Quyết đoán như Jeff Bezos để đưa một startup tiến nhanh hơn
Phần lớn các CEO của những công ty khởi nghiệp đều đau đầu nghĩ cách tận dụng thời gian tốt hơn và luôn ước có hơn 168 tiếng một tuần. Tuy vậy, những thói quen đơn giản hơn dưới đây có thể áp dụng để giúp bạn giải quyết bài toán về thời gian.
Đưa ra quyết định nhanh hơn
Khi bắt đầu kinh doanh, các nhà sáng lập và CEO thường phải đối mặt với vô số quyết định. Có nên thuê người này cho vị trí quan trọng của công ty hay tiếp tục tìm kiếm? Liệu lộ trình sản phẩm có đang đi đúng hướng hay không?
Mặc dù dễ phản ứng với những điều không chắc chắn này bằng cách chờ thêm dữ liệu, các CEO cần lưu ý sự thật rằng tính quyết đoán là một kỹ năng điều hành vô cùng quan trọng. Bạn càng ra quyết định nhanh, bạn càng lãnh đạo hiệu quả.
Jeff Bezos, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Amazon đồng ý với quan điểm này.
“Hầu hết các quyết định nên được đưa ra khi có khoảng 70% thông tin mà bạn mong muốn”, ông viết trong bản báo cáo thường niên năm 2017.
“Nếu bạn chờ đợi có được 90% thông tin, trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể đang hành động quá chậm”, ông nói thêm, và “Quyết định sai lầm có thể ít gây tốn kém hơn bạn nghĩ, trong khi quyết định chậm chạp chắc chắn sẽ rất tốn kém”.
Vì vậy, các CEO hãy thực hành ra các quyết định nhỏ dựa trên những dữ liệu chưa đầy đủ, và đặt thời hạn nghiêm ngặt khi quyết định việc gì đó. Đồng thời, hãy cho nhóm cùng làm việc biết mình đang làm gì và rằng các bạn có thể sửa sai. Nếu bạn thay đổi quyết định, hãy thông báo rõ ràng vì sao bạn làm như vậy. Bạn có thể đưa ra nhiều quyết định sai lầm hơn, nhưng nhờ đó công ty của bạn sẽ phát triển nhanh hơn, và đây cũng được coi là cách tốt nhất để đảm bảo thành công cho các công ty khởi nghiệp.
Chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn
Một ngày của các CEO luôn ngập trong các cuộc họp và cuộc gọi đầy thách thức, ví dụ như khi nhà cung cấp và khách hàng quá cứng rắn trong đàm phán. Nếu bạn ngạc nhiên với điều này và hành động bốc đồng, thì hoặc bạn có thể khiến căng thẳng leo thang một cách không mong muốn, hoặc bạn phải tự tìm cách để nhượng bộ các bên.
Nhưng nếu có kế hoạch trước cho những tình huống này, bạn có thể xử lý chúng theo cách mang tính xây dựng hơn. Vì vậy, hãy dành thời gian suy nghĩ về những ngày sắp tới hoặc tuần làm việc tiếp theo. Chắc chắn là bạn có thể dự đoán trước nhiều kịch bản sẽ diễn ra trong các cuộc họp tới. Ai có thể khiến bạn gặp khó khăn? Họ có thể nói gì? Bạn sẽ đáp lại họ ra sao?
Lập kế hoạch có hệ thống cho các tình huống tương tác khó khăn và phức tạp sẽ giúp bạn phản ứng khéo léo ngay lập tức, thay vì tiếc nuối khi chỉ tìm ra giải pháp hoàn hảo khi sự đã rồi.
Lên lịch làm việc cho các dự án chiến lược quan trọng
Thật khó để dành thời gian cho việc hoạch định tầm nhìn và chiến lược trong những năm tới hay cải thiện cách giao tiếp với nhóm làm việc khi bạn vừa phải tuyển dụng nhân viên, chốt hợp đồng mới, và xử lý vô số email cùng một lúc. Tuy vậy, với vai trò của một CEO, đưa ra tầm nhìn và chiến lược hoạt động lại là giá trị cao nhất của bạn.
Do đó, cách tốt nhất để đảm bảo bạn hoàn thành các dự án dài hạn và công việc đòi hỏi tư duy sâu sắc là sắp xếp chúng sẵn trong lịch làm việc, và lập kế hoạch hoạt động cụ thể để cân đối thời gian dành cho chúng với các công việc khác. Điều này sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian và đảm bảo rằng bạn đang dành ưu tiên cho những việc quan trọng nhất.
Lam Vy (Inc)