Ông Hùng Trương đã tạo dựng ra hiệu sách Khai Trí nổi tiếng, để lại những giá trị “tươi nguyên” về tinh thần khởi nghiệp và thành công trong nghề sách.

Khai Trí là tên mà giới kinh doanh sách ở Sài Gòn gọi ông Nguyễn Hùng Trương. Bằng tình yêu và niềm đam mê sách, ông Hùng Trương đã tạo dựng ra hiệu sách Khai Trí nổi tiếng, để lại những giá trị “tươi nguyên” về tinh thần khởi nghiệp và thành công trong nghề sách.

Khởi nguồn làm sách của Nguyễn Hùng Trương

Một cuốn sách đến tay người đọc là một quy trình của ngành kinh doanh xuất bản. Ở đó, có các khâu: Tổ chức biên tập và chịu trách nhiệm, in sách, và cuối cùng là bán sách. Trên thực tế, giới làm sách tư nhân cũng đang tham gia rất sâu vào cả ba khâu trong quy trình này và dù muốn dù không cũng phải thừa nhận rằng, họ chính là yếu tố năng động trong ngành kinh doanh xuất bản, dù họ chỉ được gọi với cái tên mơ hồ là “người làm sách liên kết”. Tuy nhiên, việc in ấn hay phát hành chính thức đều do các đơn vị quốc doanh do nhà nước lập ra và quản lý.

Trên thị trường, sách rõ ràng là một mặt hàng kinh doanh. Nhưng sách, xét một khía cạnh khác, còn là một phần khá quan trọng của bộ mặt văn hóa quốc gia. Thế nên những người kinh doanh sách, trước hết phải là một nhà hoạt động văn hóa hay ít nhất cũng là người có lòng yêu mến với nền văn hóa dân tộc. Cách nay hơn nửa thế kỷ, từng có một người Việt Nam đi vào ngành kinh doanh sách với một tấm lòng như vậy. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương, mà các nhà văn, nhà báo, những nhà soạn sách và đông đảo những thế hệ độc giả ở miền Nam vẫn quen gọi là “ông Khai Trí”.

Khởi nguồn của sự nghiệp làm sách của anh thanh niên Nguyễn Hùng Trương và sau này là ông Khai Trí, là một tình yêu sách. Ông sinh ở Thủ Đức, Gia Định. Những năm còn ngồi ở bậc tiểu học, cậu học trò tên Trương thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách. Cũng như bao đứa trẻ khác, ông rất mê các loại truyện cổ tích như: Tấm Cám, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình- Dương Lễ…Nhưng khác với những đứa trẻ khác sau khi đọc xong thường bỏ bê, cho tặng hoặc đổi chác, cậu bé Trương lại thận trọng giữ gìn từng cuốn sách một. Do vậy, lên đến trung học, ông đã là chủ sở hữu của một tủ sách không chỉ dồi dào về số lượng mà còn phong phú về chủng loại. Ông trở thành nguồn cung cấp sách đọc cho nhiều bạn bè, bà con thân thuộc, những người yêu thú đọc sách. Rời trường trung học Trương Vĩnh Ký, bước ra đời, dù phải vật lộn với cuộc mưu sinh, ông vẫn không nguôi tình yêu với sách. Vào thời đó, thị trường sách trong nước không đủ cho nhu cầu tìm hiểu của ông, nên ông viết thư qua các nhà xuất bản bên Pháp xin các thư mục xuất bản (catalogue) để theo dõi và đặt mua sách cho mình đọc. Theo thể lệ của các hiệu sách bên Pháp, nếu mua trên mười cuốn, khách hàng được hưởng 30% hoa hồng. Ông nảy ra sáng kiến, mỗi lần phát hiện ra một cuốn sách hay mà mình cần mua, trong nước lại không có, ông đi giới thiệu và thuyết phục thêm bảy người yêu sách như mình cùng đặt mua. Từ đó, chẳng những ông có được sách để đọc không tốn tiền mà còn dư được sách đem bán kiếm lời. Thời đó, việc nhập khẩu sách rất dễ: viết thư qua Pháp đặt mua, nhận hóa đơn, trả tiền qua bưu điện Sài Gòn. Dần dần ông mua được số lượng ngày một nhiều hơn, đem bán lại cho các nhà sách lớn nhỏ trong Sài Gòn. Thế là từ cái thú đọc sách, mê sách của mình, ông lại kiếm được tiền. Cứ thế ông cần mẫn đặt sách, mua sách, bỏ mối sách và vốn lũy ngày một nhiều hơn.

Và quan trọng hơn, là số vốn kiến thức tích lũy được từ việc đọc sách, chọn sách và kinh nghiệm làm sách của người Pháp, một quốc gia được xem là trung tâm sách của châu Âu và cả thế giới, tích góp kinh nghiệp cho bản thân ông ngày cũng một dày dặn hơn. Chính cái vốn này đã ấp ủ trong ông một ý nguyện mở một nhà sách, làm một người xuất bản sách quốc ngữ theo một cung cách hoàn toàn hiện đại. Như thế, ông vừa thỏa mãn được sở thích của mình, vừa có một cơ nghiệp vững chắc.

Nhà sách Khai Trí ra đời đem lại luồng gió mới

Trước thập niên 50 của thế kỷ trước, Sài Gòn và Gia Định có không tới mười nhà sách gồm có: Vĩnh Bảo, Mai Lĩnh, Mai Quang, Lê Phan… Hầu hết các nhà sách quốc văn này đều bán sách chung với văn phòng phẩm hoặc thuốc bắc, cao đơn hoàn tán, bởi nếu chỉ bán thuần mặt hàng sách, lợi tức không đủ sở phí. Sách thường bày trong các tủ kiếng hay kệ cao, khách hàng muốn xem qua phải nhờ nhân viên bán hàng lấy hộ. Mà cũng không thể xem lâu vì người bán đứng bên cạnh chờ khách quyết định mua hay không. Sách thường không được phân loại, nên người mua tìm một cuốn sách mất rất nhiều thời giờ. Cửa ra vào các hiệu sách thường thu hẹp kiểu các tiệm tạp hóa để dễ dàng kiểm soát khách hàng. Năm 1952 nhà sách Khai Trí ra đời tại số 60, đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) đã giới thiệu một cung cách kinh doanh sách hoàn toàn khác.

Chỉ trong chưa đầy chục năm trở lại đây, bạn đọc trẻ ở nước ta mới biết đến những cửa hàng sách tự chọn. Thực ra cung cách kinh doanh sách này đã được nhà sách Khai Trí đem đến cho người đọc ở Sài Gòn cách đây hơn năm mươi năm .

Tại nhà sách Khai Trí ngày đó, ở ngoài bước vào, khách hàng thấy ngay phía bên phải trưng bày những sách xuất bản ở nước ngoài; bên trái đối diện là những sách xuất bản trong nước. Mỗi kệ bày một loại sách. Người đọc sách vào xem hoặc mua đều hoàn toàn cảm thấy thoải mái . Nhân viên bán hàng đều là nữ, mặc đồng phục áo dài xanh dương, lúc nào cũng vui vẻ, ân cần nhưng không quá vồn vã, để khách hàng tự chọn lựa sách được bày biện một cách khoa học. Khách có thể đứng đọc sách hàng giờ hay cả buổi, tùy ý thích rồi đi ra, không mua gì thì cũng chẳng ai lấy làm phiền. Độc giả có thể đọc kỹ nội dung, thấy thích, thấy cần, tự đem ra quầy thu tiền ngoài cửa để nhân viên thủ quỹ tính tiền và gói lại đàng hoàng với loại giấy bao bì riêng biệt có in tên hiệu của nhà sách.

Khách hàng mua xong về nhà xem lại, thấy trong tủ sách mình đã có rồi hay những tài liệu trong ấy đã có sách khác nói tới rồi, có thể đem trở lại nhà sách vào ngày hôm sau để đổi lấy sách khác, hay nhận lại tiền. Nhà sách Khai Trí ngày ấy lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhân viên bán hàng theo dõi, dòm ngó đến người mua hay xem sách. Nhà sách có học sinh trong những buổi nghỉ học, làm nhiệm vụ kiểm soát “chìm”, trông nom một cách kín đáo, không để xảy ra mất mát, nhưng cũng không làm cho khách hàng mất tự nhiên khi chọn sách, đọc sách. Chủ nhà sách là một nhà yêu sách, mê nghề, yêu những người mua sách, xem họ là những người cùng một niềm đam mê, cùng sở thích với mình. Và ông đã truyền cái tinh thần ấy sang nhân viên của mình. Vào hiệu, bạn có thể trò chuyện hỏi han về sách với bất cứ nhân viên nào và lúc nào họ cũng vui vẻ, lịch sự, lễ phép, dù khách ra về không mua quyển nào.

“Hachette của Việt Nam”

Nhưng công việc đáng ghi nhận hơn của ông Nguyễn Hùng Trương không chỉ là việc tổ chức bán sách như đã nói. Nhà Khai Trí ngoài việc bán sách còn là một nhà làm sách, xuất bản sách. Sách xuất bản ở đây được lựa chọn kỹ càng, rất phong phú và đa dạng. Nhà Khai Trí dùng tiền lời những sách bán chạy để in những sách bán chậm nhưng có giá trị văn hóa cao, cần thiết cho người học, người đọc chuyên sâu, những nhà văn, những nhà biên khảo, nghiên cứu chuyên ngành như: từ điển, lịch sử, biên khảo, đặc biệt sách dành cho thiếu nhi in đẹp, giá rẻ, có nội dung giáo dục nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Về từ điển, nhà Khai Trí xuất bản rất nhiều loại: tiếng Việt, song ngữ, chính tả, y học, khoa học, pháp luật. . . Phần lớn được in thành nhiều cỡ, mỗi cỡ thích hợp cho mỗi đối tượng, mỗi điều kiện sử dụng, cũng như thích hợp với từng túi tiền của độc giả. Sách từ điển do Khai Trí xuất bản rất được những người sử dụng đương thời tín nhiệm. Có những cuốn cho đến nay vẫn còn nhiều người dùng vì sự chuẩn mực, phong phú và tiện dụng của nó, như cuốn Tân Tự Điển minh hoạ của Thanh Nghị. Về tự điển, Khai Trí được coi như là “Larousse của Việt Nam”, cũng như về mặt đa dạng của các loại sách, Khai Trí được ví như “Hachette của Việt Nam”.

Theo nhà văn Sơn Nam kể lại, thời ấy, những ngưới mới vào nghề văn, trong một lúc nào đó khi gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh, có thể mang đến ông Khai Trí bản thảo một tập thơ hay một tập truyện và sẽ được ứng trước một món tiền mà không cần biết quyển sách ấy chừng nào mới được in ra. Và có nhiều cuốn như thế mãi mãi không được in ra, nhưng cũng có cuốn từ đây được ra đời và làm nên danh tiếng cho tác giả. Cho đến bây giờ, có lẽ người viết văn vẫn còn mơ ước một đôi mắt xanh như thế, một tấm lòng thiết tha với văn chương như thế.

Ngoài làm sách, bán sách, ông Nguyễn Hùng Trương còn chủ trương một tờ tuần báo dành cho lứa tuổi mầm non của đất nước, đó là tờ Thiếu nhi. Chính ở đây cái tên thật của ông mới được xuất hiện trong một mục hàng tuần: Thư chủ nhiệm gửi các em thiếu nhi, nhắc nhở đạo đức tốt đẹp, tinh thần cần cù, kiên nhẫn, lịch sử hào hùng, ý chí quật cường, lòng yêu nước của tổ tiên ta. Qua đó ta thấy được tấm lòng thiết tha của ông với quê hương, với nền văn học nước nhà, với thế hệ tương lai của đất nước.