Chiến lược để startup phục hồi sau dịch: Không để hết tiền, nhanh chóng chốt thương vụ gọi vốn
Hoàn thành nhanh trong khâu gọi vốn, phát hiện sự thay đổi trong thói quen khách hàng, tìm xu thế phát triển tương lai… là những lời khuyên của các chuyên gia nhằm giúp startup phục hồi sau dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã không còn bùng mạnh như giai đoạn vài tháng trước. Tuy nhiên đây là thời điểm mà dư âm của dịch bệnh vẫn rất lớn, tác động lên nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ không lương.
Các startup, vốn không có nguồn lực tài chính dồi dào, lại càng gặp khó khăn hơn nữa. Đặc biệt với các startup đang trong quá trình gọi vốn. Các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn với quyết định của mình.
Theo Rajan Anandan, giám đốc quản lí của Quĩ đầu tư Sequoia tại Ấn Độ, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng.
Ngay từ quí I/2020 khi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện, hoạt động gây quĩ của các startup đã có dấu hiệu đi xuống, theo dữ liệu của Crunchbase. CNBC đưa ra dự đoán tình hình sẽ còn tệ hơn trong quí II/2020.
Trên thế giới hiện có hơn 5 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 300.000 trường hợp tử vong. Nhiều nước lựa chọn hình thức phong tỏa toàn bộ hoặc một phần quốc gia để ngăn chặn nguy cơ lây lan. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các startup.
Dưới đây là các lời khuyên của các chuyên gia cho các startup vượt khó trong giai đoạn này.
Đừng để “hết tiền”
Với các startup, tài chính chưa bao giờ phải là một trong những thế mạnh. Chính vì thế công ty cần phải có đủ thời gian “tồn tại” trước khi nghĩ tới việc phát triển.
Ông Rajan Anandan cho rằng việc tái cấu trúc là một trong những “kế sách” ổn. Nếu doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chịu tác động lớn từ dịch bệnh, các nhà sáng lập hoàn toàn có thể cân nhắc “xoay phỏm” sang một phân khúc khác.
Dịch bệnh chắc chắn sẽ làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của khách hàng. Nắm bắt được sự thay đổi này, các startup sẽ có sự chuẩn bị tốt với các kịch bản có thể xảy ra, từ đó tạo nên sự khác biệt đối với các đối thủ tương tự.
“Đánh nhanh, thắng nhanh” trong khâu gọi vốn
Hemanth Mohapatra, đối tác chiến lược của công ty đầu tư mạo hiểm Lightspeed cho rằng các startup cần cố gắng chốt các hợp đồng đầu tư càng sớm càng tốt.
“Lời khuyên của tôi cho các nhà sáng lập là hay chốt các vòng đầu tư một cách nhanh nhất có thể, thay vì cố gắng để đạt được các thỏa thuận có lợi nhất với các nhà đầu tư”, Hemanth Mohapatra tuyên bố.
Bên cạnh đó, Hemanth Mohapatra khẳng định rằng trong tình thế hiện tại, mức định giá doanh nghiệp của các startup có thể sẽ giảm, nhưng thị trường sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự kiến.
Tận dụng cơ hội khi thói quen khách hàng thay đổi
Mặc dù hầu hết các ngành đều chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng cũng có một vài nhóm ngành đang “hưởng lợi” từ COVID-19: Thương mại điện tử, thanh toán kĩ thuật số, công nghệ chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kết nối từ xa…
Thương mại điện tử, thanh toán kĩ thuật số, công nghệ chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kết nối từ xa.. là nhóm ngành hưởng lợi từ dịch bệnh. Ảnh: CNBC
Theo nhà đầu tư thiên thần Vinod Nair, sự thay đổi về thói quen của khách hàng sẽ tiếp diễn trong khoảng thời gian từ một đến hai năm tới. Vinod Nair chỉ ra rằng nhiều người lao động sẽ tiếp tục làm việc từ xa ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
“Tôi luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp đang thay đổi về cấu trúc hoạt động theo xu hướng được dự đoán là sẽ phát triển phù hợp với hành vi khách hàng thay đổi”, Vinod Nair.
Các nhóm ngành mà Vinod Nair đề cập đến bao gồm dịch vụ y tế trực tuyến, lớp học trực tuyến và thanh toán kĩ thuật số.
Tìm xu thế phát triển
Theo chia sẻ của Rajan Anandan, lượng người học trực tuyến tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong mùa dịch. Trong khi đó, tư vấn y tế từ xa, vốn hầu như không tồn tại, đã tăng trưởng theo cấp số nhân.
Do đó, giám đốc Quĩ Sequoia Ấn Độ cho rằng cơ hội vẫn là rất lớn đối với những doanh nghiệp tìm đúng xu thế phát triển trong tương lai.
Trong quá khứ Rajan Anandan từng trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng, từ khủng hoảng cuối những năm 90 cho tới Đại suy thoái 2008. “Chúng tôi từng chứng kiến những công ty hàng đầu bước ra từ những cuộc khủng hoảng này. Thời thế khó khăn sẽ tạo ra anh hùng”, Rajan Anandan kết luận.
Tiểu Phượng