Doanh nghiệp khởi nghiệp bên bờ… sạt nghiệp
Chưa kịp mừng sau khi dốc hết tâm sức, vốn liếng cho chuyến hàng đầu năm mới 2020, hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp đã chới với khi bị các đối tác trả hàng về do ế ẩm bởi đại dịch COVID-19.
Đồng loạt ế ẩm vì dịch
“Đã hơn 3 tháng rồi mà lô hàng đầu năm 2020 vẫn chưa tiêu thụ được” – chị Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng, chuyên chế biến sản phẩm trái cây sấy ở xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thở dài trước nguy cơ bị thua lỗ nặng. Trước Tết Nguyên đán, một hệ thống siêu thị lớn đã đặt hàng Ngọc Phụng lô sản phẩm xoài sấy, vỏ quýt, vỏ cam sấy,… trị giá gần 300 triệu đồng.
Sau khi dốc hết tâm sức, vốn liếng sản xuất, đến lúc chuẩn bị chuyển hàng thì đối tác thông báo ngưng nhận. Do dịch COVID-19 bệnh bùng phát, người dân tập trung mua lương thực và các mặt hàng thiết yếu nên những sản phẩm thuộc diện ăn bổ sung như hàng của chị Thủy ít được quan tâm.
Chị Phụng cho biết: Vì là hàng không sử dụng chất bảo quản nên hạn sử dụng sản phẩm, nhất là vỏ cam, vỏ quýt sấy, tối đa là 6 tháng, nhưng đến nay đã hơn nửa vòng đời mà không tiêu thụ được nên nguy cơ bị tiêu hủy vì hết hạn là rất lớn.
Tương tự, doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) chuyên sản xuất nông sản sấy như hạt sen sấy, khoai sấy, mít sấy, chuối sấy… cũng lâm cảnh ế ẩm. Hiện công ty đang tồn kho gần 20 tấn sản phẩm.
Nguy cơ sụp đổ dây chuyền
Theo thống kê, Đồng Tháp có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên chế biến sản phẩm nông nghiệp, xuất thân từ phong trào khởi nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó. Nhiều người trong số này đang cố cải thiện theo hướng biến thách thức thành cơ hội.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Cát Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát – chuyên sản xuất các sản phẩm mứt chuối, mứt xoài… tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung. Khi khó tiêu thụ, chị Thủy quyết định không thu hồi sản phẩm đã giao cho đối tác mà dùng đó gửi biếu, tặng cho khách, người thân như một cách quảng bá sản phẩm cho tương lai.
Tuy nhiên, nhìn ở góc kinh tế, thì dù cách nào, trước mắt các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đều có điểm chung là thất thoát đồng vốn, có khi lên đến vài trăm triệu đồng.
Để có đủ vốn sản xuất, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải vay vốn ngân hàng, nhưng điều đáng lo hơn là nguy cơ dẫn đến sụp đổ mang tính dây chuyền. Với năng lực tiêu thụ trên 1.500 tấn củ, quả nông sản nguyên liệu mỗi năm, nếu các doanh nghiệp bị phá sản sẽ trực tiếp làm cho nông sản hẹp đầu ra, hẹp giá bán. Hơn thế nữa, còn gián tiếp kéo theo sự sụp đổ của cả chuỗi liên kết trong quy trình sản xuất nông nghiệp từ cung ứng vật tư, thiết bị, nhân công…; đặc biệt là còn làm thui chột ý chí ở những người có ý tưởng khởi nghiệp.
Lục Tùng