Liệu các startup về edtech có thể vá lấp những thiếu sót của giáo dục công hiện nay? Ứng dụng AI vào edtech cần lưu ý những điều gì?

Chiều ngày 10/05/2017 vừa qua, hội thảo Khởi nghiệp Edtech trong kỷ nguyên AI, VR do Topica Founder Institute (TFI) tổ chức đã diễn ra tại UP Coworking Space ĐH Bách Khoa Hà Nội với sự góp mặt của ba diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực startup giáo dục là chị Văn Đinh Hồng Vũ – CEO ELSA, anh Đào Xuân Hoàng, CEO Monkey Junior và anh Lê Công Thành, Giám đốc Topica AI Lab.

Chia sẻ với khán giả tại chương trình, anh Mai Duy Quang, co-director của TFI cho biết lĩnh vực edtech (ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm giáo dục) trên toàn cầu hiện nay đã tương đối phong phú với nhiều tên tuổi lớn phân phối đều trên các hạng mục như:

Broad Online Learning Platforms (nền tảng cung cấp khóa học online đại chúng – tiêu biểu như Coursera, Udemy, KhanAcademy,…), Learning Management Systems (hệ thống quản lý lớp học – tiêu biểu như Schoology, Edmodo, ClassDojo,…), Next-Gen Study Tools (công cụ hỗ trợ học tập – tiểu biểu như Kahoot!, Lumosity, Curriculet,…), Tech Learning (đào tạo công nghệ – tiêu biểu như Udacity, Codecademy, PluralSight,…), Enterprise Learning (đào tạo trong doanh nghiệp – tiêu biểu như Edcast, ExecOnline, Grovo,..),…

Tại Việt Nam, hệ sinh thái edtech trong nước vẫn còn rất non trẻ và thiếu vắng nhiều tên tuổi trong các hạng mục như Enterprise Learning (mới chỉ có MANA), School Administration (hệ thống quản lý trường học) hay Search (tìm kiếm, so sánh trường và khóa học),…

uy nhiên, edtech vẫn thể hiện tiềm năng lớn với tổng vốn đầu tư huy động được trong năm 2016 đạt 20,2 triệu USD, chỉ xếp sau hai lĩnh vực siêu hot là Fintech và eCommerce (theo thống kê của TFI). Các edtech startup nổi bật do các founder Việt Nam sáng lập phải kể đến Monkey Junior, Kyna.vn, BigSchool, Topica Native, FUNiX,… (không tính các startup hướng tới thị trường nước ngoài như ELSA hay GotIt!).

Cùng với sự đi lên của mức sống, người Việt cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục. Sự thiếu vắng các tên tuổi lớn trong những hạng mục kể trên chắc chắn đang bỏ ngỏ nhiều mảng thị trường cho các startup trong tương lai.

Việc ứng dụng AI cũng đang trở thành xu hướng trong các sản phẩm giáo dục. Chẳng hạn như ứng dụng ELSA sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói để phát hiện lỗi sai trong cách phát âm của người học tiếng Anh hay nền tảng Coursera đưa các thuật toán machine learning vào gợi ý khóa học tiếp theo cho người dùng.

Tất nhiên, AI cũng mang đến những thách thức nhất định cho các founder startup. Ba diễn giả có mặt đều đồng tình cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất của việc ứng dụng AI vào sản phẩm hiện nay là sự khan hiếm dữ liệu dùng cho khâu huấn luyện máy tính.

Để có sẵn kho dữ liệu lớn, các công ty đều phải đầu tư rất nhiều nhân lực và ngân sách để đi mua hoặc tự xây dựng. Diễn giả Lê Công Thành cho biết, khi xây dựng kho dữ liệu huấn luyện AI nhận diện text và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công ty anh đã phải thuê hàng trăm cộng tác viên gắn nhãn hàng triệu câu thoại tiếng Việt, tiêu tốn 2 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng.

rong khi đó, chị Văn Đinh Hồng Vũ của ELSA thì chia sẻ công ty chị đã mời về nhiều chuyên gia ngôn ngữ người bản xứ giúp xác định trọng âm, cách phát âm từng từ cũng như gửi các cộng tác viên đi thu thập file ghi âm cách đọc của hàng nghìn người học tiếng Anh với đủ loại tông giọng, phương ngữ khác nhau để máy tính “học” được lỗi phát âm thường gặp ở từng quốc gia, vùng miền.

Vất vả là vậy nhưng thành quả đền đáp lại cũng không hề nhỏ. Theo chị Vũ, với việc một người thầy dạy phát âm và chỉnh sửa từng lỗi sai chỉ có thể dạy 1-2 học sinh một lúc, chúng ta phải cần đến hàng nghìn thầy cô mới có thể dạy được cho hàng nghìn học sinh.

Tuy nhiên, nhờ AI, hàng nghìn học sinh nay có thể luyện tập với một ứng dụng trên điện thoại; các chuyên gia ngôn ngữ cũng chỉ cần soạn bài một lần duy nhất để dạy cho nhiều người. Chị cũng chia sẻ câu chuyện thú vị rằng, thuở ELSA mới chào đời, nhiều giáo viên ngữ âm đã coi nó như kẻ thù có thể cướp mất việc làm của họ.

Thế nhưng sau khi chứng kiến những lợi ích to lớn của ELSA với các học sinh của mình, họ lại bày tỏ sự cảm ơn vì nhờ nó, các giáo viên này có thể dành thời gian quý báu vào việc soạn và nghiên cứu bài giảng thay vì ngồi hàng giờ nghe băng và chỉnh sửa cực nhọc cho từng người học như trước đây.

Đưa ra lời khuyên cho các startup muốn ứng dụng AI vào sản phẩm nhưng ngân sách lại hạn hẹp, chị Vũ cho rằng trước khi đến với những phương án tiêu tốn kinh phí như đi mua dữ liệu hay thuê người làm, các công ty hãy linh hoạt với phương án tiếp cận nguồn dữ liệu của mình.

Chẳng hạn việc ELSA đến các trường đại học lớn nhờ các bạn sinh viên ghi âm cách đọc cũng giúp công ty thu về một lượng dữ liệu lớn với chi phí thấp.

Trả lời câu hỏi của khán giả về những lợi thế của startup giáo dục trước các ông lớn có tiềm lực mạnh trong ngành, các diễn giả cho rằng điều quan trọng là founder thực sự có đam mê và ám ảnh với vấn đề mà sản phẩm của họ đang nỗ lực giải quyết.

Các tập đoàn dù có lớn đến đâu thì chắc chắn cũng không bao giờ giải quyết hết được các vấn đề phát sinh trong quá trình học tập của con người, thậm chí các công ty này còn bỏ qua các vấn đề họ cảm thấy không phù hợp với định hướng phát triển của mình. Đây chính là cơ hội cho các startup dám dấn thân.

Theo Genk