Startup: Tầm nhìn khởi nghiệp ban đầu có nên thay đổi?
Trong khi tầm nhìn của người lãnh đạo cũng có thể thay đổi. Nếu không chuẩn bị để điều chỉnh các hoạt động, doanh nghiệp có thể bị lãng phí nguồn lực và một startup có thể đi đến hồi kết.
Một công ty khởi nghiệp luôn trung thành với mục tiêu đề ra ban đầu có thể dẫn đến hai mặt của vấn đề: Giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định nhất quán hoặc cũng có thể dẫn tới sự kết thúc của một startup nếu không thích nghi kịp sự thay đổi của thị trường.
Khi tập trung vào mục tiêu đề ra từ đầu, chủ doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định nhanh chóng hơn khi cân đo đong đếm giữa các công việc, dự án và sáng kiến. Tuy nhiên, liệu những điều này có giúp startup đi sát với tầm nhìn ban đầu đã đề ra hay không?
Trong khi tầm nhìn của người lãnh đạo cũng có thể thay đổi. Nếu không chuẩn bị để điều chỉnh các hoạt động, doanh nghiệp có thể bị lãng phí nguồn lực và một startup có thể đi đến hồi kết.
Ngay khi khởi đầu một startup, tầm nhìn nên đóng vai trò là một mục tiêu tiền đề để đưa doanh nghiệp đến các bước kế tiếp. Trong quá trình vận hành doanh nghiệp và giải quyết các bài toán kinh doanh, những thông tin thu thập trong thực tế có thể dẫn đến việc thay đổi tầm nhìn.
Mặt khác, khi theo đuổi mục tiêu ban đầu, lãnh đạo có thể nhận ra con đường đang đi là chưa đúng. Đây là cơ hội tốt để điều chỉnh hành trình và hướng đến đích mới. Thay đổi trọng tâm của startup dựa trên thông tin thực tiễn về khách hàng và thị trường không phải là hành động xao lãng, mà là vận hành doanh nghiệp theo chiều hướng đáng tin cậy.
Groupon, nền tảng nổi tiếng với dịch vụ mua hàng chung có giá ưu đãi, ban đầu ra đời với cái tên The Point, như một nơi tập hợp những người có chung sở thích và mục tiêu thay đổi thế giới.
Tuy vậy, khi một nhóm người dùng The Point chung tiền tiết kiệm để mua một sản phẩm họ muốn sở hữu, nhà sáng lập công ty bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển đổi tầm nhìn của doanh nghiệp. Chất xúc tác cho sự thay đổi của Groupon còn đến từ hành vi của người tiêu dùng và tình hình thị trường của năm 2008, khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính.
YouTube cũng có tầm nhìn ban đầu rất khác với hiện tại. “Chúng tôi nghĩ dịch vụ hẹn hò là sự lựa chọn rõ ràng,” đồng sáng lập của nền tảng video trực tuyến lớn nhất thế giới nói về giai đoạn đầu của công ty.
Lúc ấy slogan của YouTube là “Hãy tham gia và hẹn hò”. Công ty thậm chí còn sẵn sàng chi trả 20 USD để phụ nữ đăng tải video về bản thân. Thứ mà người dùng YouTube quan tâm sau cùng lại là các video, chứ không phải việc tìm được người hẹn hò.
Một ví dụ chuyển đổi tầm nhìn khác có thể kể đến là Slack. Những nhà đồng sáng lập của công ty ban đầu xây dựng doanh nghiệp mình với tên gọi Glitch, chuyên mảng game trực tuyến. Tuy vậy ngay sau khi xây dựng một hệ thống giao tiếp nội bộ cho Glitch, các lãnh đạo quyết định chuyển trọng tâm Slack thành một nền tảng, đối thủ trực tiếp của Microsoft Teams ra đời.
Nhìn lại những câu chuyện trên, có thể thấy Groupon, YouTube hay Slack đều chuyển hướng đi đã vạch ra ban đầu, thông thường là khi việc tiến lên trước trở nên quá khó khăn. Tuy vậy điều này không đồng nghĩa với việc lãnh đạo nên nhanh chóng và liên tục thay đổi mục tiêu khi chưa đạt được mục tiêu ban đầu trong thời gian ngắn.
Nói tóm lại, đừng quá ám ảnh với tầm nhìn ban đầu, hãy tập trung vào vấn đề công ty sinh ra để giải quyết. Đừng vẽ ra con đường quá chi tiết, hãy để hành trình dẫn lối cho doanh nghiệp và lãnh đạo.
Theo Fobes