“Startup công nghệ” không còn là “Giấc mơ màu hồng”?
Cách đây nhiều năm, mình có quen một anh Founder với triết lý kinh doanh luôn là “sự cân nhắc”. Anh chỉ làm những sản phẩm/dịch vụ tạo giá trị thực, thay vì “chạy” theo xu hướng / trào lưu. Thời đó, trong khi nhiều Start-up mải mê chạy theo “vốn triệu USD” thì anh cần mẫn tìm từng ngách thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân sự. Đến nay là năm thứ 7 anh kinh doanh và công ty anh vẫn rất ổn, “gia tốc” phát triển càng ngày càng tăng – phát triển đến đâu chắc đến đấy và vẫn theo sát triết lý “Lean Startup” – giảm tối thiểu những chi phí đầu tư không hiệu quả.
Một Founder khác chia sẻ với mình triết lý “Sống thực tế” của anh khi Start-up. Anh chia sẻ rằng, thực tế hệ sinh thái Start-up ở Việt Nam dù đã hội nhập với nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Ở các quốc gia lớn như Mỹ, Start-up được nuôi gần như “công nghiệp”, nghĩa là luôn có một hệ thống gieo hạt, ươm mầm và thu hoạch, quản lý đầu ra – đầu vào để các dự án có khả năng mua / bán, chuyển nhượng, tăng giá và có lợi nhuận. Ngược lại, ở Việt Nam, khó có thể nghĩ đến chuyện làm Start-up chỉ để bán. Vì vậy, bản thân Start-up đó phải có một mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận ổn định.
Nhiều năm trước, truyền thông thường nói về Start-up như một bức tranh đầy cảm hứng và mang nhiều màu sắc thần kỳ. Trong đó, những “công ty tỷ đô” được gọi là “Kỳ lân” đã thể hiện một phần nào điều đó. Đứng sau hàng loạt Start-up tỷ đô, thực chất là một vài Quỹ đầu tư khổng lồ mà chiến lược của họ là đặt cược vào sự thay đổi của xã hội do tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong tương lai. Cứ thế nguồn tiền này phân tán, trở thành động lực của những nguồn tiền khác, len lỏi, chảy trong huyết mạch – từng ngõ ngách của nền kinh tế. Chỉ đến chứng kiến những cú ngã của Wework, Uber đến những Start-up Việt Nam như Wefit và một loạt công ty TMDT như Adayroi, Lefair, … người ta mới chợt bừng tỉnh rằng bản chất cuối cùng của Start-up vẫn là kinh doanh và phải mang về lợi nhuận. CEO Anthony Tan của Grab có lẽ nhận thức được khá rõ điều này khi anh liên tục chuyển mình tìm hướng ra cho mô hình kinh doanh khác ngoài đặt xe đang khó có thể trông đợi. Từ năm ngoái, nhà sáng lập của ứng dụng du lịch Traveloka đã chia sẻ ông muốn thoát khỏi “lời nguyền” chỉ đốt tiền của các Start-up.
Từ lâu rồi, mình không còn cảm thấy bị chú ý bởi những thuật ngữ về các mô hình kinh doanh “thời thượng” như Economy Sharing, Internet of Things, Digital Transformation, … Điều mình quan tâm nhiều hơn là lợi thế cạnh tranh và giá trị tạo ra trong từng mô hình riêng biệt.
Xét về bản chất, sự phát triển của mô hình Economy sharing dựa vào kỳ vọng tăng trưởng thần tốc do “hiệu ứng mạng” (network effects). Tuy nhiên, càng vận hành mô hình này càng bộc lộ ra những điểm yếu như việc nó thực sự có tạo ra khách hàng – những người sẵn sàng trung thành với dịch vụ hay việc có thực sự tạo ra lợi nhuận hay không?
Internet of things (IOTs) vẫn dựa nhiều trên những lý thuyết về sức mạnh đột phá của công nghệ Big Data và AI. Tuy vậy, sự phát triển của Big Data đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bùng nổ như kỳ vọng nếu không muốn nói là bắt đầu chìm xuống. Thuật ngữ “Internet of things” đã ra đời 12 năm, làm giàu cho nhiều công ty công nghệ nhưng còn bỏ ngỏ về hiệu quả kinh doanh cho các công sản xuất các thiết bị này. Thách thức của IOTs là nếu muốn phát triển lên hàng tỷ USD thì mô hình này phụ thuộc nhiều việc xây dựng hệ sinh thái (như các sản phẩm của Apple và IOS), vấn đề quyền riêng tư và ứng dụng đột phá (killer apps)… Liệu điều này có khả thi không khi hệ sinh thái phải cực kỳ lớn trong khi có vô số các công ty đều muốn xây dựng môi trường độc quyền của mình?
Trào lưu Digital Transformation có nhiều nét tương đồng với cuộc cách mạng Big Data ngày xưa và IOTs ở một góc độ nào đó. Từ khóa này vẫn được nhắc tới ở những hội thảo thời thượng nhất, thu hút sự kỳ vọng và niềm tin của nhiều người. Nhưng mô hình này sẽ thành công tới đâu vẫn còn nhiều điều phải cân nhắc, nhất là trong bối cảnh Covid-19 khiến cho chúng ta “rơi xuống Trái Đất” và đòi hỏi những thứ tạo nên giá trị lâu bền.
Dù sao đi nữa thì mình vẫn nghĩ công nghệ là mảnh đất màu mỡ giàu tiềm năng phát triển, thậm chí phát triển theo cấp số nhân. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng bong bóng Dot-com, những công ty còn tồn tại sau này trở thành những gã khổng lồ công nghệ như Google hay Amazon… và những công ty này thành công không phải vì họ nằm trong hàng ngàn công ty kinh doanh trên Internet thời đó mà vì họ lựa chọn đúng những điều có thể làm.
Thanh Huyền