Nghề freelancer đã xuất hiện lâu trong xã hội với những tên gọi khác nhau như nhân viên dự án, nhân viên hợp đồng, dịch vụ thuê ngoài… Tuy nhiên, công nghệ phát triển mạnh khiến nhu cầu tìm việc thay đổi rất nhiều và freelancer đã trở thành một lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc.

Không chỉ vậy, freelancer đang dần trở thành một xu hướng trong bối cảnh nhu cầu nhân lực tự do tăng cao, ước chiếm 30% tổng nhu cầu nhân lực toàn cầu và doanh nghiệp cũng muốn linh hoạt thuê mướn lao động. Theo nghiên cứu của Mỹ ở 24 quốc gia trên thế giới, gần 45% người trẻ không thích làm việc văn phòng. Các công việc freelancer cũng giúp có được kết quả chứng thực từ doanh nghiệp. Mô hình này sẽ có tính chất đào tạo và tuyển dụng không bằng cấp.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, lực lượng lao động đã lên tới 54 triệu người nhưng số đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp chiếm 3,08% lực lượng lao động. Số lao động Việt Nam đã qua đào tạo chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Nhận thấy xu hướng này, từ đầu năm 2019, Nguyễn Bảo Khánh đã quyết định thành lập Gick, một startup phát triển nền tảng tuyển dụng dành riêng cho những lao động giản đơn và freelancer, nhằm giải quyết nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động giản đơn một cách nhanh chóng của các doanh nghiệp.

Theo khảo sát của CEO 9x này, xu hướng freelancer trên thế giới đã lan đến đến giới trẻ Việt. Thị trường lao động này ở Việt Nam đã lên tới 3,1 tỉ USD với 30-40% số người đang đi làm tự do hoặc có một công việc kiếm thêm. Nhiều người thậm chí bỏ việc công sở để nhận việc về nhà, thấy rõ nhất là ngày càng nhiều người trẻ diện áo thun, quần soọc, ôm laptop vào quán cà phê để làm việc.

“Nhu cầu tìm việc của người lao động đơn giản và freelancer rất lớn và với 85% người dân hiện sở hữu smartphone, việc tìm việc trên mạng là hết sức dễ dàng. Điểm khó khăn duy nhất cho những người này là chưa có nền tảng tuyển việc chuyên biệt cho lao động giản đơn”, Khánh nói.

Điểm đặc biệt nhất của nền tảng Gick là trở thành một trung gian hoàn toàn trọn gói. Gick sẽ kiêm tất cả các khâu, từ việc lọc hồ sơ, gọi điện thoại cho ứng viên đến trực tiếp trả tiền cho lao động, freelancer và xuất hóa đơn cho công ty. Gick cũng sẽ cam kết chỉ khi người lao động hoàn thành công việc và nhận lương kết thúc hợp đồng thì mới lấy phí từ nhà tuyển dụng; mọi thứ sẽ hoàn toàn minh bạch với người lao động và công ty.

“Nền tảng Gick là sàn tìm việc đầu tiên chuyên dành cho lao động giản đơn. Đây là một phân khúc thấp hơn cả freelancer mà chưa có ai tập trung làm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu chuyên nghiệp của những lao động này, nên tỉ lệ đào thải rất lớn. Do đó, Gick đã có thêm chức năng đánh giá 2 chiều từ lao động và phía công ty với các tiêu chí đúng giờ, năng suất làm việc, thái độ làm việc. Từ đó sẽ giúp nâng chất lượng làm việc của lao động tại Việt Nam.

Nếu người lao động xây dựng được một hồ sơ đẹp, tỉ lệ nhà tuyển dụng tự tìm đến họ là rất lớn”, anh nói. CEO 9x này cũng nhấn mạnh: “Tôi luôn tin rằng mỗi người sẽ giỏi hơn một thứ và Gick có thể là một nơi để người lao động có thể khám phá bản thân”.

Sau hơn 1 năm hoạt động, sàn tìm việc Gick đã có hơn 50 khách hàng doanh nghiệp, đa số là những tên tuổi lớn trong nền kinh tế chia sẻ liên quan tới công nghệ như Be Group, Ahamove, Lalamove, Ninja Van, Shopee… cùng hơn 135.000 dữ liệu ứng viên mới mỗi tháng.

Hiện nay, Gick đang tiến hành vòng gọi vốn đầu tiên. Trước đó, startup này đã trải qua ươm tạo và đầu tư thiên thần từ venture builder có trụ sở tại Singapore là Alley 51. Trong tương lai, Gick sẽ ứng dụng thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) để tối ưu hóa hơn quy trình tuyển dùng. Từ đó, từng bước mở rộng ra các thị trường có số lượng lao động giản đơn lớn trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Philippines.

Bảo Trung (Nhịp Cầu Đầu Tư)