5 cơ hội và 4 thách thức với ngành công nghệ viễn thông trong thời kỳ “bình thường mới”
Vietnam Report vừa công bố Top 10 doanh nghiệp công nghệ uy tín năm 2020 và xu hướng của ngành công nghệ viễn thông trong thời kỳ “bình thường mới”.
Uy tín của các doanh nghiệp công nghệ được đánh giá lượng hóa một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding, khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghệ và được công bố theo 2 danh sách: Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông và Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2020.
Ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Năm 2019, ngành công nghiệp ICT được đánh giá là một ngành kinh tế quan trọng, có giá trị xuất khẩu cao với doanh thu ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, đóng góp hơn 14% tổng GDP và nộp ngân sách Nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành công nghệ thông tin cũng phải đối mặt với khó khăn về doanh thu/lợi nhuận, tuy nhiên dựa trên đặc thù của ngành, công nghệ thông tin vẫn được xem là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp ICT vẫn tạo được những điểm sáng. Tổng doanh thu công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD, chiếm 95% tổng doanh thu.
Để đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những sự thay đổi trong chiến lược quản trị và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cho thấy, cơ cấu chi phí, cơ cấu nguồn nhân lực và công tác quản trị rủi ro đang được xem là 3 ưu tiên chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua.
Trong năm 2020, mục tiêu tăng trưởng bình quân của ngành công nghệ thông tin – viễn thông được kỳ vọng đạt 10-15%/năm, tiếp tục là một trong những ngành nổi bật của Việt Nam. Đặc biệt, đầu năm 2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển thông tin và truyền thông khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G. Cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G mang thương hiệu “Make in Vietnam” diễn ra thành công vào tháng 1/2020 đã tạo đà cho việc thương mại hóa dịch vụ, thiết bị 5G vào cuối năm 2020.
Theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp công nghệ, có đến 73,7% doanh nghiệp trong ngành đánh giá thị trường ICT sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020, trong khi có 10,5% doanh nghiệp lạc quan ngành công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
5 cơ hội và 4 thách thức
Các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ trong khảo sát thực hiện tháng 6/2020 của Vietnam Report đã chỉ ra 5 cơ hội và 4 thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ sẽ đối mặt trong giai đoạn “bình thường mới”.
Thứ nhất,kinh tế Việt Nam đang “thích ứng” với giai đoạn “bình thường mới”.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, có tới khoảng 63,2% doanh nghiệp công nghệ tin tưởng việc kinh tế Việt Nam thích ứng trong giai đoạn bình thường mới là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai.
Thứ hai, làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á.
Căng thẳng chiến tranh thương mại – công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN. Khoảng cách về dòng vốn FDI vào Việt Nam và Trung Quốc càng thu hẹp, đặc biệt năm 2019, tỉ lệ nhà đầu tư chọn Việt Nam là 41% và Trung Quốc là 48%.
Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, bất động sản, bán buôn, bán lẻ… thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực (i) công nghệ thông tin, công nghệ cao; (ii) thiết bị điện tử, phụ kiện; (iii) logistics, thương mại điện tử…
58,9% doanh nghiệp công nghệ nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.
Thứ ba, Covid-19 đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên cả nước.
Đại dịch Covid-19 diễn ra, các sản phẩm công nghệ thông tin – viễn thông trở thành một trong những phương thức cứu cánh quan trọng hàng đầu trong công tác truy vết các ca bệnh, khắc phục những hạn chế trong thời gian giãn cách xã hội bằng những phần mềm học trực tuyến, thanh toán online…
Các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều tăng cường áp dụng những mô hình mới dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí.
Ngân hàng nhà nước đã trình lên Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tạo “cơ hội vàng” cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Thứ tư,Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử giữa Việt Nam và EU sẽ làm tăng các dự án hạ tầng phục vụ cho sự phát triển thương mại điện tử, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU và ngược lại.
Bên cạnh đó, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép đối tác EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một thời gian quá độ. Việc mở cửa cho thị trường viễn thông đối với doanh nghiệp EU sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Thứ năm,thử nghiệm mạng 5G thành công, thị trường viễn thông “nóng” trở lại.
Thị trường viễn thông sẽ chứng kiến những cuộc đua của các nhà mạng trong việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch vụ 5G được thương mại hóa vào cuối năm 2020.
Sự xuất hiện của các smart home, smart city kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng mạnh, điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước có cơ hội hợp tác, hoàn thiện hóa hệ thống tự động, nâng cao áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…
Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản cũng đang chuyển mình sang các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Bên cạnh những cơ hội nêu trên, ngành công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam vẫn được đánh giá là ngành công nghiệp non trẻ, kết quả khảo sát cung chỉ ra Top 4 khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rối loạn do chưa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, và thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước.
Dự báo xu hướng công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia
Dịch Covid-19 đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quyết liệt hơn trong mục tiêu thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn bình thường mới. Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp công nghệ cho rằng các xu hướng công nghệ trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số xu thế chính: Trí tuệ nhân tạo (AI); bảo mật dữ liệu; điện toán đám mây; IoT hứa hẹn sự bùng nổ khi mạng 5G thương mại hóa.
Trong bối cảnh “bình thường mới”, các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông cần tiếp tục phát huy sức mạnh, để vượt qua những khó khăn và nắm bắt những “cơ hội vàng” trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp công nghệ cho thấy Top 5 chiến lược ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”, đó là: (i) Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, (ii) Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, (iii) Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác, (iv) Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, và (v) Tăng cường hoạt động R&D.
Đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong khi thị trường công nghệ không ngừng đổi mới, vì vậy tỷ lệ các doanh nghiệp công nghệ mong muốn nhận được các gói trợ cấp, hỗ trợ từ phía Chính phủ và ngân hàng chiếm tới 63,2% ý kiến phản hồi của doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin khiến các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về nguồn vốn, vì vậy 53,6% các doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ nên khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) công nghệ số đổi mới, tạo cơ hội cho các hướng đi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường.
Không những vậy, việc nâng cấp hạ tầng số quốc gia (47,4%) tạo nền tảng nghiên cứu để phát triển các sản phẩm ICT trọng điểm, dẫn dắt công nghệ (42,1%) cũng là vấn đề hết sức cấp thiết.