9 Phương Pháp Đưa Yếu Tố Viral Vào Sản Phẩm – Phần 1
Tính viral là một thuật ngữ bắt nguồn từ marketing, có thể hiểu là mức độ lan truyền. Một sản phẩm viral là một sản phẩm độc đáo, gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người xem/sử dụng, và khiến họ muốn chia sẻ rộng rãi, làm cho sản phẩm được lan truyền mà không cần nhiều chi phí, nỗ lực marketing từ công ty.
Nếu bạn đang xây dựng một sản phẩm tiêu dùng, thì sản phẩm đó cần phải có tính viral. Đối với sản phẩm tiêu dùng, doanh thu trung bình thu được từ mỗi sản phẩm khá thấp, vì vậy bạn sẽ không thể chi tiêu quá nhiều cho sales và quảng cáo. Việc tạo tính viral cho một sản phẩm đã có là khá khó, nên bạn sẽ cần phải tìm cách đưa yếu tố viral vào sản phẩm ngay từ khi xây dựng nó. Chuyên gia từ YCombinator, Sam Altman, nói rằng sản phẩm của bạn cần phải đủ tốt đến mức người dùng tự muốn giới thiệu sản phẩm đó đến bạn bè của mình. Tất nhiên mọi người sẽ không giới thiệu một sản phẩm xoàng. Nhưng bạn có khá nhiều cách để thúc đẩy họ giới thiệu sản phẩm của mình.
1. Two-sided Reward (tạm dịch: Phần thưởng kép)
Tạo động lực khích lệ người dùng chia sẻ sản phẩm với bạn bè, đồng thời tạo động lực khích lệ người bạn đó chấp nhận lời chia sẻ. Việc tạo giá trị (hay phần thưởng) cho cả hành động chia sẻ và chấp nhận chia sẻ là rất quan trọng; nếu thiếu một trong hai, phương pháp này sẽ không hiệu quả.
Nguồn ảnh: Internet
Ví dụ, trong năm 2008 và 2009, Dropbox tăng trưởng vượt bậc nhờ chương trình giới thiệu (referral program) của họ. Cụ thể, nếu user mời được bạn bè của mình sử dụng Dropbox, họ và bạn họ đều sẽ nhận được miễn phí 500MB không gian lưu trữ cho mỗi người. Phần thưởng này tạo động lực cho user mời bạn bè, và động lực để người bạn đó chấp nhận lời mời, rồi từ đó tiếp tục mời thêm bạn bè khác. Và một vòng lặp viral được hình thành.
Chương trình giới thiệu của Dropbox. Nguồn ảnh: Dropbox
Một ví dụ khác, Good Eggs, cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa, đã sử dụng tiền làm phần thưởng khích lệ cho người dùng. Cụ thể: Good Eggs sẽ tặng user $20 mua đồ trên platform cho user với mỗi người bạn mà user đó mời được, đồng thời tặng cho người bạn đó một sản phẩm miễn phí nhất định nếu người đó đặt hàng. Để phương pháp này đem lại lợi nhuận, thì Good Eggs cần làm sao để Giá trị vòng đời của khách hàng được mời (Lifetime Value – LTV) lớn hơn $40 (bởi Good Eggs cho user đó $20 và một phần thưởng khoảng $20 cho người bạn). Để người bạn kia nhận được quà miễn phí, họ cũng sẽ phải mua một mặt hàng nào đó từ $30 trở lên. Nhưng cũng có rất nhiều khách hàng mua hàng hơn hơn $40, nên nhìn chung, phương pháp này đem lại lợi nhuận cho Good Eggs.
Chương trình giới thiệu của Good Eggs. Nguồn ảnh: Good Eggs
Một trong những yếu tố khiến phương pháp này giúp sản phẩm lan truyền được là Hiệu ứng Quà tặng. Bằng việc để user lựa chọn quà tặng cho cho bạn mình, user đó, thay vì e ngại việc làm phiền bạn, sẽ có tâm thế chọn một món quà giá trị nào đó mà bạn mình sẽ thích. Bằng việc nhận được giá trị từ chính món quà, và giá trị thời gian mà user kia đã bỏ ra để chọn quà cho mình, người bạn sẽ có xu hướng chấp nhận lời mời và trở thành một user mới của Good Eggs. Điều này giúp cho sản phẩm của Good Eggs nhanh lan tỏa hơn.
2. Appeal to Vanity (tạm dịch: Sức hút của Danh hiệu)
Thiết lập hệ thống những danh hiệu cho user nếu họ đạt được những thành tựu nhất định. Đi kèm với hệ thống chức danh này là một bộ chỉ số đo lường để theo dõi tiến độ thành tựu của user, và thúc đẩy họ sử dụng sản phẩm.
Hệ thống nút Bạc, Vàng, Bạch Kim của Youtube. Nguồn ảnh: Internet
Tính năng Subscribe của YouTube là một ví dụ nổi bật cho cơ chế này, với phần quà là nút Bạc, Vàng, Bạch Kim cho các channel có số lượng Subscribe đạt ngưỡng nhất định. Tính năng đếm lượt like, comment, và share của Facebook cũng là một ví dụ, bởi những con số này phản ánh phần nào chất lượng nội dung bài đăng (là một danh hiệu không chính thức của chủ bài).
3. Collaboration (Hợp tác)
Các ứng dụng được xây dựng cho việc hợp tác hoặc giao tiếp giữa những người cùng làm việc với nhau luôn có tính viral. Một vài ứng dụng có chế độ sử dụng cá nhân, nhưng việc nhiều người cùng sử dụng một ứng dụng sẽ tạo nên nhiều giá trị bổ sung khác (ví dụ giá trị kết nối).
Nguồn ảnh: Internet
Slack được xây dựng nhằm phục vụ việc giao tiếp nhanh giữa các thành viên trong một team, và để tận dụng được đầy đủ giá trị của Slack, bạn cần phải mời bạn bè cùng dùng Slack. Google Docs dù có chế độ chỉnh sửa cá nhân, nhưng giá trị chính mà người ta sử dụng Google Docs là bởi họ có thể lựa chọn “Chia sẻ” và cùng làm việc đồng thời (online) với người khác. Những nút chọn “Chia sẻ” hay “Mời bạn bè” chính là cơ chế tạo viral cho những sản phẩm loại này: chúng viral (lan truyền) bởi người dùng CẦN phải lan truyền chúng để tận dụng được hết giá trị của sản phẩm.
Nguồn ảnh: Internet
Đặc biệt, khi những sản phẩm này được chọn sử dụng trong một công ty, sản phẩm đó nghiễm nhiên sẽ có thêm toàn bộ nhân viên của công ty đó là người dùng. Hãy tưởng tượng nếu công ty đó là một tập đoàn đa quốc gia, thì mức độ viral của sản phẩm khi đó sẽ lớn thế nào. Và đồng thời, khi số lượng người sử dụng sản phẩm đã đủ lớn, người dùng sẽ phải đánh đổi rất nhiều nếu muốn chuyển sang sản phẩm khác (hãy tưởng tượng bạn sẽ phải tốn công sức thế nào nếu phải chuyển hết lượng tài liệu hiện có trong drive của mình sang một kênh lưu trữ nào khác).
4. Embeds (Đính kèm)
Hãy làm sao để người khác có thể đính kèm sản phẩm của bạn trên website của họ. Điều này sẽ làm tăng độ phủ của sản phẩm, đồng thời cũng giúp minh họa cho người dùng tiềm năng về nội dung và tính năng sản phẩm của bạn.
Nếu bạn đang xây dựng một sản phẩm với User-Generated Content (UGC – tạm dịch Nội dung tạo Khách hàng), bạn nên làm sao để nội dung của bạn có thể được dễ dàng đính kèm vào website khác. Bạn sẽ thường thấy những bài tweet từ Twitter được đính kèm trong nhiều bài viết, và cũng thường thấy các video YouTube xuất hiện trên nhiều website.
Việc đính kèm này cũng là một công cụ giáo dục (Educational Tool) khách hàng tiềm năng: Việc thấy những nội dung đính kèm sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về nội dung và tính năng của họ. Hơn nữa, việc nhìn thấy nội dung của bạn trên một website mà họ đã tin dùng cũng sẽ làm tăng uy tín cho thương hiệu của bạn.
Với phương pháp này, bạn sẽ hy vọng rằng người dùng, đến một khi nào đó, sẽ đủ tò mò để click vào xem nội dung của bạn. Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi đến được đó, tùy thuộc vào chất lượng nội dung bạn đính kèm.