Startup AskVietnamese: Cảm ơn du khách đã chọn Việt Nam
Vượt qua 100 đơn đăng ký và 2 vòng phỏng vấn từ Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), AskVietnamese là một trong 3 startup vừa được chọn tham gia chương trình Tăng tốc khởi nghiệp khóa 7.
Ra mắt Chiến dịch GoVietnam2021 vào đầu tuần trước, Ngô Bảo Ngọc cùng đội ngũ AskVietnamese kêu gọi mọi người chia sẻ trải nghiệm đậm chất Việt đến du khách quốc tế để xây dựng những tấm bản đồ đặc biệt dành tặng du khách đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
10.000 tấm bản đồ đặc biệt dành tặng du khách
“Chúng tôi tin tưởng, khách du lịch sẽ trở lại Việt Nam khi dịch bệnh được khống chế. Hơn nữa, khi ngần ngại du lịch nước ngoài, người Việt sẽ lựa chọn các điểm đến nội địa”, Ngô Bảo Ngọc, sáng lập AskVietnamese tự tin nói.
Đây cũng chính là động lực để đội ngũ AskVietnamese thực hiện Chiến dịch GoVietnam 2021. Bảo Ngọc cho biết, chiến dịch này kêu gọi mỗi người trở thành “một đại sứ du lịch”, giới thiệu trải nghiệm đậm chất Việt đến du khách quốc tế. Các cá nhân tham gia chiến dịch này sẽ chia sẻ sở thích du lịch của mình tại Hà Nội, Huế và TP.HCM, thông qua những câu hỏi ngắn, ví dụ: kể tên 5 quán cà phê tại Sài Gòn mà bạn nhất định phải check-in khi hết COVID-19… Những câu trả lời này sẽ là một phần tài nguyên trực tiếp để AskVietnamese xây dựng nội dung cho 10.000 bản đồ “Fighting Corona”, phiên bản đặc biệt phát hành miễn phí cho du khách đến Việt Nam năm 2021. “Bản đồ này được làm trong giai đoạn đại dịch diễn ra và dành tặng du khách như một lời cảm ơn, khi họ có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng vẫn chọn Việt Nam”, Bảo Ngọc chia sẻ.
AskVietnamese là startup cung cấp dịch vụ cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. COVID-19 khiến ngành du lịch “đóng băng” và AskVietnamese cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động. Trang web Askvietnamese.vn của Công ty bị giảm hơn 50% lượt truy cập trong mùa dịch, nhưng tình trạng suy giảm của ngành không thể “đóng băng” sức sáng tạo của Ngô Bảo Ngọc cùng các cộng sự.
Theo khảo sát và phân tích của đội ngũ AskVietnamese từ 800 khách du lịch tại TP.HCM, khoảng 95% khách quốc tế đến Việt Nam có nhu cầu về bản đồ giấy. Không giống như điện thoại hay máy tính bảng, bản đồ giấy sẽ không bao giờ… hết pin và nó thực sự hữu dụng đối với khách du lịch nước ngoài.
Do đó, bên cạnh việc cung cấp bản đồ giấy như đã thực hiện gần 2 năm qua, AskVietnamese sẽ cung cấp thêm các gợi ý về địa điểm ăn uống, phân định các món ăn theo từng mức giá… trên cùng một tấm bản đồ, biến tấm bản đồ thành “người đồng hành” thân thiết đối với khách du lịch.
Tìm lời giải cho mô hình kinh doanh
Vượt qua 100 đơn đăng ký và 2 vòng phỏng vấn từ Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), AskVietnamese là một trong 3 startup vừa được chọn tham gia chương trình Tăng tốc khởi nghiệp khóa 7.
Với Bảo Ngọc, đây là thành công bước đầu, cũng là cơ hội để đội ngũ AskVietnamese nhìn lại mô hình kinh doanh, đánh giá những công việc đang làm có thực sự hỗ trợ du khách quốc tế cũng như góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới như sứ mệnh đang theo đuổi.“VIISA đưa ra những câu hỏi khiến chúng tôi phải suy ngẫm, điều chỉnh mô hình kinh doanh, thay vì miệt mài chạy hết dự án này này đến chiến dịch khác”, Bảo Ngọc nói.
Những câu hỏi liên quan đến trụ cột trong mô hình kinh doanh Canvas, đặc biệt là liên quan đến chia phân khúc khách hàng hiệu quả tưởng chừng dễ dàng, nhưng lại là thử thách với đội ngũ AskVietnamse.
Họ mất 2 tuần tìm hiểu và xác định vấn đề thực sự mà khách quốc tế vấp phải khi đến du lịch tại Việt Nam. Đó là khó khăn khi giao tiếp với người bán hàng và cảm thầy phiền lòng khi bị “chặt chém”.
Thực tế, trong thời gian học tập tại Đại học Oxford Brookes (Anh), Bảo Ngọc đã được tiếp cận mô hình kinh doanh Canvas, nhưng cô không chú tâm và chưa nghĩ đến việc áp dụng.
Hoàn thành bậc học thạc sỹ và trở về Việt Nam, Bảo Ngọc cùng đội ngũ gồm 10 người quyết định lập AskVietnamse với sản phẩm ban đầu là một trang web giới thiệu các điểm đặc sắc về văn hoá, ẩm thực.
Sáu tháng sau đó, qua những lần khảo sát liên tục, họ nhận ra, khách du lịch thiếu một tấm bản đồ, không chỉ dùng để chỉ đường, mà còn có thể cung cấp những thông tin cần thiết và có giá trị khác.
Từ đây, Bảo Ngọc cùng đội ngũ AskVietnamese tập trung phát triển một sản phẩm tích hợp giữa bản đồ truyền thống và bản đồ công nghệ số. Nội dung của bản đồ được xây dựng bằng cách sử dụng sức mạnh của cộng đồng thông qua việc chia sẻ thông tin.
Ngoài ra, không chỉ khách quốc tế, người Việt du lịch nội địa cũng cần đến bản đồ, như một bức tranh toàn cảnh về điểm đến. Đây là điều mà đội ngũ AskVietnamse đã bỏ qua và đang nỗ lực tìm lời giải.
Hồng Phúc