CEO 8x gây dựng thương hiệu vận chuyển trọn gói triệu USD
“Khách báo nhân viên làm thất lạc hộp trang sức”. Tin nhắn vỏn vẹn 10 chữ khiến Phạm Văn Minh – người đứng đầu công ty vận chuyển trọn gói tại TP HCM toát mồ hôi.
Khách hàng là một nam ca sĩ nổi tiếng, thuê dịch vụ chuyển đồ vào căn biệt thự trị giá chục tỷ đồng ở khu đô thị Nam TP HCM. Ai là người mắc lỗi, nhân viên kiểm đếm hay khách hàng? Nếu phải bồi thường, con số sẽ là bao nhiêu… Hàng loạt suy nghĩ nhảy múa trong đầu chàng trai trẻ. Nỗi lo lớn nhất khi đó với Minh là uy tín công ty sụp đổ nếu ca sĩ chia sẻ sự việc lên đại chúng.
Sau vài giây định thần, Minh bốc máy gọi tất cả các bộ phận trong công ty nhằm truy lại hành trình đơn hàng vận chuyển. Mọi người được huy động để tìm kiếm ngay trong đêm. Sự việc đẩy lên nấc căng thẳng hơn khi khách hàng muốn nhờ cơ quan điều tra vào cuộc. Minh buộc hoãn một số dự án dang dở để tập trung giải quyết.
Ba ngày sau, một tin nhắn cũng gửi đến giữa đêm. “Vợ khách cất hộp trang sức và quên không báo”, Minh thở phào nhẹ nhõm khi kể lại. Đó là một trong rất nhiều sự cố mà Phạm Văn Minh, CEO Vietnam Moving vẫn nhớ sau 10 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển nhà và văn phòng trọn gói mà anh ví như “nghề làm dâu trăm họ”.
Năm 2011, chàng trai quê Tiền Giang quyết định đánh cược 20 triệu đồng – toàn bộ gia sản tích cóp từ những ngày khuân vác thuê cho một hãng vận chuyển để mở công ty riêng. Kinh nghiệm tích luỹ, cộng thêm hoài bão tuổi trẻ lớn là động lực để Minh xây dựng Vietnam Moving.
Anh cho biết hợp đồng đầu tiên và quy trình xử lý công việc đều được vận hành từ chiếc máy tính cũ trong căn phòng trọ 10 m2 hầm hập hơi nóng. Đây vừa là “trụ sở doanh nghiệp”, vừa là nơi xuất phát điểm cho hành trình thoát nghèo từ hai bàn tay trắng của chàng trai miền Tây.
“Thời điểm đó, hành trang chẳng có gì ngoài tham vọng làm giàu cháy bỏng và giấc mơ có hàng chục chiếc xe dán thương hiệu Vietnam Moving chạy khắp thành phố”, anh nói.
Những ngày đầu lập nghiệp, Minh chấp nhận mọi yêu cầu của khách hàng. Nếu việc nào vượt quá khả năng, anh xoay sở hoàn thiện bằng những mối quan hệ thân quen hoặc thuê lại bên ngoài. Minh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất với Vietnam Moving không phải tỷ suất lợi nhuận vài chục phần trăm, mà là được trao cơ hội để chứng tỏ năng lực và duy trì nguồn việc ổn định”.
3 năm trước, doanh nghiệp nhận đơn hàng của một sàn thương mại điện tử lớn. Việc vận chuyển trang thiết bị của hàng nghìn nhân viên trong ngày cuối tuần không làm khó Vietnam Moving, song anh băn khoăn khi khách yêu cầu trả nguyên trạng mặt bằng và thanh lý hết nội thất cũ. “Tôi biết khi nhận hợp đồng này khá rủi ro. Song trong nguy có cơ. Đây cũng là cơ hội để có thể tiếp cận nhiều doanh nghiệp khác, tôi đánh cược nhận lời”, vị CEO nhớ lại. Từ “canh bạc” đó, anh phát triển thêm nhánh kinh doanh nội thất đã qua sử dụng tại doanh nghiệp.
Để gia tăng sự tin cậy thương hiệu, Minh xây dựng bộ tiêu chí dịch vụ và quản trị rủi ro cho nhân viên học thuộc. Anh cho rằng, hợp đồng dù lớn hay nhỏ song lợi ích của khách hàng cần đặt lên hàng đầu. Không vì con số mà doanh nghiệp phá vỡ chuẩn mực dịch vụ. Điều này nhà sáng lập 8x đúc rút từ những khóa bồi dưỡng về chiến lược, tài chính, nhân sự… nhằm cải thiện giá trị cốt lõi cho công ty sau nhiều năm chạy đua để sinh tồn và tăng trưởng. Các cuộc họp giữa cấp trên và cấp dưới ở doanh nghiệp cũng tối giản, thay vào đó là những buổi gặp thân tình, chia sẻ quan điểm sống và công việc được lãnh đạo trẻ khuyến khích nhiều hơn.
“Đặc thù công việc vận chuyển, khuân vác nên hầu hết nhân viên là lao động phổ thông. Giải quyết câu chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày thì tiếp đến phải rèn giũa, thay đổi niềm tin và định hướng tương lai cho họ. Kinh doanh cần phải có sự đồng lòng, không thể riêng mình tận hưởng trái ngọt còn nhân viên đói khát”, Minh nói.
Sau gần 10 năm, Vietnam Moving hiện có có tệp khách hàng ổn định từ các công ty lớn nhỏ tại TP HCM đến các hộ gia đình. Gần 200 nhân viên ít khi ngơi nghỉ chân tay trong ngày. Doanh số công ty mỗi tháng lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Lúc này tôi ít nghĩ đến hai câu hỏi mà trước đó thường trực trong đầu là ai sẽ trả nợ thay mình và cuộc sống của anh em đồng hành sẽ thế nào nếu công ty phá sản. Tuy nhiên, văn hóa của Vietnam Moving là luôn đặt mình trong điều kiện ngặt nghèo nhất để tìm cách tồn tại”, anh nói.
Vị CEO này luôn xem công ty như một startup, bởi tinh thần cầu tiến và không ngại thay đổi để thích ứng hoàn cảnh của doanh nghiệp vẫn không thay đổi kể từ những ngày đầu cho đến nay.
Cuối năm 2019, doanh nghiệp này khởi xướng dự án “Chuyến xe từ thiện” nhằm hỗ trợ các quỹ, đơn vị vận chuyển hàng trăm chuyến hàng từ thiện mỗi năm. Dự án đặt kỳ vọng giúp các quỹ từ thiện tiết kiệm khoản tiền lớn, mua thêm nhu yếu phẩm cho người yếu thế trong xã hội.
“Tham vọng của tôi lúc này không phải thoát nghèo nữa mà là định vị thương hiệu vận chuyển trọn gói trong tâm trí khách hàng, lấy chất lượng dịch vụ làm thước đo giá trị”, chàng trai 8x nói.
Tuấn Vũ