Thanh niên tậu ô tô nhờ khởi nghiệp từ 9 con dê
Từ số vốn khởi nghiệp ban đầu khiêm tốn, một thanh niên tại Quảng Trị đã phát triển đàn dê lên đến hàng trăm con, mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm hơn 250 triệu đồng.
Đến thăm mô hình chăn nuôi dê của Nguyễn Văn Chương (trú tại thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước cơ ngơi của chàng thanh niên mới 26 tuổi. Đặc biệt, đây là mô hình chăn nuôi dê kiểu mẫu trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương rất phù hợp để nuôi dê, gần 10 năm qua, anh Chương bắt đầu tìm hiểu thông tin và tự học tập kỹ thuật chăn nuôi dê ở các tài liệu, sách và trên mạng. Từ đó, anh bắt tay vào thử nghiệm chăn nuôi gần 10 con dê giống.
Sau nhiều năm chăn nuôi, anh Chương đã phát triển đàn dê lên đến 200 con.
Anh Chương kể lại: “Vào năm 2013, với số tiền tích góp được từ những năm đi làm, cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, tôi đầu tư khoảng 20 triệu đồng để mua 9 con dê giống. Ban đầu, do chưa quen nên dê bị bệnh và chết. Tôi tìm đọc thông tin, nghiên cứu kỹ về các bệnh có thể gặp đối với dê để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, quá trình chăn nuôi về sau thuận lợi hơn do kiểm soát và xử lý kịp thời các bệnh tật”.
Một năm sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi, anh Chương mới vay vốn từ Hội nông dân 50 triệu đồng để nhân rộng đàn dê. Qua thời gian chăm sóc, dê phát triển thành đàn, đợt đầu tiên anh bán được hơn 60 triệu đồng. Thành công bước đầu giúp anh có thêm động lực để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Theo anh Chương, dê chủ yếu ăn cỏ, lá cây, rau và các phụ phẩm nông nghiệp như bắp, chuối… Ngoài thành phần thức ăn xanh, anh còn bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho dê nhanh lớn.
Nhờ chăn nuôi dê đã mang lại cho anh Chương doanh thu mỗi năm hơn 250 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của anh Chương, chăn nuôi dê khá dễ, ít bệnh nhưng cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời xử lý. Dê thường mắc các bệnh viêm phổi, chướng bụng do thay đổi thức ăn. Chuồng trại chăn nuôi dê cũng như một số loại gia súc khác cần đảm bảo sự thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ.
Chuồng trại chăn nuôi dê khá thoáng mát, trên có mái che, dưới là lối đi.
“Ban đầu tôi nuôi dê trong chuồng gỗ, nhưng khi đàn dê phát triển đến hàng trăm con thì trở nên chật chội nên phải tách đàn. Vào năm 2020, tôi tận dụng các loại gỗ sẵn có ở nhà để làm trại nuôi dê. Một năm sau, tôi quyết định đầu tư 350 triệu đồng để xây thêm chuồng trại mới. Hiện đàn dê đã phát triển lên 220 con”, anh Chương cho biết.
Ngoài nuôi dê bán thịt, anh Chương còn nuôi dê sinh sản để tạo nguồn giống. Sau khi dê được tầm 2 tháng thì tách đàn, nuôi thêm 3 tháng nữa thì xuất bán dê thịt.
Đàn dê của anh Chương phát triển ngày càng nhiều.
Trại nuôi dê của anh Chương được xây dựng kiên cố, có mái che, ở 2 dãy chuồng anh nuôi hơn 200 con dê sinh sản và dê bán thịt. Mỗi năm, trại của anh Chương mang lại doanh thu 230-250 triệu đồng từ bán dê. Nhờ thu nhập từ bán dê mà anh Chương có điều kiện mua ô tô để thuận tiện trong công việc.
Hiện tại, trại dê của anh Chương cũng tạo việc làm cho khoảng 4 lao động, trong đó có 2 người làm việc thường xuyên với mức lương tháng khoảng 6 triệu đồng.
Anh Chương bố trí khu vực nuôi dê sinh sản và dê thịt riêng biệt.
“Sắp tới, tôi dự kiến mở rộng quy mô, xây chuồng trại để có thể nuôi được 1.000 con dê. Với kinh nghiệm đã tích lũy được, tôi tin rằng sẽ nuôi dê thành công. Tuy nhiên, hiện tôi vẫn chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nên chưa thể triển khai theo kế hoạch”, anh Chương chia sẻ.
Ông Trần Vũ Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ – đánh giá: “Mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Văn Chương đã phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và tạo được công việc cho một số lao động địa phương. Hội Nông dân huyện Cam Lộ sẽ hỗ trợ để các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất”.
THEO ĐĂNG ĐỨC
(Báo Dân trí)