Trong văn phòng rộng chừng 40 m2 của Hà Bùi – CEO chuỗi thời trang công sở Sohee – có vài ma-nơ-canh đang diện các thiết kế của thương hiệu này và cả một chiếc máy may được đặt ở nơi rất dễ quan sát. Hà Bùi chia sẻ rằng chiếc máy may này do hoa hậu Ngọc Hân – một người em thân thiết của chị tặng. Nó gợi cho nữ CEO sinh năm 1983 nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian khó khi còn là một cô công nhân may tại TP HCM.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Hà Bùi trốn nhà vào TP HCM ôn thi đại học, một phần vì tò mò nơi đây có gì mà khiến cho những cô bạn cùng quê sau khi vào đó trở về lại có tiền, ăn mặc đẹp hơn. Lúc mới vào TP HCM, Hà Bùi làm thợ phụ trong một xưởng may, sau đó đi làm nhân viên bán hàng thời trang vì có thời gian để đi học. Đây cũng là lúc cô nhận ra đam mê với thời trang của mình.

– Rất tò mò là khi trốn nhà vào TP HCM, trong túi của chị có bao nhiêu tiền?

– Tôi có sợi dây chuyền, bán đi được 400.000 đồng, riêng tiền đi xe vào đến TP HCM đã mất 300.000 đồng. Khi đó, đi thuê nhà trọ giá đã là 200.000 đồng/tháng. Tôi ở cùng bạn, chưa được 2 tháng đã hết tiền. Tôi viết thư về nhà xin bố, dù nhà cũng nghèo nhưng bố vẫn cố gắng gửi cho tôi 400.000 đồng để trang trải cuộc sống.

Thật sự, khi vào TP HCM, tôi “vỡ mộng” vì không giống những điều mình nghĩ trước đây nhưng không thể quay lại được nữa. Cuộc sống khi đó quá khổ cực. Có những hôm cuốc bộ 10 cây số từ chỗ làm về nhưng chỉ có gói mỳ tôm nấu với rau chia nhau với bạn để ăn. Lắm hôm hết tiền phải nấu cháo trắng, húp với muối.

Lương công nhân nhặt chỉ khi đó chỉ được 400.000 đồng/tháng, cố gắng lắm mới sống được. Thậm chí, tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ học, đi làm giúp việc, được người ta nuôi ăn ở lại được trả lương 800.000-900.000 đồng/tháng nhưng sau lại thôi vì nghĩ mình sẽ không có cơ hội học những thứ mình thích. Nói chung, cuộc sống xa quê rất là “thấm”. Đến giờ, tôi vẫn kể lại câu chuyện về những ngày đầu ở TP HCM như một bài học để truyền cảm hứng cho các bạn nhân viên.

Đang học năm thứ 2 chuẩn bị sang năm thứ 3, tôi gặp một chuyện buồn và rời TP HCM về Bắc vào tháng 5/2007. Cuối năm đó, tôi lập gia đình ở Hải Dương và đi bán hàng thuê cho cửa hàng bên cạnh, thật ra là để tìm hiểu thị trường Hải Dương. Khi đó, tôi nghĩ mình đã có gia đình rồi thì bằng mọi giá phải có cho mình một cửa hàng riêng thì mới đủ thu nhập, cuộc đời mới thoát nghèo được. Tôi tự nhủ mình không thể cứ nghèo mãi, cứ làm thuê như thế được. Vài tháng sau khi bán hàng thuê, tôi tự mở cửa hàng của riêng mình.

– Vài tháng làm thuê đã tự mở cửa hàng, chị lấy đâu ra vốn?

– Lúc đó tôi chưa có tiền, phải nhờ chị gái đi vay 50 triệu đồng, trả lãi ngày. Nhưng chỉ vài tháng sau thì tôi trả được nợ và thời gian ngắn sau đó tôi mua được nhà.

– Nói như vậy là kinh doanh thời trang rất lãi?

– Cũng không hẳn thế (cười). Làm ngành thời trang, 2 yếu tố phụ thuộc là may mắn và gu. Làm thời trang lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn, phải có gu thì mới sống được, không có gu là chết. Thành công hay không còn phụ thuộc vào hàng tồn. Nếu không nắm bắt được thị trường mà để hàng tồn nhiều sẽ rất khó tồn tại. Trong ngành này, có một thực tế là hàng khi treo trên kệ tại các showroom là những bộ cánh đẹp nhưng khi không bán được thì lại chả khác gì những mảnh vải vụn cả.

– Lập công ty ở Hà Nội nhưng chị lại mở rộng hệ thống showroom ở các tỉnh thành trước khi quay lại đây, điều này hình như hơi ngược vì thường với thời trang, thị trường Hà Nội sẽ phát triển hơn tỉnh lẻ?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kinh doanh ở Hà Nội để kiếm lợi nhuận vì chi phí ở đây quá cao. Mở showroom tại Hà Nội chủ yếu để làm thương hiệu. Ngay từ đầu, tôi đã định hình chiến lược là đánh vào các tỉnh lẻ do trước khi mở công ty riêng tôi đã có kinh nghiệm làm đại lý cho 2 thương hiệu lớn ở Hà Nội cùng phân khúc với Sohee. Khi đó, 2 thương hiệu này bắt tôi lựa chọn một, tôi bực quá nên mới quyết định về Hà Nội mở thương hiệu riêng.

Thực tế, ở các tỉnh thành, chị em công sở rất nhiều và họ còn chịu chi. Ở Hà Nội, đi làm vào mùa hè, chị em mặc áo khoét nách thì không sao nhưng ở tỉnh thành lại không được. Nắm bắt được tâm lý và văn hoá của khách hàng nên Sohee chiếm được khách ở các tỉnh rất tốt.

– Nghe chị kể thì thấy dường như việc khởi nghiệp của chị khá là thuận lợi?

– Không hẳn đâu, cũng có những lúc khó khăn vô cùng. Tôi ra mắt Sohee vào tháng 10/2013, sau đó có khai trương showroom tại Vincom Bà Triệu và Vincom Times City. Showroom ở Vincom Times City khai trương vào tháng 12 năm trước thì đến tháng 3 năm sau phải đóng cửa vì thua lỗ. Vài năm sau, Vincom Bà Triệu lấy lại mặt bằng nên tôi cũng đóng cửa showroom và gần đây mới mở lại ở địa điểm này.

Khi mới khởi nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn, bị lừa gần 3 tỷ đồng bởi chính những người làm việc cho mình. Cái máy giá 30 triệu đồng thì họ kê khai là 100 triệu, đồ 3 triệu họ nói 7 triệu mà tôi không hề biết. Gần 3 tỷ đồng khi ấy đối với tôi là số tiền rất lớn nhưng buồn nhất là chính những người làm việc cho mình lại lừa mình. Lúc khởi nghiệp, tôi như là trang giấy trắng còn trên thương trường có quá nhiều cạm bẫy. Nhưng rồi tôi rút ra là cuộc đời phải bỏ tiền ra để học. Trường đời là nơi tốt nhất dạy ta trưởng thành.

– Bị lừa hết tiền, chị làm thế nào để tiếp tục?

– Lúc đó hết tiền, chồng không cho cầm cố nhà nhưng tôi còn có một đôi bông tai, sợi dây chuyền kim cương và ôtô đứng tên mình. Với số vốn còn lại đó, tôi tìm người mua sắm máy móc mới và làm lại từ đầu.

– Ngành thời trang vốn cạnh tranh khốc liệt, chị làm thế nào để tạo sự khác biệt khi mà thời trang Việt Nam hiện nay không chỉ cạnh tranh với nhau mà phải cạnh tranh với nhiều hãng fast fashion, hàng Thái, hàng Trung Quốc?

– Hiện tôi vẫn là trưởng phòng thiết kế của Sohee. Năm nào tôi cũng đi nước ngoài vài lần để xem xu hướng thời trang của các nước, tháng 12 năm ngoái tôi mới đi Pháp. Ngồi ở Paris, tôi quan sát trang phục và phong cách của những người đi đường, xem bộ này phối với cái gì. Thời trang Pháp, Hàn Quốc… đi xa hơn, vì vậy tôi đến đó để học hỏi, học cả cách kinh doanh, quản trị hệ thống, cách nhân viên tư vấn xem nhân viên của mình cần hoàn thiện điều gì.

Khi thời trang nhanh vào Việt Nam, mọi người cũng lo lắng lắm nhưng thực tế thì không ảnh hưởng nhiều. Ai mặc gu nào vẫn theo gu đó, khách hàng của Sohee cũng không hợp với thời trang nhanh. Họ thích những trang phục ôm vào người, tôn dáng, không cần make-up nhiều khi mặc trong khi thời trang nhanh hợp với những người trẻ hơn.

– Chị quan niệm ra sao về đối thủ?

– Thường tôi chỉ nói Sohee cùng phân khúc với hãng nào chứ không bao giờ nói Sohee là đối thủ của ai. Phân khúc và đối tượng khách hàng của Sohee cũng giống các thương hiệu khác như Elise, IVY Moda, Eva de Eva… Thực tế thì tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện của các thương hiệu khác. Tôi nghĩ rằng bản thân mình phải tập trung vào công ty của mình, chuyện của mình chưa lo xong mà cứ nhìn sang công ty khác làm gì. Trên thị trường, tôi không coi ai là đối thủ bởi vì mỗi thương hiệu đều có những thế mạnh và định hướng khác nhau.

– Chị vừa nhắc đến các hãng thời trang cùng phân khúc nhưng hình như những thương hiệu đó có phần nổi tiếng hơn Sohee?

– Nổi tiếng hơn thì có nhiều nguyên nhân. Tôi thì không quan tâm xem ai nổi tiếng hơn ai mà quan tâm đến kết quả chúng ta mang đến cho khách hàng điều gì. Thương hiệu của chúng tôi bước sang năm thứ 7 nhưng mới rầm rộ ở Hà Nội được khoảng 2 năm nay. Thật ra tôi không làm truyền thông quá nhiều. Tiền để làm truyền thông thì tôi đã đổ hết vào chất lượng vì để sản phẩm có chất lượng thì nhân công phải cao hơn 30% so với các thương hiệu khác.

Nói thật là tôi không cần quá nổi tiếng mà chỉ cần bán được hàng, lúc nào cũng có hàng để làm, đủ thu nhập cho nhân viên và có lãi là được. Nguyên tắc của chúng tôi là không bao giờ chậm, thiếu lương của nhân viên. Từng là công nhân rồi, tôi hiểu được việc cuối tháng công nhân mong chờ đồng lương như thế nào, công việc phải ổn định mới giữ được lao động.

– Không tập trung vào truyền thông thì có vẻ như Sohee đang đi ngược thị trường vì ngành thời trang thì yếu tố truyền thông khá là quan trọng?

– Thực ra thì Sohee không làm truyền thông quá nhiều chứ không phải không làm gì cả. Fanpage của chúng tôi không chạy quảng cáo nhưng lượng tương tác thực sự rất tốt. Mỗi lần khai trương showroom mới, tôi vẫn mời một số người nổi tiếng đến chụp hình, dự khai trương để quảng cáo cho Sohee.

Tôi tự hứa với lòng mình khi ra mắt thương hiệu vào năm 2013 là khi thương hiệu có chỗ đứng sẽ quay trở lại Hà Nội. Khi về Hà Nội rồi, mọi thứ đủ tiềm lực để có thể tự nuôi các cơ sở kinh doanh tại đây thì tôi mới bắt đầu làm truyền thông. Tôi không thành lập công ty rồi đi vay tiền để đổ vào truyền thông, như vậy rất rủi ro.

Tôi trải qua nhiều vị trí từ công nhân, bán hàng, làm đại lý cho các thương hiệu, tôi hiểu điều khách hàng cần nhất là chất lượng, phom dáng có đẹp không, phù hợp hay không.

– Doanh thu hàng năm của Sohee hiện nay ra sao?

– Con số cụ thể tôi không thể tiết lộ được nhưng nhìn chung vẫn tăng trưởng, không bị sụt giảm. Trước thì chúng tôi làm đơn giản khoảng 40 mẫu nhưng giờ tăng lên 200, chi phí công ty cũng tăng gấp 5-6 lần.

Thị trường hiện nay khó khăn hơn rất nhiều so với thời Sohee mới khai trương. Ngày đó hàng bán rất chạy, khách xếp hàng như thời bao cấp. Trước đây có những lúc cả CEO, trợ lý CEO phải ngồi khâu cúc để kịp có hàng ra bán. Hàng khâu xong 8h phải cho ra bến xe, 9h xuống tới Ninh Bình khách đang ngồi chờ. Mỗi showroom một ngày có thể bán 400-600 triệu đồng, doanh thu toàn hệ thống vài tỷ đồng.

Còn bây giờ đúng nghĩa “nhặt tiền cắc”. Có khi doanh số cả tháng bằng 3 ngày sale trước đây. Nhân viên Sohee nhiều người mở thương hiệu riêng nhưng ít ai thành công. Tôi nghĩ bên cạnh nỗ lực, đam mê, bản thân mình còn có may mắn khi khởi nghiệp thị trường tốt nên đã xây dựng được nền móng, dù có gặp khó khăn sóng gió cũng không phải lo.

Tôi xác định mở một showroom thì nó phải tạo ra doanh thu đủ nuôi nó. Tôi không bao giờ nuôi “người nghiện” trong nhà. Hồi mới mở showroom ở Vincom Bà Triệu lỗ 8% nhưng đến năm 2019 đã lãi 6%. Tỷ lệ này quá thấp nhưng lại thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu.

– Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của công ty chị?

– Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, các doanh nghiệp đều ít nhiều chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong kinh doanh, thường khi qua năm thứ ba, doanh nghiệp đã phải tích lũy một khoản để dự phòng cho những rủi ro không lường trước được rồi.

Sohee cũng vậy, dù hiện nay việc kinh doanh, sản xuất phải tạm dừng theo Chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội, chúng tôi vẫn chi trả lương cho nhân viên đầy đủ. Nếu thời gian cách ly kéo dài sau ngày 1/5, bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, Sohee sẽ hỗ trợ thêm một phần cho những người lao động đang làm việc cho công ty.

Hiện Sohee vẫn còn nguyên liệu để tiếp tục sản xuất nhưng vấn đề là chúng ta đều chưa biết được dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ, trong khi thời trang lại là ngành thay đổi theo mùa. Vì vậy, chúng tôi phải lắng nghe thị trường để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Về chi phí thuê mặt bằng, chúng tôi cũng được các đơn vị hỗ trợ một phần, dù không nhiều. Nếu chủ nhà nào hỗ trợ chúng tôi rất cảm ơn, nếu không Sohee cũng phải chấp nhận vì chi phí đầu tư cho một showroom rất lớn, không thể nói dừng hoạt động là dừng được.

– Gần đây chị ra mắt dòng sản phẩm riêng. Chị có phải đi học thêm về thời trang hay kinh doanh?

– Làm trong lĩnh vực thời trang cũng phụ thuộc vào tư duy, tố chất của mình, nắm bắt xu hướng nhanh hay chậm. Đối với tôi, vào trường chỉ cho ta học cái chữ, còn trường đời dạy chúng ta tất cả, để ta có sự trải nghiệm và thành công.

Tôi không quan trọng việc bạn học như thế nào, điều tôi quan tâm là thực tế. Bằng cấp, CV của bạn đẹp nhưng khi vào thực tế bạn có làm được hay không. Hơn nữa để thành công còn phụ thuộc vào bản lĩnh của con người, thương trường là chiến trường, bạn có chịu được áp lực hay không.

Chúng ta phải chọn, cái gì cũng có giá của nó, đến nay khi ở tuổi 37-38, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là bản lĩnh, sự quyết đoán của mình.

– Một thương hiệu cùng phân khúc đã bán cổ phần cho đối tác ngoại, chị có dự định làm điều tương tự với Sohee?

– Vốn thì tôi không cần lắm, nhưng tôi muốn có thêm nhà đầu tư vào để cùng mình quản trị. Người ta thường nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Trong tương lai chắc chắn tôi sẽ cho nhà đầu tư vào nếu tìm được người phù hợp và cùng chí hướng.

Với năng lực của mình, tôi vẫn có thể mở thêm 50-70 cơ sở nữa, nhưng mình là phụ nữ cũng khá vất vả, tôi muốn có thêm thời gian cho gia đình. Phụ nữ muốn thành công thì phải đánh đổi.

– Vậy chị đã đánh đổi những gì?

– Ngày xưa tôi từng nghĩ có gì đâu mà phải đánh đổi, nhưng thực tế là phải đánh đổi rất nhiều, cả thanh xuân. Khi mọi người đi chơi thì lúc nào mình cũng nghĩ đến công việc. Lúc thuận buồm xuôi gió thì không sao, nhưng khi khó khăn phát sinh, xảy ra vấn đề, gia đình không thông cảm thì rất khó.

Mọi người thường hỏi tôi lấy đâu năng lượng để làm nhiều việc như vậy. Như gần đây, chúng tôi cử nhân viên đi kiểm kê hệ thống, chi phí công tác khá nhiều nhưng các bạn không làm được việc, không đúng các tiêu chí trong cuộc họp đã đề ra. Các bạn chỉ đi cho có xong về báo cáo. Trong một tuần, đích thân tôi cùng 10 người phòng kế toán đi kiểm kê các cơ sở, khi đó mới bung bét ra nhiều vấn đề. Có hôm kiểm kê đến tận 0h đêm, 0h30 từ Vinh đi về, 4h sáng về đến Hà Nội.

Tại sao bà chủ một công ty lớn mà vẫn phải thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp như vậy? Tất cả xuất phát vì đam mê chứ không phải vì tiền. Trước khi mới khởi nghiệp thì cần tiền lắm vì nghèo, tôi muốn cho cuộc đời con cái không phải khổ giống mẹ. Cuộc sống nghèo khổ từng rất ám ảnh tôi.

Nhưng đến giờ này tôi khẳng định tôi không đến mức cần tiền như trước. Nếu làm việc vì tiền thì đến lúc đủ sẽ nghỉ ngơi hưởng thụ nhưng khi làm bằng đam mê, tình yêu thì mọi thứ mới phát triển được.

Tôi vẫn thường chia sẻ với các bạn nhân viên rằng tình yêu là như vậy, với người yêu hay chồng cũng thế thôi, lúc còn yêu thì mong muốn về sớm nấu món gì ngon cho anh ăn, nhưng khi hết yêu rồi thì anh ăn gì kệ anh. Với công việc cũng vậy, khi hết yêu thì không còn muốn cống hiến nữa, nhưng làm vì yêu thì mọi thứ sẽ khác. Dù là tổng giám đốc của công ty, hiện nay tôi vẫn tự đi tìm mặt bằng tại các tỉnh thành để mở chi nhánh cho Sohee.

– Việc gì cũng đến tay như vậy, chị có phần quá ôm đồm?

– Mọi người cũng nói tôi ôm đồm nhiều nhưng tôi là người cầu toàn và mong mọi thứ thật chỉn chu. Tôi chỉ lo sau này khi Sohee mở rộng vào Đà Nẵng, TP HCM một mình tôi sẽ rất khó quán xuyến. Trước khi sức khỏe tốt, tôi nghĩ mình có thể làm được tất cả nhưng giờ thấy mình không còn quá khỏe nên tôi cũng nghĩ mình cần có thêm nhà đầu tư để cùng quản trị hệ thống. Mình có thể phụ trách sale, thiết kế còn họ quản trị điều hành.

– Nghe nói khi mở showroom tại Vincom Bà Triệu, chị yêu cầu toàn bộ công việc sửa sang phải hoàn thành trong 2 tuần (bình thường là 1,5 tháng); 10 bộ trang phục cho khách tham dự phải hoàn tất trong 3 ngày. Hiện nay, phong cách làm việc của chị có thay đổi?

– Tôi vẫn thế thôi. Đợt này dịch bệnh xảy ra nên có nơi nhà thầu không cho công nhân đi làm. Do đó, việc mở rộng showroom phải đình chỉ một chút. Bình thường khi tìm được địa điểm, showroom nào phải đập phá, cấy dầm thì phải toàn thành sửa sang trong 25 ngày, các chỗ khác chỉ cần 2-3 tuần.

– Như thế thì hẳn làm nhân viên của chị rất là áp lực?

– Có anh trưởng phòng mới vào làm chia sẻ rằng trước làm bên ngân hàng nhàn quá nên chuyển sang đây. Ở Sohee, một người có thể kiêm 3-4 vị trí, bà chủ kiêm được 10 chức vụ thì nhân viên cũng có thể làm được. Kế toán trưởng kiêm cả trợ lý, người sản xuất kiêm được phòng mẫu.

Tôi đào tạo cho họ nền tảng để họ có thể làm được nhiều việc. Tôi là người khó tính nhưng khi đã làm việc cùng thì sau này họ đi bất cứ đâu cũng làm được việc. Tôi cũng là người khá cầu toàn, góp ý cho nhân viên từ bước đi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, thậm chí cả những vấn đề vệ sinh tế nhị vì điều đó sẽ tốt cho bản thân họ. Nếu ở với tôi mà hay tự ái thì không làm việc cùng được.

Tôi vẫn thường đích thân đi đào tạo tại các showroom, có hôm từ sáng đến trưa không kịp ăn gì lại đào tạo tiếp buổi chiều. Nhiều người chỉ nhìn thấy lúc mình ăn mặc đẹp, đâu biết những khi mình vất vả. Thành công đâu đơn giản, nhiều lúc tôi nghĩ chắc chỉ nhắm mắt đi ngủ thì đầu óc mới không phải làm việc, không suy nghĩ.

– 100% trang phục của chị đều là thiết kế của Sohee, thậm chí chị còn làm người mẫu cho nhiều bộ sưu tập của công ty. Chị không thích hàng hiệu sao?

– Tôi có mua hàng hiệu nhưng không mặc, khi thấy những bộ phom dáng đẹp tôi mua về để nghiên cứu. Về phom dáng tôi thích của Dior, Chanel. Quần áo thì 100% tôi dùng sản phẩm của Sohee, còn túi, giày, bông tai hay phụ kiện tôi vẫn dùng hàng hiệu.

– Cảm ơn chị!