Nhà mạng mong được thí điểm Mobile Money
Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển. Và Mobile Money được xem là một trong những hướng đi khả thi.
Trong 5 năm trở lại đây, ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 3%/năm. Mức doanh thu trung bình người dùng của viễn thông Việt Nam cũng liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á trong 10 năm trở lại và liên tục giảm do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Viễn thông, từ mức chiếm 41% vào năm 2014, doanh thu thoại và SMS chỉ còn chiếm 28,5% vào năm 2019. Trong khi doanh thu truyền thống sụt giảm, doanh thu từ data của các nhà mạng chỉ đạt 23,4%, thấp hơn mức trung bình thế giới, do cạnh tranh hạ giá thành.
Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển. Điều này giải thích tại sao, năm 2019, cả 3 nhà mạng của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đăng ký thêm một ngành nghề là “trung gian thanh toán”, nhằm mở đường cho dịch vụ Mobile Money.
Về cơ bản, Mobile Money là hoạt động dựa trên việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị dịch vụ nhỏ cùng với việc chuyển, nạp và rút tiền. Bản chất của Mobile Money là một dạng ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng và đối tượng được phép triển khai là các công ty viễn thông.
Bộ TT&TT cho biết, theo kinh nghiệm các nước, nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Đây được xem là một trong những biện pháp trong kịch bản tăng trưởng kinh tế trước đại dịch Covid-19.
Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Monney, nhưng câu chuyện cấp phép Mobile Money vẫn chỉ ở trên bàn nghị sự. Thực tế, hoạt động thí điểm Mobile Money, cũng như các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Chia sẻ về Mobile Money, đại diện VNPT cho hay, đây là một dịch vụ có thể triển khai được rất nhiều việc, từ giải ngân khoản vay, tài trợ cho người dân, cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục… Do đó, phía VNPT mong muốn được phê duyệt thí điểm nhằm triển khai trong thời gian sớm nhất.
Tương tự, đại diện Viettel tin tưởng, nếu Chính phủ cho phép sử dụng Mobile Money để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ, thì số lượng người thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng, đến cả vùng sâu, vùng xa mà khi người dân chưa có tài khoản.
Theo các chuyên gia, Mobile Money hiện là xu hướng của thế giới, là giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, các công ty viễn thông sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money.
Một số nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% dân ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, trong khi 70% còn lại chưa có thói quen sử dụng thanh toán điện tử. Như vậy, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy khách hàng sử dụng tài khoản ngân hàng khi họ làm quen với phương thức thanh toán điện tử.
Với ví điện tử, sự tác động của Mobile Money là khá lớn. Tuy nhiên, mức độ tác động còn phải tùy thuộc vào sự phát triển của dịch vụ này, cũng như hệ sinh thái đi kèm.
Theo quy định của NHNN, hiện tại, giao dịch qua ví điện tử bị giới hạn 100 triệu đồng/tháng, qua Mobile Money 10 triệu đồng/tháng (dự kiến). Như vậy, phân khúc khách hàng của hai loại dịch vụ này là khác nhau, mức độ cạnh tranh còn tùy thuộc vào sự lớn mạnh của hệ sinh thái hai bên.
Thách thức trước mắt của các nhà mạng là phải thuyết phục khách hàng sử dụng Mobile Money như một thói quen hàng ngày, thay thế việc sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, đúng như cảnh báo của các chuyên gia, những rủi ro về bảo mật, gian lận, rửa tiền, đánh bạc… luôn rình rập nhà mạng.
Trên thế giới hiện có gần 100 quốc gia đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người, chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.
Tại Việt Nam, Mobile Money được kì vọng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở khu vực nông thôn nhờ vào khả năng phủ sóng của các nhà mạng đến nhiều khu vực địa lý, thay vì bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng thanh toán thường chỉ hiện diện tại các tỉnh thành lớn của các ngân hàng truyền thống.
Một trong những khu vực đã thành công trong áp dụng mô hình Mobile Money là Châu Phi, đặc biệt là các nước như Tanzania, Kenya và Rwanda, đã đưa tài chính tiếp cận đến hầu hết người dân. Mô hình này cũng được nhiều nước trong khu vực xem xét áp dụng bởi tính khả thi và phủ sóng, ví dụ như Indonesia.
Việt Hưng