Khởi nghiệp nông nghiệp: Vườn lan tiền tỉ của chàng bộ đội xuất ngũ
Giữa đồi núi miền trung du ở Quảng Nam mọc lên một vườn lan rừng có giá trị hơn chục tỉ đồng khiến không ít người phải trầm trồ kinh ngạc mà chủ nhân của vườn lan ấy là chàng trai tuổi đời mới chỉ 25.
Ít ai biết cách đây bốn năm, hành trang khởi nghiệp của chàng bộ đội xuất ngũ Huỳnh Đức Tài (thôn 3, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là hai bàn tay trắng.
Về quê lập nghiệp
Con đường dẫn vào vườn lan rừng của Tài ngoằn ngoèo như chính cuộc đời Tài, nhưng phía cuối con đường lại là một thiên đường hoa lan với đủ loại đua nhau khoe sắc, hương thơm ngào ngạt. Học hết lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình và nhiều lý do khác, Tài nghỉ học đi làm thuê kiếm sống.
Năm 2014, lên đường phục vụ quân ngũ, đến đầu năm 2016 xuất ngũ, lại bôn ba làm thuê. Theo Tài, tự lập ngay từ nhỏ chính là bản tính của anh vì ba mẹ anh sống xa quê, anh phải tự bươn chải.
Tài học lái xe, lúc thì chạy xe đường dài, lúc lái xe múc thuê kiếm sống. “Hồi trước chạy xe đường dài, thấy họ bán lan rừng dọc đường, thích quá nên mua về trồng ở phòng trọ, riết rồi đâm ra đam mê” – Tài mở đầu chuyện bén duyên với lan rừng.
Ở trọ, Tài làm cho mình một vườn lan be bé, ngày chạy xe thuê, chiều tối về chăm, thấy lan rừng ngày có giá trị cao, anh cũng chăm “mát tay” nên vườn lan cứ thế phát triển, bán được kha khá nên quyết làm vườn lớn hơn.
Giữa năm 2017, Tài thuê mảnh đất 100m2 ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam trồng lan loại phổ thông như: Kiều tím, Quế Lan Hương, Kiếm Tiên Vũ, Nghinh Xuân…”Lúc này trong đầu đã le lói ý tưởng: lan rừng sẽ là thứ để khởi nghiệp cho cuộc đời mình vì thị trường rất sôi động” – Tài nói.
Sắp tới mình dự tính sẽ mua mảnh đất làm một điểm cà phê kết hợp du lịch, làm ao nuôi cá koi, ở trên treo lan rừng để mọi người đến check in, thưởng thức sắc đẹp mê mẩn của hoa lan, tạo điểm nhấn ở vùng trung du này và dự án này sẽ tốn tiền tỉ nhưng mình sẽ cố thực hiện.
Và anh nghĩ quê mình đất đồi trung du rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tại sao không về quê khởi nghiệp. Cuối năm 2017, Tài về quê huyện Tiên Phước với hành trang là hàng chục giò lan, tận dụng đất vườn của nội khoảng 1.000m2, Tài bắt đầu một hành trình mới.
Cứ mua trồng rồi chiết ra để bán rồi mua loại khác, lấy ngắn nuôi dài, rồi những lúc rảnh anh lại lặn lội lên rừng núi để tìm kiếm lan, dần dà cũng thành một vườn với số lượng đáng kể. Và anh rủ thêm hai người anh em trong họ cùng chăm sóc.
“Tốt nghiệp cao đẳng rồi Tài rủ mình phụ giúp việc ở vườn lan luôn. Cậu ấy bền chí lắm” – Huỳnh Đức Trung (29 tuổi, anh của Tài) nói.
Đầu tư vào dòng lan đột biến
Cuối năm 2018 thấy thị trường lan phi điệp đột biến đang rất sôi động, Tài rẽ hướng sang đầu tư loại cao cấp này, giá cao ngất ngưởng hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Rồi anh quyết định vay mượn người thân họ hàng, ngân hàng được số tiền 300 triệu đồng đầu tư.
Đầu năm 2019, Tài đầu tư giàn trại, mua từng khúc kie (là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ trên thân cây mẹ) các dòng lan đột biến như: phi điệp lá phát tài, phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, HO, Hồng Yên Thủy, Hồng K1.
“Mỗi kie chỉ ngắn chừng vài centimet mà có giá lên đến mấy triệu, hàng chục triệu đắt lắm, mua về chăm mà rất lo, sợ nó chết thì coi như mất trắng” – Tài tâm sự.
Chơi lan, ngoài đam mê, theo Tài phải là sự cần mẫn, tỉ mỉ để có những giò lan có dáng, lá đẹp, hoa nở đúng chuẩn. Chăm lan đột biến khổ nhất là khi nó bị bệnh.
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên có cây hư hỏng, có những chậu lan giá hàng chục triệu bị vi khuẩn phát tán qua gió khiến vàng lá, thối, chết. Lúc đó tiếc của lắm, rồi anh phải lặn lội vào vườn lan ở khắp các tỉnh trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Mỗi ngày anh phải ở trên giàn lan tận 15-16 giờ để quan sát, theo dõi cây lan sinh trưởng. Nhiều chậu lan bị côn trùng cắn, anh phải nằm trên giàn hàng giờ đồng hồ rình xem loại côn trùng gì, từ đó tìm ra cách khắc phục.
“Hay những con sên, ốc trên giá thể ở chậu, ban đêm bò lên cắn lá, đêm hôm mình phải thức trắng đêm để bắt chúng không cho ăn lá. Đầu tư vào lan khổ lắm, phải “trả học phí” nhiều chứ đâu có dễ ăn” – Tài nói.
Từ hơn 10 chậu lan đột biến ban đầu phát triển tốt, Tài học cách ươm kie cây con để bán kiếm lời.
Cứ thế lấy ngắn nuôi dài, khi bán lứa này xong anh mua giống những dòng lan cao cấp hơn. Đến bây giờ tài sản của anh có hơn 500 chậu lan đột biến lớn nhỏ (từ 5 cánh trắng Phú Thọ, HO, Hồng Yên Thủy, Bệt Lâm Tâm Như…) tổng giá trị trên thị trường hơn 10 tỉ đồng và hơn 10.000 chậu lan phi điệp thường với giá trị 5 tỉ đồng.
Nhẩm tính doanh thu năm 2019 từ việc bán lan đột biến, Tài bỏ túi hàng tỉ đồng. Rồi số tiền ấy anh lại tiếp tục mua giống mới, phát triển số lượng, đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng làm hệ thống giàn hai tầng, nước tưới, camera…
Hiện nay vườn lan của Tài được nhiều người trong giới chơi lan biết đến như một địa chỉ tin cậy giao dịch, mua lan. Mỗi lần giao dịch, thấp nhất 10 triệu đến 100 triệu, vài trăm triệu. Anh Lê Thanh Thủ (33 tuổi, quê Kon Tum) đến vườn Tài mua hai giò lan đột biến.
“Mình biết vườn Tài đã lâu, đến đây mua được hai lần. Mình tin con người thật thà, chịu khó cậu ấy nên yên tâm mua vì có nguồn gốc rõ ràng, hoa nở đúng chuẩn, được chăm sóc tốt. Điều đặc biệt Tài có uy tín cao trong giới chơi lan” – anh Thủ tâm sự.
Tài nói rằng, nếu không có sự cần mẫn, trì chí thì anh không thể có cơ ngơi đồ sộ như hôm nay. “Hãy theo đuổi đam mê bằng sự cần cù, dù có thất bại nhưng đừng bỏ cuộc mà phải kiên trì thì ắt sẽ đến thành công” – Tài chia sẻ đến những bạn trẻ muốn lập nghiệp bằng lan.
Sẻ chia
Năm nay, Tài lập Công ty Vườn Lan Rừng và anh làm giám đốc, công ty đã tạo công ăn việc làm cho 12 thanh niên ở địa phương, với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Khắc Chiến (34 tuổi, nhân công tại vườn) cho biết làm ở vườn được 2 năm nay, nhận mức lương 6,5 triệu đồng/tháng.
“Tài đối xử tốt với anh em nhân công, ngoài lương ra còn có thưởng dịp lễ tết” – anh Chiến nói.Với một cơ nghiệp đồ sộ mà bao người trẻ khao khát, Tài không chỉ sống riêng mình mà sẻ chia kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc lan cho những tín đồ chơi loại hoa này trên kênh YouTube Vườn lan rừng với 42.000 lượt đăng ký.