Monica Eaton-Cardone là một doanh nhân quốc tế, diễn giả nổi tiếng có hàng loạt khả năng, kỹ năng, và thành tích vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Tại bài viết này, cô ấy chia sẻ vài bài học quan trọng trên bước đường khởi nghiệp thành công hiệu quả.

Monica Eaton-Cardone là một doanh nhân, diễn giả và tác giả quốc tế. Cô ấy có hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tư cách là người bán và nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực thanh toán và giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng.

Monica là đồng sáng lập và cũng là COO của Chargebacks911®, một công ty giảm thiểu rủi ro toàn cầu giúp người bán lẻ trực tuyến tối ưu hóa lợi nhuận của họ, thông qua kênh quản lý khoản bồi thường.

Chargebacks911 có hơn 350 nhân viên trên toàn cầu, với các văn phòng ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Cô chia sẻ: “Tôi điều hành doanh nghiệp của riêng mình và mọi người thường hỏi tôi về cách tốt nhất để bắt đầu kinh doanh. Đây là một sự thật khác dành cho bạn: Không có quy trình thần kỳ nào tự động đưa bạn đến thành công. Mặc dù tôi không thể đưa ra một công thức bí mật để thành công tức thì, nhưng tôi có thể chia sẻ một số bài học mà tôi đã học được”.

“Dĩ nhiên, các bài học dưới đây không phải là đầy đủ toàn bộ, cũng không có phương pháp đảm bảo nào để đạt được thành công tuyệt đối. Bạn sẽ cần phải tìm ra con đường của riêng mình, và con đường của mọi người sẽ khác nhau. Những bài học của tôi dưới đây chỉ mang tính tham khảo, hy vọng cung cấp cho các bạn một cái nhìn thực tế hơn trên con đường khởi nghiệp, kinh doanh”.

1. Làm những gì bạn yêu thích

Như tôi đã đề cập, khởi nghiệp rất khó. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 90% công ty khởi nghiệp kết thúc bằng thất bại, ít nhất là một lần. Để hạn chế rủi ro này, trước hết bạn cần phải xác định đam mê của mình là gì, nó nằm ở giới hạn nào, loại sản phẩm dịch vụ, kinh doanh nào bạn muốn cung cấp, khởi nghiệp.

Nếu bạn chỉ kinh doanh vì theo phong trào, hay theo gợi ý của người khác hay chỉ vì sự tò mò, thì bạn rất khó có đủ kiến thức, tư duy để thuyết phục người khác chi tiền mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Khách hàng chỉ mất vài phút để hiểu bạn là đang cố gắng kiếm lợi nhuận, hay bạn thực sự yêu thích những gì bạn đang bán. Thái độ và cách bạn tiếp cận công việc khi bạn yêu thích nó sẽ tạo nên sự khác biệt.

2. Cam kết làm việc chăm chỉ

Ai cũng có thể có ý tưởng, đam mê, hoài bão nhưng việc biến nó thành hiện thực là một điều không dễ. Khi đã xác định được mục tiêu, đam mê, bước tiếp theo là bạn phải có tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu đó, rồi mới bắt tay vào thực hiện.

Bạn phải làm việc chăm chỉ và thông minh hơn những người khác một chút. Bạn cũng phải chấp nhận rằng khi bạn bắt đầu, không có “lưới an toàn” giăng sẵn nào đảm bảo bạn sẽ kiếm được lợi nhuận hay không bị rủi ro.

Và ngay cả khi bạn bắt đầu kiếm được lợi nhuận giai đoạn đầu, thì số tiền đó vẫn chưa phản ánh được điều gì ngay lập tức. Trên thực tế, bạn phải gầy tạo được lợi nhuận ổn định kéo dài khoảng 2 đến 3 năm đầu.

Hãy nhớ rằng, hành trình khởi nghiệp thành công là một cuộc chạy marathon, không phải là một cuộc chạy nước rút. Bạn cần cam kết cho một chặng đường dài, và sẵn sàng làm việc nhiều giờ và chăm chỉ hơn.

3. Sẵn sàng ôm lấy thất bại

Thất bại là điều hiển nhiên trong công cuộc khởi nghiệp. Điều này dạy cho tôi biết một điều, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần chuẩn bị cho những điều bất ngờ, và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình linh hoạt ở những những thời điểm khi gặp khó khăn, hay cả thất bại.

Là chủ doanh nghiệp lần đầu tiên khởi nghiệp, bạn sẽ phải đối mặt với những trục trặc và những trở ngại không lường trước. Phải hiểu rằng, vượt qua thất bại là một phần của quá trình khởi nghiệp thành công.

Tôi đã trải qua nhiều lần thất bại trong sự nghiệp của mình, nhưng tôi nhận thấy rằng, chính những sự cố bất ngờ sẽ giúp bạn khám phá ra những gì bạn đang tìm kiếm trong suốt thời gian qua.

Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng, thất bại cũng không sao. Và đừng để điều đó ngăn cản bạn trong những bước phát triển tiếp theo.

4. Không ngừng học hỏi

Đừng nghĩ rằng, khi công việc của bạn đã ổn, lợi nhuận lâu dài thì mọi thứ đã an bài và bạn nghĩ mình đã tới lúc tận hưởng. Sự tự mãn là một cạm bẫy lớn cần tránh bằng mọi giá.

Bạn phải nên luôn tìm kiếm những cách mới để mở rộng toàn bộ kỹ năng kinh doanh, quản lý khởi nghiệp của mình, sau đó tái áp dụng những kỹ năng mới vào công việc kinh doanh mỗi ngày để phù hợp với xu thế kinh doanh mới, tìm kiếm các tiềm năng kinh doanh mới cho công ty.

Để trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực kinh doanh của mình, bạn cần phải cập nhật các xu hướng mới nhất, và luôn phải nhận thức được cách bạn có thể làm cho doanh nghiệp của mình tốt hơn mỗi ngày.

Hãy tự hỏi bản thân: Làm thế nào bạn có thể sử dụng chuyên môn của mình để làm lợi thế cho mình? Làm thế nào bạn có thể đảm bảo rằng, mô hình kinh doanh của bạn luôn phát triển và phù hợp với xu thế thời đại.

5. Xây dựng nhóm làm việc của bạn một cách cẩn thận

Những người mà bạn chọn để làm việc cạnh bạn sẽ có tác động rất lớn đến giá trị, cũng như sự bền vững, uy tín của công ty. Điều quan trọng là bạn phải chọn được những người bạn có thể tin tưởng và những người đó sẽ luôn nói sự thật với bạn.

Ngoài ra, cách bạn đối xử với nhân viên cũng rất quan trọng.

Theo Allbusiness