Startup thiết kế 100 triệu USD sụp đổ sau một đêm
Một chuyên gia nhận định: “Điểm chung của hầu hết những công ty thất bại sau một đêm là họ tin rằng mình quá lớn để sụp đổ”.
Một căn phòng do Homepolish thiết kế
Homepolish là một công ty chuyên thiết kế nội thất có trụ sở tại Mỹ từng có thời điểm được định giá 100 triệu USD. Thế nhưng, tháng 9 năm ngoái, CEO Noa Santos đột ngột thông báo với nhân viên rằng mọi việc đã “tan thành mây khói”: “Thành thật mà nói, chúng ta không còn đủ kinh phí để điều hành việc kinh doanh nữa. Ngân hàng có quyền hợp pháp với số tiền mà chúng ta nợ họ trị giá nhiều triệu USD”.
Hàng loạt nhân viên nói rằng chỉ sau một đêm, tất cả đã đảo lộn từ chỗ họ đang làm ở một startup thu hút được nhiều sự chú ý cũng như tiền đầu tư nay đã trở thành một công ty ngập trong nợ nần.
Thông tin gây sốc hơn là công ty đã sa thải hầu hết nhân viên và hủy hợp đồng thuê văn phòng ở Manhattan từ tháng 6/2019. Trước đó vài tháng, những nhân viên còn lại được đưa vào diện nghỉ phép không lương. Thậm chí, nhiều người được yêu cầu kí kết giấy tờ mà không có lời hứa chính thức về việc nhận được lương hay thưởng. Trong khi đó, khách hàng của Homepolish cũng không được hoàn lại tiền.
Thành lập năm 2012 bởi Santos và cộng sự Will Nathan, một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư, Homepolish được kỳ vọng là sẽ tạo ra trải nghiệm thiết kế nội thất đáng tin cậy với mức giá hợp lý so với dịch vụ thông thường.
Năm 2016, Santos lọt vào danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes. Thời điểm đó, anh 27 tuổi. Doanh nhân trẻ tuổi tiết lộ các nhà thiết kế của công ty tính phí cố định 130 USD/giờ.
Homepolish hoạt động như một nhà trung gian, kết nối khách hàng với các nhà thiết kế và đơn vị thi công uy tín với mức phí không được tiết lộ cụ thể. Công ty có chính sách giảm giá đối với một số thương hiệu đồ nội thất để tăng tính cạnh tranh. Khách hàng nổi tiếng của Homepolish bao gồm siêu mẫu Karlie Kloss và nữ thừa kế tỷ phú Hannah Bronfman.
Từ khi ra mắt, Homepolish cho biết họ đã có lãi chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Mặc dù vậy, đến năm 2019, công ty gặp phải không ít lùm xùm sau khi nhiều khách hàng, trong đó có cả những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ về trải nghiệm cải tạo nhà “hoàn toàn khủng khiếp” với Homepolish. Tệ hơn, thái độ và cách xử lý khủng hoảng không thỏa đáng của công ty, đặc biệt là của Santos đã khiến khách hàng và cư dân mạng phẫn nộ.
Sự thiếu kinh nghiệm quản lý của Santos đã dẫn đến việc anh bị cấp dưới xa lánh. Không những vậy, văn hóa kìm hãm sự đổi mới tại Homepolish cũng là một yếu tố khiến nội bộ của công ty thường xuyên gặp vấn đề. Một số cựu nhân viên chia sẻ rằng việc chỉ tập trung vào các chiến dịch marketing màu mè đã khiến công ty mất đi giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, bất đồng trong vấn đề phân bổ nguồn vốn cũng như mở rộng quy mô cũng là một yếu tố góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Homepolish.
Một chuyên gia nhận định về sự sụp đổ của Homepolish: “Điểm chung của hầu hết những công ty thất bại sau một đêm là họ tin rằng mình quá lớn để sụp đổ. Từ Theranos, WeWork đến Homepolish. Tất cả đều muốn một mức định giá lớn và CEO thì muốn trở thành người nổi tiếng. Họ muốn có những văn phòng đồ sộ tại các thành phố lớn. Vì đạt được thành công đáng ngưỡng mộ từ sớm, họ trở nên kiêu ngạo và có xu hướng lơi lỏng việc quản lý kinh doanh. Đó là hiện thực nguy hiểm mà nhiều nhà sáng lập hiện nay cần tránh”.
Theo Tổ quốc