Phần yếu nhất của nhiều start-up khi gọi vốn là thiếu kế hoạch kinh doanh, dự kiến số tiền mình cần và định giá start-up của mình là bao nhiêu.

‘Gọi vốn’, luôn là chủ đề nóng được các start-up quan tâm, đó là bước quan trọng để start-up duy trì hoạt động, quyết định quy mô sản xuất và lợi nhuận. Phóng viên Tạp chí Khám phá đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Innovation Capital Management – viết tắt là ICM) về việc tháo gỡ những khó khăn của start-up trong hành trình gọi vốn. ICM là đơn vị đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong mọi lĩnh vực kinh doanh thì việc gọi vốn được coi là “nút thắt” của tăng trưởng, vậy start-up cần những điều kiện gì để có thể nhận đầu tư trực tiếp từ ICM?

Không hẳn gọi là điều kiện, tuy nhiên, phía nhà đầu tư và quản lý quỹ mong muốn lựa chọn được start-up có một số điểm sáng trong so sánh với các start-up khác.

Khi đến các phễu start-up thông qua các cuộc thi như TECHFEST, Viet Chalenge, các cuộc thi ở địa phương, vườn ươm, tôi nhìn thấy một thực tế là tính chất đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái start-up vẫn còn ít. Dù đích đến của hệ sinh thái là khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng có lẽ hầu hết, đặc biệt là ở các tỉnh, thì mới chỉ có chữ đầu – vế “khởi nghiệp”, còn vế “đổi mới sáng tạo” thì hầu như không có.

Vì vậy mà chúng tôi chuyển sang tìm kiếm các founder có “innovation mindset”, tức là có tư tưởng đổi mới sáng tạo, thay vì các bạn đã có một mô hình start-up nào đấy. “Innovation mindset” gần như là một tiêu chí và cũng là thực tế của thị trường khi các start-up tròn trịa chưa nhiều. Do đó, quỹ phải tiến hành thông qua việc tập trung nhiều hơn cho vấn đề con người.

Chúng tôi thường tìm các đội nhóm founder có khả năng tạo ra một mô hình kinh doanh tốt và đổi mới sáng tạo. Nếu như cách đây vài năm các các bạn thường khởi nghiệp một mình, nhưng giờ các bạn có xu hướng lập một đội nhóm founder. Vì vậy, quỹ sẽ đánh giá, thẩm định chất lượng của đội founder. Đó là tiêu chí đầu tiên – chất lượng founder.

Tiêu chí thứ hai là mô hình kinh doanh có yếu tố đổi mới sáng tạo và có sự khác biệt. Quỹ đánh giá mô hình kinh doanh hiệu quả ở chỗ có sự đầu tư bài bản về hiểu biết và lắng nghe thị trường, tìm ra ngách thị trường, tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề thị trường đang cần.

Thực tế là rất nhiều start-up khởi nghiệp không bài bản, trong khi các nhà đầu tư hầu như chỉ có thể hiểu được start-up bằng việc đọc mô hình kinh doanh của các bạn.

Ngay cả những bạn đã vào vòng chung kết tại các cuộc thi, nhưng không phải 100% những bạn ấy đã biết đến khái niệm mô hình kinh doanh.

Trong khi đó, chúng tôi có một quan niệm rất rõ ràng rằng sản phẩm chỉ là một phần nổi và phần thân xác của công ty, nhưng mô hình kinh doanh mới là linh hồn của công ty. Cùng một sản phẩm, song mô hình kinh doanh khác nhau thì yếu tố bền vững và khả năng phát triển của doanh nghiệp sẽ rất khác nhau.

Ví dụ cùng là điện thoại di động, nhưng mô hình kinh doanh trước đó của Nokia không có định hướng liên quan đến smartphone, mà chỉ tập trung nghe và gọi. Kết quả là sau một thời gian ngắn họ bị đào thải.

Khi smartphone ra đời, điện thoại di động hướng đến người dùng hơn, tạo ra sự tiện lợi cho người dùng hơn. Dù vẫn là sản phẩm để nghe và gọi, nhưng cách thức mà họ lựa chọn giá trị trong đó rất khác nhau – đó là nằm trong mô hình kinh doanh.

Hay trong cuộc chơi giữa Apple và Android, Samsung cũng vậy. Họ hiểu rằng khi tấn công vào ngôn ngữ máy nền tảng phát triển cho người dùng thông qua kho ứng dụng là đã định hình những mô hình kinh doanh smartphone rất khác nhau.

Nếu các bạn start-up chịu tìm hiểu những doanh nghiệp đã phát triển, hay môi trường start-up đã phát triển trước chúng ta hàng chục năm, sẽ thấy yếu tố mà họ rất chú trọng đó là một mô hình kinh doanh khác biệt.

Yếu tố thứ 3 là lợi thế cạnh tranh. Khi các bạn có mô hình kinh doanh tương đồng thì một trong các điều kiện đặt ra là các bạn có lợi thế gì hay không.

Lợi thế ấy xuất phát từ rất nhiều thành tố trong mô hình của start-up. Ví dụ như lợi thế về mặt nhân sự, các start-up cùng khởi nghiệp dự án tạo phần mềm đặt xe, nhưng một nhóm có người từng làm giám đốc trong một công ty công nghệ của Pháp thì rõ ràng lợi thế cạnh tranh sẽ khác nhau. Vì vậy, yếu tố mà chúng tôi đặt ra là các bạn có lợi thế gì so với những người khác hay không, bạn đã có kinh nghiệm, trải nghiệm, đã xây dựng một cái tương tự hay chưa.

Mô hình giống nhau, ý tưởng giống nhau, đội ngũ cũng có chất lượng tương đồng, nhưng đội kia có một lợi thế bật lên thì sẽ được chọn.

Trường hợp thứ hai là các start-up khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Các bạn đều là những founder tốt, tầm nhìn tốt, nhưng trong đội kia có cố vấn là hiệu phó của trường Đại học Nông Lâm thì đội này sẽ khác biệt hẳn so với các đội còn lại. Bởi vì họ được định hướng, được bày cho cách làm và khởi nghiệp một cách khoa học, hàm lượng công nghệ ở ngay trong sản phẩm, chứ không bay bổng và thiếu thực tế.

Các bạn đã tham gia chương trình ươm tạo tại một vườn ươm nào đó cũng cho thấy nhóm của bạn khác biệt hẳn so với những đội nhóm chưa được ươm tạo bao giờ.

Các start-up cần chuẩn bị những gì để tiếp cận Quỹ ICM, thưa ông?

Có nhiều cách để các dự án tiếp cận được Quỹ, tuy nhiên tôi có thể gói gọn trong 3 kênh dưới đây:

Thứ nhất là thông qua các cuộc thi từ Quỹ. Đối với những cuộc thi như vậy thì chúng tôi có yêu cầu hồ sơ rất đầy đủ, như: thông tin về pháp nhân; đội ngũ sáng lập nếu chưa có pháp nhân (năm thành lập, đội nhóm đã làm việc với nhau từ lúc nào, gồm những ai…); mô hình kinh doanh của bạn là gì; trường hợp các bạn đã là dự án và đã thành lập công ty rồi thì kết quả đạt được ban đầu là gì.

Kết quả ban đầu này thể hiện ở rất nhiều thứ, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thì các bạn đã đưa đến tay bao nhiêu người dùng rồi, các bạn có những ứng dựng cho loại smartphone nào. Không nhất thiết phải tạo ra tiền hay chưa, mà quan trọng là đã phục vụ cho bao nhiêu người, các bạn đã cung cấp sản phẩm ấy qua những kênh nào, bán hàng qua đâu, đã giành được giải thưởng nào…; kế hoạch kinh doanh và phương án kinh doanh trong 3 năm tiếp theo là gì; các bạn muốn gọi bao nhiêu tiền và muốn đổi bao nhiêu phần trăm cổ phần.(*)

Kênh thứ hai là thông qua cuộc thi từ các chương trình khởi nghiệp quốc gia, như TECHFEST hay Đổi mới sáng tạo ở các tỉnh. Chúng tôi sẽ yêu cầu các bạn gửi một bài Pitch Deck, tạm dịch là “Bản thuyết trình gọi vốn” từ 9-10 trang, để giới thiệu sơ bộ về bạn, làm thế nào để nhà đầu quan tâm đến bạn

Chúng tôi xem Pitch Deck này là “món khai vị” cho một hành trình gọi vốn. Chủ trương của chúng tôi rất rõ ràng là đã khai vị thì không cần phức tạp, nhưng làm cho nhà đầu tư thấy được bạn biết nấu ăn và chúng ta có thể ăn thêm những món tiếp theo cùng với nhau.

Sau phần Pitch Deck này là phần thẩm định hồ sơ chi tiết gồm 4 bước trên (*).

Trong các cuộc thi, Pitch Deck thường là phần giới thiệu 5 phút về start-up, trong 5 phút đó bạn phải thuyết phục nhà đầu tư rằng đây là một dự án đáng để đầu tư.

Kênh thứ ba là thông qua các vườn ươm. Thường các vườn ươm sẽ gửi các dự án cho Quỹ khi thấy dự án đó có tiềm năng phát triển và phù hợp với “khẩu vị”của Quỹ. Trong trường hợp này thì Quỹ cũng yêu cầu bài Pitch Deck, thông tin về pháp nhân và kết quả ban đầu.

Thưa ông, sau khi thẩm định rất nhiều hồ sơ của start-up gửi đến, ông nhận thấy đâu là phần mà các bạn yếu nhất và cần hỗ trợ nhiều nhất?

Phần yếu nhất của các bạn là kế hoạch kinh doanh, dự kiến số tiền mình cần và định giá start-up của mình là bao nhiêu.

Các bạn không biết cách định giá vì thường không xuất phát trong lĩnh vực tài chính. Các bạn chỉ biết mình cần vốn, càng nhiều càng tốt, mà không biết mình cần cụ thể bao nhiêu tiền. Các bạn cũng không biết yêu cầu vốn như vậy thì sẽ đổi bao nhiêu phần trăm cổ phần. Vì vậy, hầu như phần này là trách nhiệm của bên ươm tạo để các bạn có định hướng về việc mình sẽ dùng tiền vào việc gì và đổi lấy bao nhiêu phần trăm cổ phần.

Tôi không phủ nhận có một số start-up có yếu tố nước ngoài. Các bạn đã đi học ở nước ngoài về, sống trong môi trường khởi nghiệp ở một số nước, hoặc từng làm việc trong những tập đoàn lớn thì họ rất bài bản trong những việc này. Bởi ngay từ đầu họ đã có mentor là các giám đốc tài chính, mentor có kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá… Nhưng có đến 99,9% còn lại thì các bạn không trả lời được câu hỏi này.

Trong kế hoạch kinh doanh, các bạn cũng không giải quyết được bài toán để đạt được một kết quả doanh thu như vậy thì các bạn cần chi vào những việc gì, đầu tư vào những kênh nào, đối tượng nào, marketing, xây dựng kênh phân phối, xây dựng đại lý….

Cho nên, tôi vẫn thường đùa với các bạn rằng nếu ngày mai chúng tôi đưa cho các bạn 10 tỷ thì có thế các bạn sẽ không biết tiêu gì. Thiếu vốn, nhưng cái đầu tiên mà các bạn thực sự thiếu là không biết thiếu cho việc gì.

Xin cảm ơn ông!

Minh Giang