Chọn tránh xa những bon chen, xô bồ, chàng trai Nguyễn Văn Nhã quyết định bỏ phố về rừng để khởi nghiệp cho riêng mình.
Cuộc sống bỏ phố về rừng của Nhã. ẢNH: VĂN NHÃ.
Bỏ phố về rừng với mảnh đất khô cằn
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở vùng đất Đắk Lắk, Nguyễn Văn Nhã (28 tuổi) sớm ý thức phải làm làm việc để tự nuôi sống bản thân. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhã rời quê vào TP.HCM để tiếp tục con đường học vấn. Sau 4 năm, Nhã đã tốt nghiệp cử nhân ngành Cơ điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM theo ý muốn của gia đình. Tuy vậy, bằng tốt nghiệp đó không phải sở trường và đam mê của cậu trai trẻ.
Những bạn bè thường tìm đến nhà của Nhã để vui chơi thư giãn.
Thời gian đi học, làm thêm để có thu nhập, Nhã đã bắt đầu nhen nhóm khởi nghiệp bằng nghề in ấn và du lịch. Năm 2016, Nhã cùng bạn bè lập ra nhóm “Thích tour” về du lịch thiện nguyện để cùng nhau khởi nghiệp. Cả nhóm cùng khám phá nhiều vùng đất mới bằng xe đạp, thực hiện chương trình tình nguyện tại các địa điểm từng qua.
Năm 2018, Nhã rời TP.HCM, lên Đà Lạt phát triển homestay theo sở thích của mình. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài, việc kinh doanh của Nhã bị chững lại. Chàng trai lại quyết định sang homestay rồi bỏ phố về rừng bắt đầu một chương khởi nghiệp mới. Thế là, vùng đất khô cằn của người Churu ở làng Ma Bó, xã Đa Quyn, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) là nơi đón Nhã đến khởi nghiệp.
Ngôi nhà gỗ được Nhã xây dựng trên mảnh đất khô cằn vùng đồi núi.
“Ngày xưa, khi tham gia các hoạt động tình nguyện ở vùng Lâm Đồng – Ninh Thuận, tặng học bổng cho nhiều em ở làng Ma Bó, tôi nhận thấy bà con còn nhiều khó khăn. Tôi nhận thấy mình gắn bó được nên cũng mong muốn sẽ mở một lớp học dạy văn hóa, một thư viện cho trẻ em. Ngoài ra, tôi định sẽ kết hợp với du lịch thiện nguyện khám phá vùng rừng nơi đây”, Nhã chia sẻ.
Tháng 6.2020, Nhã cùng vài người bạn bắt đầu đặt nền móng đầu tiên trên những đồi trọc đầy nắng và gió. Cậu tự trồng cây, cải tạo lại đất, tự xây lên căn nhà gỗ làm điểm trú ngụ cho mình.

Đào giếng, xây thư viện cho trẻ em

“Bà con giờ đây gần gũi hơn. Mỗi khi đi rừng bà con đều ghé cho đồ. Những đứa trẻ thường xuyên đến chơi hơn. Tôi cũng khoan giếng, làm bồn chứa dẫn nước đến từng nhà cho bà con. Nhờ đó mà bà con có nước để xài không phải đi lấy nước ở xa. Ai cũng trồng thêm rau và nuôi thêm gà khi có nước giếng”, đó là điểm bắt đầu bằng những việc đơn sơ mà Nhã đã hỗ trợ bà con nơi đây.
Thư viện mi ni do Nhã và những người bạn cùng nhau xây dựng dành cho trẻ em.
Nhờ tuổi thơ khó khăn, Nhã hiểu được nỗi thiếu thốn của trẻ em vùng cao. Từ đó, Nhã quyết định xây dựng thư viện với nhiều đầu sách dành cho trẻ ở trong làng. Kết nối những nhóm tình nguyện ở thành phố lên tặng học bổng cho trẻ em nơi đây. Nhã còn mua máy tính dạy tin học, tiếng Anh, tập vẽ cho các trẻ đồng bào. Mục đích muốn trẻ em tiếp cận được những thông tin từ các thành phố lớn, nhận thức được trách nhiệm của mình với thiên nhiên quê hương hơn.
Cuộc sống từ ngày bỏ phố về rừng của Nhã diễn ra thật êm đềm, vui vẻ. Sáng Nhã tưới cây, nấu ăn hoặc cho chó mèo ăn. Đến trưa, một mình Nhã bắt tay vào cưa gỗ, đóng vách nhà cho hoàn thiện dần. Đến cuối tuần, Nhã đạp xe đi dẫn tour với khách. Cậu cho rằng đó là những điều hạnh phúc nhất đời.
Những tour du lịch đạp xe xuyên rừng do Nhã tự thiết kế.
Nhã cho biết nơi đây có nhiều tiềm năng, nhất là chưa có người khai phá về mảng du lịch sinh thái tự nhiên. Nhã bắt tay vào việc khởi nghiệp du lịch cộng đồng và khám phá. Ở rừng, chàng trai đảm trách lịch trình di chuyển kiêm hướng dẫn viên. Các chương trình tình nguyện, cộng đồng hỗ trợ bà con đồng bào cũng được Nhã đưa vào tour. Nếu thích cảm giác sống cùng thiên nhiên, Nhã cũng dẫn đoàn cho khách ngủ rừng, đạp xe, đi bộ xuyên rừng tìm hiểu thiên nhiên hoang dã.
Theo Nhã, việc bỏ phố về rừng không phải là trốn tránh xã hội xô bồ. Mọi thứ đều phải vận động, về rừng không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Ở rừng ai cũng phải cân bằng giữa kinh tế và cuộc sống. Về rừng không có nghĩa là hưởng thụ, có khó khăn mới thấy được thành quả. Có như vậy Nhã mới có thể xây dựng được nhiều thứ hơn cho bản thân và cộng đồng hơn nữa.
THEO DẠ THẢO