Quỹ đầu tư với startup: ‘Khi hai ta về chung một nhà’
Khác với các hình thức tài trợ và tín dụng, quỹ đầu tư sẽ đi cùng với DN, trở thành “người nhà” của doanh nghiệp để nhận diện ra con người, phát triển và sản sinh ra những giá trị cho doanh nghiệp.
‘Kết hôn” để cùng chăm sóc “đứa con” doanh nghiệp
Văn hóa sợ chia sẻ, sợ người khác “ăn cắp ý tưởng” khiến một số startup chỉ muốn quỹ “cho vay vốn” – điều này không phải là sứ mệnh của một quỹ đầu tư. Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Innovation Capital Management – viết tắt là ICM), khuyên các bạn trẻ cần phân biệt rất rõ một người muốn trở thành Boss và Entrepreneur.
Boss hướng đến của cải, trong khi Entrepreneur hướng đến giá trị. Boss ngồi trên vai mọi người để chỉ hướng, trong khi Leader như một thuyền trưởng dẫn dắt mọi người đi cùng mình, đưa đoàn thuyền đến một địa điểm mới. Vì vậy, nút thắt văn hóa là vô cùng quan trọng.
Trong hệ sinh thái tài chính có rất nhiều đối tượng vốn, duy chỉ có vốn cổ phần, vốn quỹ là loại hình phát triển. Bởi vì, sau khi nhà đầu tư vào thì họ sẽ định hình lại chiến lược của công ty, tăng cường năng lực điều hành và quản trị công ty, kết nối các giải pháp liên quan đến thị trường, công nghệ, bán hàng, marketing, v.v…, kể cả cấu trúc lại hoạt động tài chính để đảm bảo sự minh bạch.
Nhà đầu tư đi cùng với doanh nghiệp, trở thành người “cùng một nhà” và có trách nhiệm với phần vốn của họ. Vào doanh nghiệp, họ nhận diện ra con người, phát triển và sản sinh ra những giá trị. “Tạm gọi như một lần “kết hôn” – tức là nhà đầu tư và quỹ đi cùng với bạn thì không khác gì bạn kết hôn với họ để cùng chăm sóc “đứa con” kia”, ông Việt Đức giải thích về vai trò của quỹ đầu tư.
Ngược lại, để quỹ song hành cùng với startup sẽ đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng, và start-up cần san sẻ quyền điều hành với họ để trở thành một “gia đình”. Đó là quan niệm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tinh thần.
Ngoài vốn (tài chính), các startup còn kỳ vọng quỹ sẽ giúp họ lên chiến lược, vận hành, quản trị tài chính, công nghệ bán hàng. “Đây là điều mà quỹ hoàn toàn có thể hỗ trợ họ”, ông Việt Đức khẳng định.
“Chỉ cần có cụm từ “đã được quỹ đầu tư” thì ngay hôm sau doanh nghiệp đã bán hành rất nhanh, bởi quỹ có thương hiệu, kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực quản trị và tái cơ cấu”, ông Đức nói thêm.
Startup trong lĩnh vực ICT sẽ có sức hút lớn
Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, hành vi của người tiêu dùng theo đó cũng sẽ thay đổi. Trong thời gian giãn cách xã hội, tất cả sinh hoạt, đời thường, học tập, mua sắm, kinh tế, thương mại… đều phải giữ khoảng cách. Điều này là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành ICT, cung cấp công nghệ, thông tin, truyền thông bởi họ sẽ có sân chơi rất rộng để giải quyết câu chuyện trên.
Ngành thứ hai vừa là thách thức, vừa là cơ hội, đó là tạo ra những lợi thế mới dựa trên hạ tầng số để kết nối và tạo ra những chuỗi giá trị mới.
Ông Việt Đức cho biết, cơ hội này sẽ nằm ở một số người có khả năng tiếp cận được nguồn nông sản đầu vào, hay chuỗi giá trị, chuỗi phân phối, “họ sẽ có cơ hội để dẫn dắt kinh tế chuỗi, đồng thời sẽ gây áp lực đối với các doanh nghiệp từ chối lên chuỗi. Bởi khi không đủ năng lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp đó sẽ bị đào thải”
Vì vậy, “những startup nào tham gia đến những cấu phần có liên quan đến chuỗi giá trị sẽ là một ngành rất hấp dẫn”, ông Việt Đức nhận định.
Ví dụ, nếu có một nền tảng (platform) công nghệ để kết nối người nông dân, nhà cung cấp đầu vào cho nông dân như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kết nối thêm nhà thương mại, người dùng cuối tại hộ gia đình… thì người sở hữu chúng sẽ rất mạnh.
Đó là sức hấp dẫn khi chúng ta giảm các khâu trung gian, kết nối những đối tượng có lợi thế chủ động lựa chọn platform của mình, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại để tạo ra các giá trị mới.
Theo ông Việt Đức, nếu chúng ta vẫn giải quyết câu chuyện thu mua nông sản như cách làm cũ thì chưa đạt. Vì ít nhiều liên quan đến mảnh ghép rất cơ bản đầu vào là truy xuất nguồn gốc, không làm được điều này thì sẽ không thể tận dụng được cuộc chơi mà các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA đặt ra.
Hiện ICM đã đầu tư vào các dự án IOT, nông nghiệp công nghệ cao, F&B, Trí tuệ nhân tạo, giáo dục số, logistic số, công nghệ về mặt quảng cáo, định giá trung bình mỗi dự án vào khoảng 1 triệu USD. 40% các dự án này đến nay đã phát triển rất tốt, 60% dự án còn lại đang thay đổi mô hình kinh doanh.
Trong thời gian tới, quỹ này sẽ ưu tiên cho lĩnh vực ICT, nông nghệ công nghệ cao, công nghệ chuỗi, khối liên kết, và đã thành lập một hội đồng ICT để thẩm định.