử đều thấy thay đổi mùi vị. Đồng thời, tôi cũng lo sợ, khi không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng quay lưng”, chị Hoa chia sẻ.
Sau khi cân nhắc, chị Hoa đã không lựa chọn chất bảo quản thực phẩm cho thịt chua. Thay vào đó, chị dành thời gian để tìm hiểu cách bảo quản của các sản phẩm khác. Bởi chị thấy rằng, nhiều sản phẩm có thể bảo quản được rất lâu. Sau cùng, chị đã phát hiện và ứng dụng màng seal. Đây một miếng dán được dùng để lót hoặc làm kín miệng lọ, hộp. Lớp màng seal này được cấu tạo từ nhiều chất liệu khác nhau như: nhôm, PE, PP, giấy đệm… Việc sử dụng màng seal giúp tăng thời gian bảo quản thịt chua lên 2 tháng.
Năm 2018 và 2019 đã xảy ra 2 sự việc lớn, tác động đến sản xuất kinh doanh thịt chua, đó là trận lũ lịch sử quét qua địa bàn huyện Thanh Sơn và dịch lợn tai xanh. Sau một đêm lũ quét, toàn bộ nhà xưởng bị ngập nước, cuốn trôi theo hàng hóa, hỏng máy móc. Tuy nhiên, khi bắt đầu vực dậy được tình hình kinh doanh thì dịch tai xanh bùng phát trên diện rộng.
“Thông thường khi mua thịt lợn về dùng, người dân nấu chín rồi mới ăn nhưng vẫn còn lo lắng. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng tôi là thịt lợn chín bằng cách lên men tự nhiên. Vì vậy, khách hàng họ sợ chứ, tâm lý con người mà”, chị Hoa nhớ lại.
May mắn ngay từ ban đầu, doanh nghiệp đã xác định tuyển chọn nguyên liệu đầu vào là thịt heo sạch nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, giá thành cao đi đôi với chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng để khách hàng yên tâm.
Dịch heo tạm lắng xuống thì dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021. Chúng tôi phải tinh giảm đội ngũ, thu gọn bộ máy nhân sự, tập trung tìm kiếm khách hàng online. Trong nguy có cơ, chị tập trung nhiều hơn cho truyền thông, tăng nhận diện thương hiệu, xây dựng chính sách đãi ngộ dành cho khách hàng chuyên nghiệp hơn. Từ đó, doanh nghiệp thêm cơ hội để tìm kiếm những Nhà phân phối, Đại lý online đam mê kinh doanh.
Trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh, các lệnh cấm, Trường Foods may mắn lội ngược dòng, liên tục tăng trưởng dương từ năm 2019 đến năm 2021. Hiện nay công ty đã có hơn 5.000 điểm bán, cung cấp cho thị trường hơn 2.500.000 sản phẩm mỗi năm. Doanh thu liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, ví như năm 2020 doanh thu 40 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 52 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 doanh thu đạt 65 tỷ đồng.
Trách nhiệm với gia đình, quê hương
Chị Hoa cho rằng, để có được thành công như hôm nay, một phần đóng góp không nhỏ chính là đội ngũ công nhân, người lao động. Chị bảo, có nhiều công nhân gắn bó từ khi xưởng mới thành lập, đến nay đã 12 năm. Với chị, cũng đã phải hy sinh không ít. Có thời điểm nhiều ngày liên tục chị chỉ ngủ từ 2 đến 3 tiếng, không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. “Nhiều lúc tủi thân, tôi nghĩ hay là mình cứ buông bỏ hết nhẹ nhàng về chăm lo cho gia đình như bao người phụ nữ khác”, chị Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, ý nghĩ ấy chỉ hiện lên một giây thoáng qua lại bị chị dập tắt. Bởi thời điểm này, chị không chỉ lo cho gia đình, mà là trách nhiệm để lo cho cuộc sống tất cả những lao động tại doanh nghiệp. Chị cũng tự đặt ra trách nhiệm của mình với quê hương, với lời hứa đưa đặc sản Thịt chua đến mọi miền tổ quốc và xuất khẩu ra nước ngoài.
Chế biến thịt chua.
Chia sẻ về gia đình, chị Hoa cho biết con gái là nguồn động lực vô giá với chị. Chị bảo, mình sinh con khi còn khá trẻ, nên áp lực cơm áo gạo tiền trang trải cuộc sống là một gánh nặng. Khi có con, ai cũng mong muốn lo cho con một cuộc sống đầy đủ. Vì vậy, đó cũng là động lực để chị cố gắng không ngừng nghỉ và có được kết quả như ngày hôm nay.
Trong suốt quá trình khởi nghiệp, chị nhận thấy:
– Điều quan trọng nhất để thành công là luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo;
– Thứ hai là luôn đặt tâm huyết vào sản phẩm.
– Thứ ba là luôn luôn kiên định với con đường mình đã chọn và bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp để đạt được mục tiêu.
THEO PNVN
(Infornet – Vietnamne)