Trong số 22 startup được định giá từ một tỷ USD vừa công bố, đa số là những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm hữu ích phòng chống Covid-19. 

Theo báo cáo từ hãng phân tích dữ liệu CB Insights, trong quý II – giai đoạn cao điểm của Covid-19, có 22 startup gia nhập bảng xếp hạng “kỳ lân” thế giới. Trong đó, có 5 công ty về phần mềm, một công ty về giáo dục trực tuyến. Ngành thương mại điện tử và phân tích dữ liệu cùng có thêm ba doanh nghiệp tỷ đô cho mỗi lĩnh vực. Cùng kỳ năm ngoái, các “kỳ lân” chủ yếu thuộc ngành công nghệ tài chính, logistics và du lịch.

ky-lan-2959-1596079350.jpg

Nhiều startup trở thành ‘kỳ lân’ nhờ cung cấp sản phẩm, dịch vụ hữu ích trong thời Covid-19.

Cũng theo CB Insights, đa số startup này cung cấp sản phẩm, dịch vụ hữu ích phục vụ người dân đối phó Covid-19. Chẳng hạn, chỉ trong tháng 4, nhờ phát triển một ứng dụng dựa trên nền tảng đám mây cho phép người dùng quản lý dự án từ xa, Figma (Mỹ) tăng trưởng thêm 50 triệu, nâng định giá công ty lên đến 2 tỷ USD.

“Khi lằn ranh giữa làm việc tại nhà và tại công sở ngày càng mờ trong đại dịch, chúng tôi đã bứt phá”, ông Dylan Field, CEO của Figma nói.

Công ty Beijing Calorie Technology (Trung Quốc) cung cấp ứng dụng về các video hướng dẫn tập thể dục và ăn kiêng đã cán mốc một tỷ USD trong tháng 5. Theo Beijing Calorie Technology, khi phải giãn cách tại nhà, nhu cầu tập thể dục tăng cao nên số lượng người dùng tăng mạnh và đang cán mốc 200 triệu tài khoản. Trong khi đó, nhờ dịch vụ giao thực phẩm tươi sống chỉ trong 29 phút, Dingdong Maicai (Trung Quốc) đã tăng trưởng nhanh chóng.

CB Insight cũng cho biết trong số các “kỳ lân” vừa được công bố, có đến 16 công ty thuộc Trung Quốc và Mỹ, trong đó 13 startup thuộc Mỹ và ba startup của Trung Quốc.