Cái bắt tay giữa các tổ chức phát triển và startup

Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đang đem đến những giải pháp mà các tổ chức phát triển cần, giúp họ tăng khả năng tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả thêm nhiều người yếu thế trong xã hỗi.
Ý kiến trên được bà Hà Thị Quỳnh Nga – Trưởng bộ phận Đối tác chiến lược Care International – chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn lực quốc tế và hỗ trợ hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.
Sự kiện này do Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm 23/12 nhằm kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các tổ chức phát triển trong các dự án phát triển.

Đại diện ban tổ chức giới thiệu về hội thảo.

Đại diện Ban tổ chức giới thiệu về hội thảo. Ảnh: VPĐA844
Dù mô hình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn khá mới ở Việt Nam, song đã có những điển hình thành công như trường hợp của Jupviec.vn – ứng dụng kết nối người giúp việc là phụ nữ di cư nông thôn ra thành phố tìm việc làm, tăng thu nhập và Canal Circle – tổ chức tín dụng vi mô ở nông thôn.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Nga, lâu nay Care International luôn mong muốn tìm kiếm giải pháp mới và lâu dài và những giải pháp của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là “điều chúng tôi chưa từng nghĩ đến, giúp chúng tôi tiếp cận nhiều khách hàng với quy mô rộng lớn”. Cụ thể, Jupviec.vn đã giúp Care International tiếp cận 3.000 người lao động; trong khi trước đó, với cách làm thủ công, tổ chức này mới tiếp cận được 100 người.

Đại diện các tổ chức phát triển và startup chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác

Đại diện các tổ chức phát triển, startup và Bộ KH&CN trao đổi về kinh nghiệm hợp tác. Ảnh: VPĐA844
Một trường hợp khác cũng đáng được kể tới là HEKATE – nền tảng Chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường tiếp cận thông tin về dịch vụ công một cách chính xác và chính thống cho người dân Đà Nẵng.
Dù còn mới mẻ và chưa phổ biến nhưng những thành công này là bằng chứng cho thấy, chúng đang âm thầm len lỏi vào từng ngõ ngách nhỏ và tạo ra những tác động xã hội.

Đại diện của Nesta cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: VPĐA844

Đại diện của Nesta cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: VPĐA844
Bà Phạm Kiều Oanh – nhà sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) – cho biết, bên cạnh các dự án xã hội thuần túy, trong danh mục đầu tư của đơn vị này đã những startup vừa có khả năng tạo ra lợi nhuận vừa mang lại các giá trị cho cộng đồng. Đại diện CSIP khuyến khích 2 bên ‘sẵn lòng’ hơn khi hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội. Dù rằng, thực tế vẫn còn không ít thách thức như là các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST chưa xác định rõ mục tiêu tạo tác động của mình nên các tổ chức phát triển khó xác định được hình hình thức hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp.
Bà Hà Thị Quỳnh Nga cũng khuyến cáo các tổ chức phát triển thường gặp phải vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin khi hợp tác với doanh nghiệp ĐMST. “Đây là vấn đề hết sức phổ biến vì một mặt các tổ chức phát triển chưa có nhiều hiểu biết về kinh doanh,” – bà Nga nói.
Từ góc độ Nhà nước, ông Từ Minh Hiệu – Phó trưởng phòng Khởi nghiệp, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết, trong mối quan hệ này, Nhà nước đóng vai trò “vừa gây dựng, vừa tham gia”. Trong thời gian tới, Đề án 844 sẽ hướng đến hình thành mạng lưới các tổ chức phát triển trong Mạng lưới Kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia VIEN.
Bích Ngọc
App screen

Cập nhật tin tức qua
Newsletter

Đăng ký để nhận thông báo sự kiện, các bài viết từ chuyên gia, bình luận topic ...