Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (SIHub), trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quốc gia nào muốn thu về nhiều lợi nhuận nhất thì phải đầu tư vào chất xám. Tức phải khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành Đoàn TP đã kết hợp với Trung tâm Sáng tạo khởi nghiệp Sài Gòn tổ chức buổi hội thảo “Đoàn Thanh Niên với hoạt động Khởi nghiệp”.

Tại đây, các Đoàn viên có dịp để tìm hiểu “khởi nghiệp là gì, tại sao chúng ta cần phải khởi nghiệp”?. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn giới thiệu chương trình Speed Up 2017 nhằm hỗ trợ mọi người, bao gồm cả các Đoàn viên, có được các điều kiện cần thiết để khởi nghiệp.

"Muốn thu về nhiều lợi nhuận nhất, phải đầu tư vào chất xám" - 1

Đổi mới hay là chết?

Khởi nghiệp là gì và tại sao cần khởi nghiệp là thắc mắc của không ít Đoàn viên. Giải đáp thắc mắc này, ông Huỳnh Kim Tước cho biết, khởi nghiệp chính là khởi đầu sự nghiệp, tự thân đi làm giàu. Mặc dù không phải ai cũng khởi nghiệp thành công, ai cũng trở nên giàu có nhờ khởi nghiệp (khi có 99% các khởi nghiệp thất bại) nhưng tại sao chúng ta vẫn cần khởi nghiệp?

Theo ông Tước, nếu chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, chỉ hài lòng với thực tại, không có ý định sáng tạo ra điều gì mới, một ngày nào đó sẽ có những người khác sáng tạo ra sản phẩm thành công và thế chỗ chúng ta. Lúc đấy những ai không chịu đổi mới sẽ bị bỏ rơi và sẽ “chết” khi không thể cạnh tranh.

Các ví dụ được đem ra minh họa có những cái tên từng rất nổi tiếng trong làng công nghệ, như Nokia, Motorola, Sony Ericsson… tất cả đều là những thương hiệu lớn, từng được xem như tượng đài không thể sụp đổ. Nhưng những quyết định sai lầm của ban lãnh đạo lẫn sự chậm chạp, kém năng động, không chịu làm mới sản phẩm đã cho phép các đối thủ lần lượt vượt qua và bỏ xa họ.

Đến những “ông lớn” công nghệ như Samsung, Apple… cũng đang phải đang hết sức nỗ lực cải tiến sản phẩm để không rơi vào kịch bản giống các thương hiệu trên.

Kịch bản này không chỉ xảy ra ở mảng công nghệ cao mà cả những ngành nghề truyền thống. Ông Tước lấy ví dụ: “Vinasun chiếm trên 50% thị phần taxi của TP.HCM, nhưng một ngày nào đó, một đại gia như Vinasun có thể “chết” vì sự xuất hiện của Uber hay Grab. Nhưng Uber lại hoàn toàn không có chiếc xe nào! Uber không cần phải đầu tư số lượng xe lớn nhưng vẫn làm ra tiền từ dịch vụ taxi, trong khi Vinasun phải tính toán cước phí để vận tải 2 chiều để chạy xe thì Uber không cần đến điều đó. Thứ hai, là xu hướng big data – người nào nắm cơ sở dữ liệu thì người đó có quyền lực. Facebook không thu của các bạn đồng nào nhưng Facebook vẫn có lời từ quảng cáo? Vì điều quan trọng là Facebook nắm cơ sở dữ liệu của người dùng để bán quảng cáo”.

Và chưa hết, đổi mới không chỉ là để “sống sót” mà còn để tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn.

Trong khi các nước như Trung Quốc hay Việt Nam vẫn loay hoay với nền kinh tế gia công sản phẩm, phải bỏ ra nhiều đất đai để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thì các nước như Hong Kong, Singapore đã chuyển qua nền kinh tế dịch vụ, họ gần như không phải tốn đất đai để sản xuất mà chỉ thực hiện kinh doanh phân phối sản phẩm, thu về được nhiều tiền hơn nền kinh tế gia công.

Các nước như Mỹ, Hàn Quốc… chỉ cần nghiên cứu ra sản phẩm mới, rồi mang các sản phẩm đó cho các nước thứ ba gia công, và họ chiếm phần lợi nhuận cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Các nước này đã tiến lên mức cao nhất là nền kinh tế chất xám.

Nói cách khác theo ông Tước, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quốc gia nào muốn thu về nhiều lợi nhuận nhất thì phải đầu tư vào chất xám. Tức phải khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

"Muốn thu về nhiều lợi nhuận nhất, phải đầu tư vào chất xám" - 3

Xây dựng nền kinh tế sáng tạo

Để tiện so sánh về giá trị của chất xám trong thời đại mới, ông Huỳnh Kim Tước đưa ra các con số: “Nền công nghiệp ô tô của các nước châu Âu, toàn bộ 23 nước, tạo ra giá trị 160 tỷ USD. Nền công nghiệp lớn thứ 2 của châu Âu là nền công nghiệp hóa dược liệu chiếm khoảng 260 tỷ USD. Và nền kinh tế sáng tạo của châu Âu chiếm tới 280 tỷ USD, chỉ để mua bán bản quyền kinh doanh công nghệ”.

Song để kích thích cho kinh tế sáng tạo phát triển, chúng ta phải thay đổi tư duy “xài chùa” phát kiến của người khác. Các phát kiến có giá trị kinh tế phải được tôn trọng và được bảo hộ. Các doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để “mua lại” các phát kiến đó. Có như thế thì kinh tế sáng tạo mới có cơ hội cất cánh khi ai cũng thấy chất xám của mình có thể làm ra tiền.

Nhưng ngược lại, không phải sáng kiến nào cũng có giá trị mà nó phải có tính khả thi và thực hiện được.

Ông Tước chốt lại vấn đề: “Khởi nghiệp là quá trình các bạn giải quyết một vấn đề của xã hội, đem lại giá trị thật nào đó cho cộng đồng, chứ không phải là những ý tưởng viển vông. Lấy ví dụ ai đó có ý tưởng thiết kế một ống dẫn mang hơi lạnh từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, chắc chắn không ai trợ vốn để làm. Các bạn phải trả lời cho được câu hỏi – giá trị khởi nghiệp của các anh là gì, làm ra được gì cho xã hội, thì các anh mới có thể khởi nghiệp”.

"Muốn thu về nhiều lợi nhuận nhất, phải đầu tư vào chất xám" - 4

Nhưng để có thể tiến lên một quốc gia khởi nghiệp, giám đốc SIHUB cho rằng đó không chỉ là nỗ lực của từng cá nhân mà còn cần cả sự hỗ trợ và dẫn dắt của cả các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan liên hệ trực tiếp tới chất xám như Sở KHCN TP.

“Phải thấy rằng, một mặt chúng ta kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp, nhưng mặt khác đó cũng là trách nhiệm của Sở KHCN. Các GS, TS thường xuyên đăng ký đề tài với Sở chính là những người có khả năng khởi nghiệp cao nhất vì tính khả thi của họ cao hơn những người dân bình thường. Khi chúng ta đã hiểu được quy trình ra đời các startup, chúng ta phải hiểu rõ nhất đối tượng nào sẽ có tác động nhiều nhất”.

Speed Up 2017 – Tăng tốc khởi nghiệp

Một trong các nội dung chủ chốt của buổi hội thảo với các Đoàn viên là chương trình Speed Up 2017 cũng do SIHUB tổ chức.

Đây là một hoạt động nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp có thời hạn đăng ký kinh doanh dưới 5 năm ở Sài Gòn được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp. Số vốn tối đa mà một dự án được hỗ trợ lên tới 2 tỷ đồng và thời gian tới 2 năm.

Mọi dự án đều có thể đăng ký tham gia song những dự án thuộc các lĩnh vực sau sẽ được ưu tiên hơn, gồm: Cơ khí – Tự động hóa, Hóa – Dược – Nhựa – Cao su, Điện tử – CNTT, Chế biến lương thực thực phẩm, Công nghệ sinh học.

Các bạn có dự định khởi nghiệm có thể truy cập vào link sau để đăng ký tham gia. Bộ hồ sơ đăng ký yêu cầu gồm bản mô tả dự án, đoạn video dài 1 phút giới thiệu về sản phẩm cần được hỗ trợ và tốt nhất là có thêm tài liệu pháp lý chứng minh bản quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm trên. Hoặc các bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với SIHUB thông qua địa chỉ mail Speedup@sihub.vn.

Huyền Thế