Cục trưởng Cục Tin học hóa: Viet Solutions tìm kiếm giải pháp số giải quyết được những vấn đề của xã hội!
Theo ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Viet Solutions) tìm kiếm những giải pháp số giải quyết được những “nỗi đau của xã hội” và giúp họ thành công.
Viet Solutions có gì khác biệt so với các cuộc thi startup khác cũng là tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số?
Thứ nhất, cuộc thi này tìm kiếm những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội hiện nay, có thể gọi là những “nỗi đau” của xã hội, và dùng công nghệ số giải quyết.
Thứ hai, cuộc thi này tìm kiếm những giải pháp đã giải quyết được vấn đề, chứ không còn là tiềm năng, hay ý tưởng nữa. Các giải pháp đã giải quyết được vấn đề, có thị trường, chứng minh được thành công thực tế. Tuy nhiên, thị trường của các giải pháp này còn nhỏ so với tiềm năng và quy mô của nó. Nói cách khác, Viet Solutions tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện mới nổi, và thông qua cuộc thi để quảng bá, giúp giải pháp tiếp cận được đến một cộng đồng lớn hơn, có được thị trường lớn.
Thứ ba, ở cuộc thi Viet Solutions, khi giải pháp đã hoàn thiện và tốt rồi, cuộc thi hướng đến việc hỗ trợ giải pháp tiếp cận thị trường. Trước hết là thị trường nội địa, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, Viettel và một số doanh nghiệp Việt Nam cũng có sự hiện diện tại nhiều thị trường nước ngoài, nên các giải pháp còn có cơ hội đi ra quốc tế.
Sau đó, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông, những giải pháp hoàn thiện, có khả năng nhân rộng hoàn toàn có thể được triển khai trên hệ thống của các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn khác chứ không chỉ riêng Viettel.
Cuối cùng, bên cạnh việc chọn ra giải pháp hoàn thiện, giải quyết những vấn đề nhức nhối, giải thưởng cũng có một hội đồng tư vấn chuyên gia tốt. Họ là những nhà công nghệ, những học giả, những nhà quản lý có kinh nghiệm, cả trong và ngoài nước. Họ có thể tư vấn ngược lại cho đội ngũ phát triển giải pháp để họ hoàn thiện giải pháp của mình, sao cho Việt Nam có những nền tảng, giải pháp thực sự thành công.
Tại sao Viet Solutions lại lựa chọn tập trung vào các giải pháp đã hoàn thiện thay vì thúc đẩy ý tưởng hay, giải pháp còn ở dạng tiềm năng?
Thực ra, Việt Nam cũng có nhiều cuộc thi khác nhau. Có những cuộc thi dành cho ý tưởng hay, có những cuộc thi trao giải cho ý tưởng đã được cụ thể hóa thành giải pháp dạng thô, và cũng có những cuộc thi tôn vinh sản phẩm thực sự hoàn thiện, thống lĩnh thị trường. Chúng ta đã có hệ thống giải thưởng như vậy.
Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy một điểm còn thiếu ở đây. Nếu ở dạng ý tưởng thì giải pháp vẫn còn cách cuộc sống một đoạn. Nếu chỉ là bản sơ khai, khoảng cách đó có rút ngắn lại, nhưng chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Còn nếu giải pháp đã thành công, thống lĩnh thị trường, thì cũng đã có hệ thống giải thưởng khác tôn vinh.
Trong khi đó, chúng ta vẫn phải liên tục tìm kiếm cái mới, cái thay đổi và đó chính là điều Viet Solutions muốn làm. Nói cách khác, giải thưởng này hướng đến việc tìm kiếm những “ngôi sao” mới nổi và “kích” họ lên thành những “ngôi sao” thực sự. Từ đó, những giải pháp này sẽ có đóng góp tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số.
Cuộc thi này sẽ tác động đến sự tham gia của công chúng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia ra sao?
Chuyển đổi số là thay đổi từ không gian sống truyền thống lên không gian mạng. Và sự thay đổi đó, từ một không gian cũ lên không gian mới phụ thuộc nhiều vào việc người ta có chấp nhận cái mới hay không. Mà việc chấp nhận cái mới hay không lại phụ thuộc vào nhận thức. Như vậy, việc tổ chức cuộc thi này có thể coi là một giải pháp quan trọng tác động vào nhận thức của mọi người, để huy động sự tham gia của mọi người, chung tay giải quyết vấn đề của xã hội.
Việc tác động vào nhận thức thể hiện thông qua hai cách tiếp cận. Thứ nhất là đi tìm vấn đề nhức nhối, để mọi người nhìn thấy hiệu quả. Thứ hai, thông qua việc tổ chức cuộc thi này, chúng ta kêu gọi được mọi người, những người mới chung tay giải quyết những vấn đề mới.
Đây là một giải pháp tuyên truyền hết sức quan trọng, truyền thông qua hành động cụ thể để thay đổi nhận thức.
Khi làm việc với những doanh nghiệp có giải pháp công nghệ số tốt, được coi là “ngôi sao mới nổi”, ông thấy họ thiếu điều gì?
Họ thiếu thị trường. Ví dụ, một doanh nghiệp phát triển giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả rất tốt, 2.000 doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp của họ với chi phí thuê bao cho mỗi nhân viên chỉ 30.000 đồng/tháng. Tức là rẻ như điện nước, không phải đầu tư gì, cứ thế dùng.
Nhưng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay có tới hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động, thì có khoảng 10% sẵn sàng ứng dụng công nghệ, tức là 50.000 khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, thị trường hiện nay của doanh nghiệp nói trên mới có 2.000, tức là chỉ được 4% số khách hàng tiềm năng.
Thông qua cuộc thi này, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông, sự tham gia của các bộ ngành, phát hiện ra giải pháp và tôn vinh họ chính là cơ hội mở ra thị trường. Với các doanh nghiệp như vậy, khi có sản phẩm tốt rồi, để mở rộng thị trường, họ cần có niềm tin khách hàng. Nếu không có sự chủ trì của cơ quan nhà nước, tôn vinh họ thông qua giải thưởng chính thống như thế này thì để giành niềm tin của khách hàng sẽ phải trải qua một giai đoạn rất lâu.
Với việc tham gia Viet Solutions, các giải pháp của họ có cơ hội chinh phục khách hàng nhanh hơn.
Có rất nhiều giải thưởng khác, tại sao cộng đồng doanh nghiệp và người dùng lại đặt niềm tin vào Viet Solutions?
Viet Solutions là cuộc thi được bảo trợ bởi Bộ Thông tin Truyền thông, một cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bộ Thông tin Truyền thông có đầy đủ công cụ và tiêu chuẩn để đánh giá và công bố những nền tảng đáp ứng tiêu chuẩn.
Thứ hai, đây cũng là giải thưởng được đồng tổ chức bởi Cục Tin học hoá và Viettel -Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Viettel cũng đang có sự chuyển dịch lớn, từ nhà khai thác cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành doanh nghiệp công nghệ số, sở hữu công nghệ lõi.
Chúng tôi hy vọng, sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng chuyên gia, những nhà quản lý công nghệ có tầm vóc trong và ngoài nước, sẽ tạo nên uy tín của giải thưởng.
Cuộc thi năm trước cũng đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 giải pháp hoàn thiện từ 18 quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, vai trò của các tập đoàn lớn và các startup sẽ có gì liên quan đến nhau?
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định ra 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số trọng tâm, với những vai trò khác nhau.
Thứ nhất là những tập đoàn thương mại lớn, có tiềm lực tài chính, có thị trường. Ví dụ như Vingroup, nay chuyển sang thành tập đoàn công nghệ. Thứ hai là những doanh nghiệp công nghệ thông tin có bề dày truyền thống. Nếu như trước đây họ là nhà khai thác dịch vụ, đi gia công thì nay chuyển sang làm chủ công nghệ lõi, như Viettel, FPT, CMC…
Thứ ba là những doanh nghiệp tư vấn công nghệ. Họ sẽ là người mang công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống như việc tư vấn triển khai dịch vụ số cho bà con nông dân, làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào chọn giống, truy xuất nguồn gốc, làm thế nào để nuôi tôm, phát triển nông nghiệp thông minh….
Cuối cùng là các startup công nghệ. Đó là 4 loại hình doanh nghiệp đang được tập trung phát triển. Chúng ta không cần quá nhiều doanh nghiệp loại thứ nhất và thứ hai vì những doanh nghiệp có tiềm lực và làm chủ được công nghệ lõi thì ít thôi. Nhưng ta rất cần doanh nghiệp loại thứ ba chuyên tư vấn giúp cộng đồng triển khai công nghệ. Và ta cũng cần nhiều startup thành công, tuy nhiên startup thì còn gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp loại thứ nhất và thứ hai sẽ “kéo” loại thứ ba và thứ tư, tạo thành một hệ sinh thái.
Khi thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia với 4 loại hình doanh nghiệp nói trên, ngoài vấn đề thị trường như ông đã đề cập phía trên, ông còn thấy khó khăn gì khác với các doanh nghiệp Việt?
Một doanh nghiệp nước ngoài như Microsoft, Google, Facebook hoàn toàn có năng lực tài chính để phát triển đầy đủ hệ sinh thái chuyển đổi số, nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ khó. Vì thế, chúng ta phải đoàn kết với nhau.
Như các cụ xưa có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”. Ngày nay, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề lớn là cung cấp một hệ sinh thái đầy đủ, trong đó họ dùng sản phẩm của nhau.
Từ đó chúng ta sẽ hình thành một mạng lưới, liên minh doanh nghiệp công nghệ số để phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số đầy đủ cho Việt Nam – điều mà một doanh nghiệp Việt Nam khó có tiềm lực để làm đầy đủ.
Khi quan sát câu chuyện của những doanh nghiệp, startup nhỏ có ý tưởng hay nhưng không đi được đến đâu, ông có thể chia sẻ bài học gì với họ?
Bài học là thất bại là điều khó tránh với startup. Thậm chí, họ có thể sẽ phải thất bại đến đồng xu cuối cùng của mình thì may ra mới thành công. Startup cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận thất bại. Chuyển đổi số là một quá trình đau khổ. Quá trình chuyển đổi số, hay startup, cũng giống như quá trình một con ngài thoát ra khỏi kén để thành một con bướm. Quá trình thoát ra khỏi cái kén đó rất đau đớn, toàn thân con ngài bị rướm máu thì mới có thể thành con bướm đẹp để bay lên. “Chẳng có chặng đường nào trải bước trên hoa hồng mà bàn chân không thấm đau trên những mũi gai” cả.
Cảm ơn ông!