Mới chỉ hơn 3 năm tuổi, song JobHopin khá trưởng thành khi có văn phòng tuyệt đẹp với đội ngũ gần 100 nhân sự, hoạt động ở 3 thị trường Việt Nam, Nhật Bản và Singapore. Sở dĩ, họ có thể chạy nhanh như thế, bởi được dẫn dắt bởi Founder là chuyên gia trong việc tối ưu hóa nguồn lực và các mối quan hệ.

Kevin Tùng Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hải Tùng) – Founder của JobHopin

Nếu đặt Kevin Tùng Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hải Tùng) – Founder của JobHopin vào nhóm các Founder khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng nhận ra anh. Không hẳn bởi anh đẹp trai hay có thể hình nổi trội, chỉ đơn giản bởi phong thái khác biệt.

Bằng trải nghiệm 15 năm liền hấp thụ văn hóa Mỹ, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế – Tài chính của đại học Arizona, Hoa Kỳ và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford, Kevin có nguồn năng lượng đặc biệt, khiến ai gặp lần đầu cũng cảm thấy phía sau người này có rất nhiều câu chuyện kinh doanh thú vị.

Cách Kevin khởi nghiệp cũng đúng kiểu một người học kinh doanh ở trường lớp bài bản: xem công nghệ là phương tiện truyền tải dịch vụ/sản phẩm của mình, chứ không phải là tất cả của doanh nghiệp; tận dụng tối đa các nguồn lực và mối quan hệ trong và ngoài nước để có thể mang về nhân sự giỏi cùng nguồn vốn dồi dào. Cũng như thế, khi đi gọi vốn, Kevin cũng mong muốn nhận lại được từ các quỹ nhiều hơn… ngoài tiền.

Khi khởi nghiệp, thứ quan trọng nhất không phải là thị trường, mà là độ phù hợp giữa founder và sản phẩm, khách hàng và đội ngũ

Trước khi về Việt Nam lập nghiệp năm 2016, Kevin đã có một vài thành công nho nhỏ với các dự án startup trên đất Mỹ. Những tưởng, cùng background đó, thị trường Việt Nam sẽ không làm khó được anh, nhưng sự thật ngược lại.

Lúc mới về Việt Nam, tôi bắt tay vào khởi nghiệp ở lĩnh vực Y tế – chăm sóc sức khỏe và phục vụ tệp khách hàng khác hoàn toàn JobHopin bây giờ. Chúng tôi ra mắt App tên Ivycare, chuyên giải quyết những quyền lợi về chăm sóc y tế cho công nhân. Tôi nhận thấy, phần lớn các công nhân Việt Nam không được chăm sóc sức khỏe và y tế thỏa đáng. Chúng tôi còn có khu vực chăm sóc mẹ và bé, cụ thể là cho các bà mẹ ‘bỉm sữa’ công nhân bơm sữa cho em bé.

Dù mới ra mắt, song chúng tôi đã có một đối tác rất lớn là Tập đoàn sản xuất với hàng ngàn công nhân. Tuy nhiên, mô hình này quá khó để làm online – vì công nhân lúc đó vẫn chưa quen sử dụng các App và họ vẫn chưa muốn đầu tư tiền, thời gian cho vấn đề sức khỏe; trong khi làm offline – thủ công thì rất khó để scale-up“, Kevin nhớ lại.

Ở thời điểm đó, dù dịch vụ trông có vẻ độc đáo song có vẻ nó ra mắt quá sớm hay nói cách khác là sai thời điểm. Nếu muốn thành công, Kevin sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền để “educate” khai phóng và đợi thị trường lớn lên. Thế nên, sau một thời gian cố gắng vẫn không thuyết phục được giới công nhân sử dụng dịch vụ online, Kevin và nhóm của mình đành phải thay đổi mô hình kinh doanh và đối tượng phục vụ.

Sau một năm thử và sai với Ivycare, tôi không nản chí mà vẫn tiếp tục tìm kiếm lĩnh vực và mô hình kinh doanh phù hợp với bản thân nhất. Rồi tôi dừng lại ở lĩnh vực nhân sự với tuyển dụng – tìm việc online, đối tượng phục vụ chủ yếu là lao động tri thức.

Rút kinh nghiệm ở dự án Ivycare, tôi nghĩ nếu muốn đi nhanh và xa, trước tiên tôi phải phục vụ đối tượng đã có thói quen sử dụng các dịch vụ online như giới nhân viên văn phòng – ‘tức cổ cồn trắng’ chứ không phải công nhân – ‘cổ cồn xanh’. Đây cũng là phân khúc khách hàng mà tôi am hiểu nhất.

Hơn nữa, mặc dù thị trường này đã có vài đối thủ khá lớn song vẫn ở giai đoạn sơ khai và còn cơ hội để tôi chen chân vào. Lần này, tôi và đội ngũ cũng không cố sáng tạo ra một mô hình kinh doanh mới nữa mà đi theo con đường cá nhân hoá bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) của LinkedIn. Với tôi, quan trọng là hiệu quả chứ không phải mới hay cũ!“, Founder JobHopin chia sẻ.

Cũng theo Kevin, về cơ bản thì mô hình kinh doanh của JobHopin khá giống LinkedIn – doanh nghiệp được Microsoft mua lại với giá 26,2 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên, trong khi doanh thu của LinkedIn đến từ 2 nguồn là doanh nghiệp và ứng viên, thì JobHopin chỉ thu từ doanh nghiệp, hoàn toàn miễn phí cho ứng viên.

Logo của JobHopin là một chú thỏ trông rất đáng yêu lấy cảm hứng từ trí tuệ nhân tạo tên Bunny AI mà đội ngũ công nghệ của startup này đang xây dựng và phát triển. JobHopin sẽ sử dụng công nghệ AI để dẫn dắt nhu cầu doanh nghiệp gặp gỡ chính xác nhất nhu cầu của ứng viên.

Phần ứng viên, khi khởi tạo hồ sơ trên JobHopin, từ những thông tin trong hồ sơ xin việc, Bunny AI sẽ giúp ứng viên có một cái nhìn tổng quát về vị thế của mình trên thị trường nhân lực. Ví dụ như mức lương sàn của vị trí mà ứng viên muốn ứng tuyển, năng lực của ứng viên so với các đối thủ trên thị trường, ứng viên cần cải thiện thêm kiến thức hoặc kỹ năng nào để nâng cao vị thế…

Về phần doanh nghiệp, ngoài dịch vụ tuyển dụng, JobHopin còn cung cấp thêm cho doanh nghiệp hệ thống phần mềm đám mây phân tích dữ liệu nhân sự tự động bằng công nghệ AI với nhiều định dạng file nhất trên thị trường.

Các trang tuyển dụng online có tiếng trên thị trường hiện tại có một nguồn dữ liệu khổng lồ, song trong gần 10 năm phát triển, họ chưa thể khai thác hiệu quả. Thế nên, JobHopin đã không quá khó khăn khi đề nghị những đối tác và khách hàng cho phép sử dụng dữ liệu thô mà họ đang có.

Sau khi phân tích được khối lượng dữ liệu hồ sơ ứng viên và công việc khổng lồ từ các bên, nền tảng Bunny AI sẽ đưa ra những phân tích kết nối, giá trị thị trường “real-time” nhất“, Kevin miêu tả cách JobHopin vận hành.

Đội ngũ JobHopin

Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp chính là vấn đề nhân sự

Cũng như rất nhiều founder khác, nhân sự vẫn là vấn đề khiến Kevin đau đầu nhất lúc khởi nghiệp, kể cả khi doanh nghiệp của anh đang cung cấp giải pháp nhân sự.

Để gầy dựng được đội ngũ khoảng 100 người như hiện tại, doanh nhân trẻ này đã đổ rất nhiều ‘mồ hôi và nước mắt’. Trong quá khứ, anh đã trải qua khá nhiều kinh nghiệm thương đau khi tuyển người. Có khi, vì muốn được việc anh sẵn sàng thỏa hiệp trước những mong ước cá nhân khác nhau trong team, nhưng qua một thời gian, anh nhận ra rằng: nếu cả team không cùng mục tiêu và tiếng nói chung ở nhiều khía cạnh thì không thể đồng hành cùng nhau lâu dài.

Hiện tại, với sự giúp sức của chính Bunny AI, xác suất thất bại khi tuyển sai người của công ty đã giảm xuống rõ rệ; tuy nhiên, anh cho rằng, mình vẫn còn phải cố gắng rất nhiều trong lĩnh vực này. Mặc dù, ‘dữ liệu không biết nói dối’, nhưng để một con người có thể hòa hợp với tổ chức thì cần xem xét rất nhiều góc cạnh và cần nhiều thời gian chứ không phải chỉ mỗi chuyên môn hoặc chỉ thông qua quá trình tuyển dụng ngắn ngủi.

Để giải quyết vấn đề nan giải của nhiều startup khi tuyển nhân sự là ‘ít tiền nhưng cần tuyển được người giỏi’, Kevin dựa vào các mối quan hệ mà mình có đồng thời cố gắng nâng cấp văn phòng làm việc và văn hóa doanh nghiệp.

Từ trong network của mình, Kevin đã thuyết phục thành công 2 tiến sĩ ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) về JobHopin phụ trách mảng công nghệ AI cùng Thiết kế sản phẩm. Trong đó, nhóm AI tập trung sâu vào thuật toán, huấn luyện AI (supervise training), gắn nhãn dữ liệu; còn nhóm Thiết kế sản phẩm phụ trách xây dựng và tối ưu sản phẩm để giải các bài toán của người dùng.

Có lẽ, chính niềm tin tưởng lớn của founder – khi Kevin trao quyền để họ tự phát triển đội nhóm, là một trong những nguyên do quan trọng khiến 2 nhân tài kể trên đồng ý về đầu quân cho JobHopin.

Hiện tại JobHopin tọa lạc ở khu Vinhomes Bason, mà các thành viên thường gọi yêu thương nơi này là “Golden Bunny Villa” (Biệt thự Thỏ vàng). Theo Kevin, anh không phải là người theo trường phái ‘văn phòng của startup công nghệ phải ở garage’, anh muốn các nhân sự trong công ty được đãi ngộ tốt nhất có thể. Hơn nữa, công việc của hầu hết nhân sự JobHopin cần rất nhiều sự sáng tạo và để có thể giúp họ liên tục sáng tạo, phải có môi trường làm việc khơi gợi điều đó.

Văn phòng đẹp và văn hóa ‘làm hết sức, chơi hết mình’ đang là một lợi thế cạnh tranh đáng kể của JobHopin trên thị trường nhân sự“, Kevin khẳng định.

Tấn công vào thị trường Mỹ – ‘đại bản doanh’ của LinkedIn trong tương lai gần

Có network tốt không chỉ giúp Kevin có thể tiếp cận nhiều nhân tài và thuyết phục họ về đầu quân cho mình mà còn giúp anh nhiều thuận lợi khi gọi vốn. Nhiều học viên khóa Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford của Kevin cũng khởi nghiệp tại Việt Nam và họ đã giới thiệu anh với những quỹ đầu tư đã đầu tư cho họ.

Tháng 5 vừa qua, JobHopin vừa công bố gọi vốn thành công vòng gọi vốn Series A trị giá lên tới 2,45 triệu USD từ Edulab Capital Partners, NKC Asia và Canaan Capital. Tính gộp cả số tiền gọi vốn từ KK Fund và Mynavi hồi cuối năm 2016, đến nay JobHopin đã gọi được hơn 3 triệu USD.

Tuy nhiên, với Kevin, anh mong muốn nhiều hơn từ các quỹ đầu tư… ngoài tiền, ví dụ như hỗ trợ các nguồn lực nhân sự và mạng lưới khách hàng để giúp JobHopin mở rộng thị trường. Việc JobHopin chọn thị trường Nhật Bản để tiến ra trường quốc tế đầu tiên, ngoài việc thị trường này vẫn chưa có mô hình kinh doanh nào như JobHopin trong khi sự hiện diện của LinkedIn khá yếu ớt; lý do khác là vì quỹ đầu tư NKC Asia của họ có một tệp khách hàng rất lớn mà startup này có thể tiếp cận.

Hiện tại, tất cả team vận hành thị trường Nhật Bản khoảng 10 người vẫn làm việc tại văn phòng Việt Nam, còn nếu có vấn đề gì đó team ở Việt Nam không thể giải quyết được cần trực tiếp làm việc với khách hàng, thì các chuyên gia ở Nhật của quỹ đầu tư sẽ hỗ trợ.

Trong tương lai gần, Jobhopin muốn tấn công vào Mỹ – ‘đại bản doanh’ của LinkedIn. Với rất nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc ở Mỹ, Kevin đặc biệt thông hiểu bang California, nơi có rất nhiều người Việt và châu Á sinh sống.

Mục tiêu của JobHopin và Kevin rất rõ ràng khi vào Mỹ: startup này muốn kết nối cung cầu châu Mỹ và châu Á; cụ thể hơn là những tài năng châu Á ở Mỹ muốn quay về cố hương làm việc và những doanh nghiệp Mỹ muốn tuyển dụng các tài năng châu Á. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề với nhiều doanh nghiệp khi muốn tuyển dụng nhân sự, nhất là ở một vài ngành nghề đặc thù như công nghệ.

Nếu phải so sánh, thì chúng tôi có 3 lợi thế cạnh tranh nếu so với LinkedIn. Đầu tiên, chúng tôi không thu tiền từ các ứng viên, nên sẽ dễ thu hút lượng ứng viên tham gia tạo hồ sơ hơn. Thứ hai, chúng tôi am hiểu thị trường châu Á hơn LinkedIn và chúng tôi sẽ dùng khu vực này làm ‘bàn đạp’ tiến ra thế giới.

Cuối cùng, hiện Linkedln đang thuộc Microsoft – Linkedln có thể nhận được sự hỗ trợ dồi dào từ ‘ông lớn’ này nhưng đồng thời cũng phải chịu những sự ràng buộc chặt chẽ chậm chạp của một tập đoàn lớn toàn cầu“, Founder JobHopin nhận định.

Theo Cafebiz