Không thể coi thường các tổ chức trung gian, tư vấn Sở hữu trí tuệ
Các doanh nghiệp, tổ chức trung gian rất bức xúc về hiện tượng một số tập thể, cá nhân mạo danh các cơ quan về SHTT .
Ở các nước phát triển như châu Âu và Mỹ, luật về bảo hộ Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có từ hàng trăm năm nay. Trong các hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương hiện nay, bảo hộ SHTT luôn là một nội dung chính yếu.
Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật và dưới luật đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo hộ SHTT theo quy định của WTO. Tuy nhiên, việc thi hành Luật SHTT ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả. Một trong các nguyên nhân là người tiêu dùng và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khời nghiệp còn thiếu kiến thức cũng như sự quan tâm đúng mức đến vấn đề SHTT.
Tại Ngày hội Tư vấn SHTT tổ chức ngày 26.4 diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh, bà Hoàng Tố Như – phó trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ cho biết trong năm 2016, cả thành phố chỉ có gần 15.000 đơn đăng ký cho các đối tượng quyền Sở hữu công nghiệp. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, con số này phải tăng lên thành 22.000 đơn đăng ký.
Để đạt được mục tiêu đó, một trong các giải pháp quan trọng nhất là phải làm sao cho các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp biết được tầm quan trọng của bảo hộ SHTT. Sẽ rất đáng tiếc nếu những bạn trẻ có ý tưởng hay, sáng tạo có ý nghĩa nhưng bị đánh cắp ý tưởng, sáng tạo vì không biết cách bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Ngày hội tư vấn SHTT là một trong các hoạt động cho các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiểu được giá trị của SHTT. Ban tổ chức và các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực về SHTT đã thực hiện tư vấn, trả lời hàng trăm câu hỏi của các doanh nghiệp trẻ.
Cũng theo bà Như, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ, thậm chí tư vấn hoàn toàn miễn phí từ Sở KH&CN. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể chọn các dạng, các đối tượng bảo hộ với mức phí phù hợp với doanh nghiệp của mình để tiết kiệm chi phí.
Các tổ chức trung gian, đại diện và tư vấn cho doanh nghiệp về SHTT cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Sở KH&CN nhận định, muốn phát triển được môi trường SHTT thì không thể thiếu các tổ chức này.
Với sự đồng hành của những chuyên gia và tổ chức trung gian trong lĩnh vực SHTT, các doanh nghiệp sẽ có sự đánh giá chính xác, cụ thể về giá trị doanh nghiệp cũng như có kế hoạch, hành động hiệu quả để bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình.
Ngoài ra, nhờ các tổ chức trung gian, doanh nghiệp có thể hạn chế, giảm thiểu tối đa các chi phí để xử lý khi xảy ra tranh chấp về SHTT.
Bên cạnh bản thân các doanh nghiệp, các tổ chức trung gian, sự tham gia của chính phủ và các cơ quan chức năng là một điều kiện không thể thiếu bảo đảm cho sự hiệu quả của các hoạt động về SHTT.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tổ chức trung gian rất bức xúc về hiện tượng một số tập thể, cá nhân mạo danh các cơ quan về SHTT và mong muốn Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tình trạng này.
Dù Việt Nam đã có hệ thống văn bản và quy định đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo hộ SHTT theo quy định của WTO nhưng trong thực tế thực thi các hoạt động SHTT vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó một số hạn chế nổi bật như luật SHTT chưa có vị trí xứng đáng trong hệ thống luật, một số quy định chưa thực sự rõ ràng hay thời gian nhận và giải quyết đơn xin còn chậm, số lượng và chất lượng các cán bộ có liên quan đến SHTT còn chưa đáp ứng được nhu cầu …
Những năm gần đây, với sự nỗ lực chính phủ và các cơ quan chức năng, chất lượng thực thi hoạt động SHTT đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Điều này làm cơ sở cho mục tiêu mà phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra: Đưa SHTT của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong ASEAN.
Phạm Sơn – Khampha