Khởi nghiệp với 10 triệu đồng, 9x Lâm Đồng thu nửa tỷ đồng mỗi tháng
Khởi nghiệp ở tuổi 19 với 10 triệu đồng trong tay, không có nhà xưởng, không khách hàng, thậm chí để có tiền khởi nghiệp phải ăn mì tôm cả tháng, đi làm bảo vệ nhà hàng để có vốn, nhưng sau 4 năm, chàng trai sinh năm 1998 đã có được doanh thu nửa tỷ đồng mỗi tháng.
Đó là câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Lê Hoàng Nhân (SN 1998) ở Lâm Đồng, người đã bắt tay khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên và mang các sản phẩm của mình xuất khẩu, mang về doanh thu từ 300-500 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Nhân cho biết, ngay từ khi đang học chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Đà Lạt, ngoài thời gian học trên giảng đường, anh đã tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn trường phát động. Trong đó, có nhiều hoạt động cùng các bạn tham gia các chương trình tuyên truyền, tình nguyện về chung tay chống rác thải nhựa.
Từ cây tre, nứa, chàng trai này đã tạo ra khoảng 20 sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Ý tưởng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thật ý nghĩa để bảo vệ môi trường khi vô tình bắt gặp 1 video trên mạng xã hội vào năm 2018. Video đó quay lại hình ảnh các bạn tình nguyện viên dùng kìm để rút một chiếc ống hút nhựa ra khỏi mũi của một chú rùa biển. Hình ảnh chú rùa biển đau đớn với vết thương bị hoại tử nghiêm trọng đã ám ảnh tâm trí tôi suốt nhiều ngày sau đó”, anh Nhân kể.
Nhận thấy nơi mình sinh ra có nguồn tre nứa dồi dào nhưng người dân quê mình quanh năm chỉ khai thác măng để bán với giá thành không cao. Vì vậy, anh Nhân quyết định khởi nghiệp từ cây tre nhằm khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương, tạo giá trị kinh tế cao hơn cho cây tre, nứa và hướng đến việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân lao động.
Anh Nhân đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tre, nứa của địa phương để khởi nghiệp.
Bắt tay vào làm khi bắt đầu có ý tưởng nhưng không có nhà xưởng, không có khách hàng và trong tay anh chỉ có vỏn vẹn 10 triệu đồng tích cóp được từ tiền học bổng và tiền bán sáo trúc. Ngày đi học, tối về anh lại mày mò, nghiên cứu cách làm và các loại máy móc làm ống hút tre. Ngày nghỉ, anh cùng bạn bè lên rừng tìm kiếm nguyên liệu về sản xuất thử nghiệm.
Để có tiền mua máy móc, thiết bị, vừa đi học anh phải vừa đi làm bảo vệ nhà hàng, đồng thời bán sáo trúc để kiếm thêm. Thậm chí, có thời gian anh phải ăn mì tôm hầu như cả tháng để tiết kiệm tiền mua máy móc, thiết bị khởi nghiệp.
Mất gần 12 tháng nghiên cứu và bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, trải qua nhiều lần ra sản phẩm rồi lại làm lại khi chưa vừa ý, từ việc cắt làm sao cho ống hút không bị nứt, sơ chế làm sao cho sản phẩm vừa đẹp mắt lại vừa có độ bền cao, có thể tái sử dụng nhiều lần, cuối năm 2018, sản phẩm đầu tiên là ống hút được anh chào bán ra thị trường.
Sản phẩm ống hút tre
Nhà xưởng không có, khách hàng cũng không, trong khi đó ống hút tre bán ra thị trường có giá thành cao hơn rất nhiều so với ống hút nhựa nên anh gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.
“Khi tôi làm ra được rất nhiều sản phẩm nhưng lại không bán được, kho bảo quản không chuyên khiến toàn bộ hàng nghìn chiếc ống hút bị mốc, phải bỏ đi hết, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”, anh Nhân cho hay.
Tuy nhiên, khi phong trào tẩy chay rác thải nhựa lên cao, cùng với sự nỗ lực của anh, sự hỗ trợ của Đoàn trường nơi anh theo học, sản phẩm của anh ngày càng được biết đến rộng rãi và số lượng bán ra ngày càng tăng. Anh cũng tìm ra các phương pháp bảo quản, cất giữ sản phẩm để tránh mốc và hỏng.
“Ngay từ khi bắt tay vào làm, tôi có quan điểm tạo ra sản phẩm xanh thì phải an toàn với sức khỏe con người. Vì thế, khi sản xuất không sử dụng bất kỳ chất hóa học nào có hại cho sức khỏe để chống mốc cho sản phẩm. Thay vào đó, tôi sử dụng công nghệ sấy tiệt trùng kết hợp với tinh dầu dừa để tăng khả năng chống mốc”, anh Nhân nói.
Tre, nứa sau khi khai thác về sẽ được luộc qua nước muối nhằm khử bọt và loại bỏ độ ngọt của cây, tăng độ bền của sản phẩm.
Theo anh Nhân, để tăng tuổi thọ, độ bền cho sản phẩm, các cây tre, nứa được lựa chọn để làm ra sản phẩm phải có từ 2-3 năm tuổi. Tre khai thác về phải mang đi phơi rồi cắt từng khúc mang luộc qua nước muối nhằm khử bọt và loại bỏ độ ngọt ở cây tre. Sau đó mang đi sản xuất ra sản phẩm, hấp tinh dầu, hấp tiệt trùng và đóng gói, bảo quản…
Từ sản phẩm ban đầu là ống hút tre, anh Nhân đã nghiên cứu và tạo ra khoảng 20 sản phẩm khác nhau như bút tre, ly, cốc, hộp đựng trà, bàn chải đánh răng, thìa, dĩa…
Hàng loạt sản phẩm độc đáo từ tre, nứa đã ra đời và có mặt khắp nơi trên thị trường.
Thìa, dĩa làm từ tre xuất khẩu sang Úc.
Chậu trồng sen đá làm từ tre.
Bộ ấm chén và khay trà làm từ tre.
Cốc tre.
Sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu khắp các nhà hàng, khu du lịch, các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, năm 2020, anh đã xuất khẩu được hơn 500.000 sản phẩm khác nhau sang thị trường Úc. Đến nay, đã có khoảng 4 triệu ống hút và hàng ngàn sản phẩm tre, nứa khác do anh sản xuất có mặt tại Úc.
Anh cũng đã sở hữu xưởng sản xuất tre rộng khoảng 1.500m2 với 3 khu là khu phơi nguyên liệu, khu sản xuất và nhà kho. Mỗi tháng, xưởng của anh cung cấp ra thị trường từ 30-50.000 ống hút cùng hàng nghìn sản phẩm khác, cho doanh thu từ 300-500 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho từ 10-20 lao động địa phương với mức lương từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các sản phẩm từ tre, nứa, anh Nhân đang nghiên cứu và ra đời sản phẩm làm từ mo cau, lá chuối, lá vả…
Với mong muốn hạn chế đồ dùng làm từ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng 1 lần, anh Nhân đang tiếp tục nghiên cứu làm các sản phẩm dùng 1 lần từ mo cau và các loại lá như lá sen, lá vả, lá chuối….
“Hành trình để bảo vệ môi trường còn rất dài và nhiều khó khăn nhưng tôi biết mình đã chọn đúng con đường. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp rằng, khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chỉ cần cố gắng kiên trì, học hỏi thật nhiều và kiên định với mục tiêu đã đặt ra thì chắc chắn sẽ thành công”, anh Nhân bày tỏ.
THEO HỒNG CẢNH
(Báo Dân Việt)