Ngành logistics còn khối lượng công việc khổng lồ mà doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia giải quyết cũng như tạo cơ hội kinh doanh cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ngoài yếu tố đam mê, cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, rủi ro vì đó là quy luật tất yếu cho việc đánh đổi, tìm đến sự thành công.

Dư địa còn lớn

Tại tọa đàm “Khởi nghiệp cùng logistics” do Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam tổ chức mới đây tại trường Đại học Hàng Hải (thành phố Hải Phòng), PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay, chi phí cho logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP, trong khi trung bình trên thế giới khoảng 11%…

Đây chính là mảnh đất, là cơ hội và dư địa dành cho các bạn trẻ cùng tham gia giải quyết các vấn đề về logistics để đưa Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này, rút ngắn khoảng cách 10% chi phí logistics trong GDP, tương đương khoảng 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn đang phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại…

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý, khác với lập nghiệp thông thường, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo. Mở một quán phở không thể coi là khởi nghiệp và nếu chỉ có lập nghiệp theo kiểu cũ thì đất nước sẽ không phát triển được. Việc khởi nghiệp là câu chuyện mà toàn bộ thế hệ trẻ ngày nay phải làm.

Đưa ra dẫn chứng về Trung Quốc – một quốc gia có 2/3 số startup “kỳ lân” – gọi được vốn tỷ USD trên thế giới, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, mặc dù các dự án khởi nghiệp có đến 98% thất bại, nhưng thất bại để thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không ít bạn trẻ giai đoạn đầu khởi nghiệp thất bại đã rơi vào tình trạng suy sụp, mất ý chí và niềm tin vào bản thân.

“Ở nước ngoài, họ luôn chuẩn bị sẵn một tâm thế: Thất bại là chuyện bình thường. Còn với chúng ta khi thất bại không muốn làm hoặc dễ mới làm, khó thì bỏ, sẽ không thể nào khởi nghiệp được. Đây là một trở ngại văn hóa cực lớn” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói và cho rằng, khởi nghiệp không thể là phong trào, quan trọng nhất là vượt qua được thất bại.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ, 98% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại nhưng thất bại đó làm nền tảng, “viên đá” lót đường cho thành công sau này. Ngành logistics đang có rất nhiều vận hội phát triển và với việc được đào tạo bài bản về logistics, các bạn trẻ sẽ là những người mở rộng ngành logistics hơn nữa và có thể phát triển thành những doanh nghiệp logistics lớn, tiếp bước thành công của những doanh nghiệp, doanh nhân hôm nay.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Delta khẳng định, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics cực kỳ rộng mở. Những hoạt động như tổ chức các cuộc thi hay hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các doanh nhân logistics với các sinh viên nói chung, cũng như sinh viên logistics nói riêng sẽ tạo ra một động lực, hoài bão, ước mơ về nghề nghiệp với sinh viên. Đây chính là hoạt động góp phần làm cho logistics sẽ có những bước phát triển trong tương lai.

Từ góc độ của một trường đào tạo về ngành logistics, PGS.TS Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, khái niệm logistics ngày càng trở nên thân quen hơn và Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề này. Để khuyến khích các em sinh viên đam mê logistics khởi nghiệp, nhà trường luôn luôn tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp logistics lớn của Việt Nam, tham gia các sân chơi về logistics như cuộc thi tìm kiếm những tài năng trẻ logistics…

“Sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp logistics và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương giúp chúng tôi đổi mới các chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, nhằm giúp các em sinh viên chuẩn bị cho mình những hành trang cụ thể khi ra trường và tìm kiếm việc làm” – PGS.TS Phạm Xuân Dương nhấn mạnh.

Đam mê chưa đủ

Chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp, ông Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Smart logistics Việt Nam cho biết, bất cứ doanh nghiệp nào trước khi khởi nghiệp cũng vạch ra cho mình những định hướng, tuy vậy, tính thích nghi của từng doanh nghiệp đối với thị trường không phải lúc nào cũng giống như suy nghĩ của chủ doanh nghiệp hay người tạo ra doanh nghiệp đó. Vì vậy, học cách thích nghi với thị trường là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp muốn thành công, phải dựa vào đội ngũ nhân sự và tài chính. Đây là vấn đề nan giải với một doanh nghiệp phát triển từ quy mô nhỏ đi lên.

Chị Nhâm Thị Lương, Giám đốc Công ty Nam Phương cho hay, chúng tôi cũng bắt đầu khởi nghiệp từ con số “0”. Nếu muốn làm điều gì đó khác biệt trong một lĩnh vực nào đó, trước hết, chúng ta sẽ phải hiểu về nó và tìm ra những điểm cần phải khắc phục. Đồng thời, phải quyết tâm và làm đến cùng công việc của mình, mới nhìn thấy kết quả. Khi khởi nghiệp sẽ gặp vô vàn khó khăn và chỉ có cách dũng cảm đối mặt với sự việc đã xảy ra, mới tìm được giải pháp tốt nhất

Theo anh Hoàng Đình Nam, Phó Giám đốc Công ty U&L Logistics miền Bắc, đối với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp, vấn đề tìm kiếm những con người có kinh nghiệm, có khả năng lèo lái luôn khó khăn. Vậy làm thế nào để thuyết phục những con người đó?

Kể câu chuyện từ thực tế của bản thân, anh Hoàng Đình Nam cho hay, khi tôi bắt đầu khởi nghiệp, hội đồng quản trị giao cho một nhiệm vụ là phát triển thương hiệu U&L lên tầm thế giới. Khi đó, tôi đặt ra bài toán là sẽ tuyển dụng người nước ngoài và tôi đã tuyển dụng một người có số năm kinh nghiệm lớn hơn tuổi đời của mình, đang làm việc tại Dubai và đã trải qua làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Đối với những người có kinh nghiệm, khả năng, chúng ta phải thể hiện cho họ thấy mình có đủ tâm và đủ tầm.

“Họ sẽ là người đi cùng với mình, chứ không phải chỉ là nhân viên” – anh Hoàng Đình Nam chia sẻ và nhận định, đối với người giỏi, họ không quan trọng mức lương. Có những người nói chuyện với tôi sẽ không nhận lương hai tháng đầu tiên và sau hai tháng họ sẽ tự yêu cầu lương với công ty. Đối với những người có tham vọng, có trình độ, người ta cần một môi trường có thể cho họ thỏa được ước vọng của họ.

Giám đốc chi nhánh Hải Phòng, Công ty Dolphin Sea Air Services – chị Phạm Thị Thúy Hà cũng cho rằng, ngoài đam mê hoài bão, thì các chuẩn bị liên quan tới kiến thức, kỹ năng cùng sự nỗ lực vượt khó, là những yếu tố quan trọng để các bạn sinh viên gắn bó với một doanh nghiệp nào đó cũng như khi bắt đầu chặng đường khởi nghiệp.

Anh Lê Mạnh Cương, Chủ tịch Công ty Lokaloop cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đang ủng hộ cho việc áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics. Đây cũng là xu thế chung của thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ mới nhằm mang đến một chuỗi logistics hiệu quả, thực sự thuận tiện và giảm thiểu tất cả chi phí không đáng có trong chuỗi logistics…

“Khi đã lựa chọn nghề logistics, con đường dẫn đến thành công đầu tiên là đam mê, yêu nghề, tiếp đó, trang bị đủ tư duy, chuẩn giờ và chính xác về thời gian. Đồng thời, cần có sự quyết đoán, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để bứt phá lên” – Anh Lê Mạnh Cương bày tỏ quan điểm.

Quỳnh Nga – Ngọc Quỳnh