Liên tục mở rộng hệ sinh thái, chiếm lĩnh và mở ra các thị trường mới được xem là mục tiêu chung của các siêu ứng dụng ở thời điểm hiện tại.

Tại các thành phố lớn, từ hẻm nhỏ ra tới các trung tâm thương mại sầm uất, chỉ cần một chiếc smartphone kết nối Internet và một vài thao tác, dù là nhu cầu gì bạn cũng dễ dàng được đáp ứng. Gọi xe, thanh toán, giao đồ ăn… đều đã trở thành thói quen hàng ngày của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam.

Đó có thể là Grab, Be, Baemin, Gojek hay Now, Loship, hoặc bất kì một cái tên nào khác… Không quan trọng là bạn đang sử dụng những dịch vụ nào, nhưng tựu chung lại, bạn đã vô tình trở thành một phần trong hệ sinh thái siêu ứng dụng – một thị trường bùng nổ và tiềm năng bậc nhất ở Đông Nam Á thời điểm hiện tại.

Báo cáo e-Conomy SEA 2019 công bố bởi Google và Temasek cho thấy, nền kinh tế số Việt Nam ước tính giá trị đạt 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 38% trong 5 năm trở lại đây. Dự kiến, tới năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD, tăng trưởng 29%/năm, vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, trụ cột của nền kinh tế số theo Google và Temasek xoay quanh 4 lĩnh vực chính là: thương mại điện tử; gọi xe – giao hàng – giao đồ ăn; truyền thông – quảng cáo; và du lịch trực tuyến. Đây đồng thời cũng là 4 lĩnh vực đang được các siêu ứng dụng tại Việt Nam chạy đua quyết liệt.

Sở hữu tốc độ tăng trưởng chóng mặt nhất chính là gọi xe – giao hàng – giao đồ ăn. Quy mô của thị trường này tại Việt Nam đã lên tới 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 57% – cao nhất ở Đông Nam Á. Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm.

Điểm chung của các siêu ứng dụng này, đó là đều có xuất phát điểm từ một dịch vụ đơn lẻ, sau đó liên tục thử nghiệm và tung ra ngày một nhiều tiện ích hơn. Trong đó, người tài xế công nghệ chính là trung tâm của các siêu ứng dụng.

“Thời điểm Loship ra mắt, chưa ai trong số chúng tôi nghĩ đến một nền tảng thương mại điện tử đa dịch vụ. Chỉ tới khi tôi nhìn vào một anh tài xế, anh ấy vốn chỉ giao đồ ăn, nhưng anh ấy hoàn toàn có thể giao cục xà phòng, giao kí thịt sạch, hay giao một bộ đồ đã được giặt ủi. Bản chất ở đây là cùng hành động giao hàng, anh tài xế hoàn toàn có thể làm nhiều việc hơn”, Nguyễn Hoàng Trung – Nhà sáng lập & CEO Loship chia sẻ.

Dù tham gia vào thị trường giao đồ ăn muộn hơn các đối thủ, Loship nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nhờ am hiểu “tính bản địa”. Công ty ghi điểm với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ. Ngoài ra, Loship còn có các dịch vụ như: giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.

Tương tự như vậy, từ một ứng dụng gọi xe máy, ôtô đơn thuần, Grab thể hiện tham vọng “siêu ứng dụng” khi tung ra hàng loạt các dịch vụ, tiện ích như: thanh toán, thu hộ, chi hộ, giao hàng, giao đồ ăn… Nhờ nguồn vốn dồi dào, Grab Việt Nam quy tụ gần 200.000 tài xế, trước đó tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Gojek Việt Nam có mô hình hoạt động tương tự, nhưng yếu thế hơn Grab vì ra đời sau. Gojek cũng từng chật vật với vấn đề nhân sự khi từng 2 lần phải thay CEO. Tất nhiên, công ty cũng cho thấy một số nỗ lực nhất định khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hợp tác với những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn như Sơn Tùng M-TP…

Be Group mặc dù không tham gia vào thị trường giao đồ ăn như Grab hay Gojek, nhưng startup Việt tập trung khá nhiều vào hoạt động vận tải và giao hàng. Thời gian gần đây, mảng giao hàng của Be tăng trưởng mạnh, với 60.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành 53 triệu chuyến xe beBike và beCar.

Mở rộng hệ sinh thái thời Covid-19

Liên tục mở rộng hệ sinh thái, chiếm lĩnh và mở ra các thị trường mới được xem là mục tiêu chung của các siêu ứng dụng ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, trong đại dịch Covid-19, Grab, Be đều tung ra các ứng dụng đi chợ hộ, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân, vừa đảm bảo giãn cách xã hội.

Grab Việt Nam triển khai dịch vụ đi chợ hộ GrabMart. Sau khoảng 4 tháng triển khai, lượng đơn hàng bình quân hằng ngày và số lượng đối tác trên GrabMart tăng hơn 10 lần. Đại diện Grab cho rằng, kết quả đạt được nhờ mạng lưới đối tác kinh doanh liên tục được mở rộng, cùng với ưu thế về lực lượng đối tác tài xế đông đảo.

Về phía Be Group, dịch vụ mua hộ hàng hoá be Đi Chợ và dịch vụ giao hàng beDelivery được đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ phần nào nhu cầu thiết yếu của khách hàng. Đại diện Be Group cho biết, dịch vụ beDelivery tăng trưởng 200% so với thông thường. Đặc biệt, dịch vụ be Đi Chợ dù mới ra mắt nhưng mỗi tuần vẫn tăng trưởng theo cấp số nhân.

Trong khi đó, Loship tập trung chinh phục thị trường bán sỉ cho các cửa hàng ăn uống – Lo-supply. Startup này tận dụng công nghệ, mạng lưới tài xế và tập đối tác cửa hàng để phát triển thị phần của mình trong lĩnh vực cung ứng sỉ.

Theo đó, Lo-supply nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, loại bỏ mọi khâu trung gian rườm rà làm đội giá sản phẩm, từ đó đảm bảo giá cả cạnh tranh nhất có thể. Khách hàng mục tiêu của Lo-supply là những cửa hàng kinh doanh ăn uống có mặt trên Loship.

“Bán sỉ cho các cửa hàng ăn uống được xem là một thị trường lớn. Giao đồ ăn càng phát triển thì cung ứng bán sỉ càng phát triển. Nếu giao đồ ăn kiếm được 10 đồng, thì bán sỉ kiếm được 3 đồng. Bài toán này thực chất đã có từ lâu, nhưng chưa có ai số hóa và gom nhu cầu của nhiều chủ cửa hàng thành một”, CEO Loship nhận định.

Vị CEO cho rằng, không doanh nghiệp nào có thể ngồi tự nghĩ ra hệ sinh thái. Mà nó phải xuất phát từ chính nhu cầu của khách hàng. Và điều này chỉ đạt được khi doanh nghiệp liên tục thay đổi, cải thiện, đồng nghĩa sản phẩm, dịch vụ sẽ dần được hoàn thiện hơn.

Theo The Leader