Kinh nghiệm đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ
Chính phủ Thụy Sĩ chú trọng những sáng kiến mới và xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện với 3 trụ cột là giáo dục, tài chính và cơ chế hỗ trợ.
Viet Pham, Thành viên Tổ chức Các chuyên gia và Các nhà khoa học trên toàn cầu (AVSE Global); Giám đốc điều hành, đồng sáng lập GoEat GmbH; Phó chủ tịch Hiệp hội Du học sinh Việt Nam tại Thụy Sĩ (SAAV). 8 năm sinh sống và làm việc tại quốc gia này, ông thể hiện sự am hiểu về lĩnh vực sáng tạo công nghệ trong bài viết “Văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ, Việt Nam có thể học được gì?” nhằm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.
Dưới đây là nội dung bài viết của chuyên gia:
Thụy Sĩ nằm giữa lòng châu Âu, với hơn 8,5 triệu dân – được mệnh danh là quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong 9 năm liên tiếp, theo Chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index). Trong cuộc đua chuyển đổi số và tạo ra xu hướng công nghệ, Thụy Sĩ đang dẫn đầu khi vượt trước Israel và Mỹ.
Thống kê cho thấy Thụy Sĩ có nhiều bằng sáng chế ứng dụng so với quy mô dân số ở bất cứ quốc gia nào tại châu Âu. Phần lớn trong đó thuộc ngành dược phẩm và khoa học đời sống. Roche – công ty dược phẩm khổng lồ đứng đầu danh sách các doanh nghiệp có bằng sáng chế. Tiếp sau đó là ABB, Nestlé và Novartis. Số liệu cho thấy, cứ một triệu dân sẽ có 956 bằng sáng chế. Con số này giúp Thụy Sĩ bỏ xa Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch với trung bình 400 bằng sáng chế cùng số dân tương đương.
Nền kinh tế dồi dào, Thụy Sĩ tập trung đầu tư mãnh mẽ vào lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ tiên tiến. Năm 2018, đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp phá vỡ mốc 1 tỷ Franc, tăng 32% so với năm 2017. Với hơn 300 công ty khởi nghiệp được thành lập tại Thụy Sĩ trong một năm, xu hướng đổi mới của quốc gia này ngày càng lớn mạnh. 22 tỷ Franc (tương đương 517.000 tỷ đồng) được đầu tư vào nghiên cứu và phát triển mỗi năm là minh chứng rõ ràng nhất. Các sự kiện, triển lãm được tổ chức quy mô thường niên trên toàn quốc nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền đầu tư đồng thời kết nối sản phẩm mới với nhiều đối tác tiềm năng.
Giáo dục là nền tảng để tạo ra những kỳ tích trong đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ. Quốc gia này có các trường đại học hàng đầu thế giới như ETH Zurich và EPFL. Trong đó, ETH Zurich là học viện khoa học máy tính tốt thứ hai trên toàn cầu,. Thông qua tài trợ của Chính phủ, các kiến thức dễ dàng chuyển giao giữa trường đại học và các công ty công nghệ.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng có những chương trình đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu nhắm đến các nhà phát minh không có nền tảng quản trị kinh doanh; biến họ trở thành một sáng lập viên, đưa sản phẩm ra thị trường và lường trước các rủi ro thất bại. Các chương trình giảng dạy được thực hiện bởi nhiều chuyên gia, cựu sáng lập viên, điều hành doanh nghiệp, đưa kiến thức thực tiễn vào từng bài giảng. Một trong những chương trình nổi tiếng nhất được biết đến là CTI Entrepreneurship Training.
Những yếu tố trên cho thấy để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh cần nhiều yếu tố. Trong đó, giáo dục, tài chính và hỗ trợ từ Chính phủ cần được phân bổ đều cho nhau.
Người tham dự Tech Startup Day tại Thụy Sĩ. Ảnh: EggBrussel
Việt Nam có thể học được gì?
Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy, đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Chất lượng các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo chiều hướng tốt lên với sự đóng góp của các quỹ đầu tư, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, vườn ươm, trường đại học… Chưa kể nhiều du học sinh trở về nước khởi nghiệp. Đề án 844 đã thúc đẩy nhiều dự án thú vị và khiến thị trường náo nhiệt hơn.
Là một trong số cá nhân được chính phủ Thụy Sĩ đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chương trình CTI, tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần gia tăng thêm ảnh hưởng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Hiện khung pháp lý, chính sách đầu tư, hỗ trợ, và đào tạo cộng đồng startup tại Việt Nam vẫn còn sơ khai. Trong nước vẫn chưa có hệ thống thống kê hoặc đo lường chính xác thị trường mỗi năm. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang bị phân mảnh dẫn đến việc phân chia nguồn lực và chất lượng đầu ra không đồng đều. Đây cũng là những điều trăn trở của các chuyên gia và nhà khoa học toàn cầu mong muốn đem những tinh hoa đổi mới sáng tạo trên thế giới về Việt Nam tại cuộc thi Hack4Growth..
Để có một chương trình đào tạo hiệu quả, chính phủ cần hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, các cá nhân thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cần ươm tạo ra thế hệ sáng lập viên có kiến thức nền tảng đủ bao quát, tạo bước đệm cho một chặng đường dài. Ngoài ra, Việt Nam cần có phương thức tìm ra nhân tài để đào tạo đặc biệt thay vì áp dụng rộng rãi nhằm giảm đi chi phí đầu tư không cần thiết.
Tài chính vẫn là vấn đề đau đầu khi khởi nghiệp. Dòng tiền đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp không hề nhỏ song vì hệ sinh thái và chính sách chưa đủ vững vàng khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách đặt trụ sở tại nước ngoài nhằm đón nguồn tiền đầu tư. Người ngoại quốc vẫn có nhiều hạn chế trong việc xin phép giấy tờ cư trú và làm việc tại Việt Nam.
Tôi đã tiếp cận nhiều ý tưởng khởi nghiệp và thấy rằng phần lớn vẫn xoay quanh xây dựng ứng dụng di động, chợ thương mại điện tử, nền tảng mà thiếu ý tưởng đột phá về mặt công nghệ và giải pháp cho xã hội. Chúng ta cần nhiều dự án đến từ phòng thí nghiệm, đến từ các nghiên cứu chuyên sâu, đây mới là phát kiến hữu ích cho đất nước.
Trong vai trò người đang khởi nghiệp tại Thụy Sĩ với tham vọng có thể đóng góp cho Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều cơ hội cho tương lai. Thế hệ trẻ đông đảo là một tài sản mà không phải quốc gia nào cũng đang sở hữu. Giáo dục đúng sẽ là kim chỉ nam giúp Việt Nam vươn tầm thế giới. Thụy Sĩ đã mất hàng thập kỷ để thành công hôm nay, Việt Nam không cần phải đi quá nhanh song cần có chiến lược phù hợp cho chặng đường phía trước.
Tuấn Vũ (lược ghi)