“Muốn đi nhanh, phải đi từ từ” – bài học lớn dành cho các nhà khởi nghiệp
Số vốn 7 triệu USD huy động được từ series B cũng đã cạn kiệt. Các nhà đầu tư lần lượt ra đi, và Leflair không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nộp đơn xin phá sản vào tháng 5/2020.
Leflair đã từng là một mô hình start up được đánh giá cao tại Việt Nam từ những ngày đầu ra mắt vào năm 2015. Công ty này đã cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm hơn 2.500 nhãn hàng xa xỉ với giá rẻ.
Leflair vận hành theo mô hình bán hàng flash-sales, thu hút khách hàng mua các mặt hàng từ các thương hiệu cao cấp như Nike, Adidas, Daniel Wellington và Michael Kors với mức giảm giá tới 70%. Công ty này chọn lối đi riêng, tập trung vào các mặt hàng có thương hiệu giảm giá, nên hầu như không bị cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo.
Ngoài ra, Leflair còn vận hành trên mô hình ký gửi. Công ty thỏa thuận với nhà cung cấp để lại hàng hóa cho Leflair bán và nhà cung cấp nhận được một tỷ lệ phần trăm của doanh thu bán hàng. Mô hình này đảm bảo rằng Leflair không có hàng tồn kho.
Leflair phát triển một cách nhanh chóng tại Việt Nam, và lần lượt mở rộng hoạt động ra các thị trường như Singapore và Philippines sau đó. Chọn được một “con đường xanh” trong “đại dương đỏ”, những tưởng thương hiệu này sẽ không ngừng tăng trưởng thì bất ngờ đến đầu năm 2020, Loic Gautier – Giám đốc điều hành công ty – đã bị cảnh sát TP. Hồ Chí Minh triệu tập. Hàng loạt nhà cung ứng cho biết Leflair đang còn nợ tiền hàng hóa trị giá khoảng 6,5 tỷ đồng.
Leflair bắt đầu rơi vào khủng hoàng vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Cuối tháng 1 năm nay, Leflair đã giảm 25% đến 30% số lượng nhân viên tại Việt Nam và Philippines. Số vốn 7 triệu USD huy động được từ series B cũng đã cạn kiệt. Các nhà đầu tư lần lượt ra đi, và Leflair không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nộp đơn xin phá sản vào tháng 5-2020.
Bài học nào dành cho những nhà khởi nghiệp như Leflair?
1. Vì muốn đạt mục tiêu 40 triệu USD quá nhanh, tôi đã đầu tư hầu hết nguồn vốn hiện có để mở rộng thị trường càng nhanh càng tốt”, CEO của Leflair cho biết. Thương hiệu này chọn mặt bằng giá đắt đỏ, lương nhân viên rất cao để thu hút tài năng, đồng thời “đốt tiền” cho nhiều hoạt động tốn kém như: dịch vụ giao hàng DHL, chọn công ty Úc thay vì một công ty địa phương để xây dựng ứng dụng di động… Khi khủng hoảng kinh tế do Covid xảy đến bất ngờ ngoài dự tính, thì công ty không còn nguồn vốn dự trữ.
2. Leflair “đốt tiền” quảng cáo cho Facebook và Google và trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội trong việc xây dựng thương hiệu. “Facebook và Google giống như các loại thuốc kích thích hạng nặng, càng dùng nhiều càng bị phụ thuộc. Nó mang đến mức tăng trưởng 60%, để rồi chúng tôi phải tiếp tục sử dụng sau đó như một “con nghiện””, CEO của Leflair chia sẻ.
Ông Gautier rút ra kinh nghiệm “xương máu” trong việc xây dựng một thương hiệu đối với các startup cần phải kiên nhẫn, vì đây là hành trình nhiều năm chứ không phải một sớm một chiều. “Hãy tránh làm việc với Facebook và Google, vì đây không phải là những công cụ thần kỳ”, ông nói
3. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ bên ngoài cũng không phải chiếc phao cứu sinh. Các công ty khởi nghiệp như Leflair khi tăng vốn đầu tư mạo hiểm đều phải đối mặt với áp lực tăng trưởng. Kết quả là công ty phải đổ rất nhiều công sức và tiền bạc cho tiếp thị không bền vững. Theo Gautier, doanh nghiệp cần có những cuộc họp để thỏa thuận với các nhà đầu tư về khả năng phát triển kinh doanh, cũng là nơi chia sẻ với báo chí về giá trị của doanh nghiệp.