Bánh mì là niềm tự hào của Việt Nam, khởi nghiệp với bánh mì đang là xu thế của nhiều bạn trẻ. Đâu là cách để khởi nghiệp dễ thành công, kinh nghiệm gì mà bạn trẻ nên lưu ý người đi trước?

Chưa ở đâu các món bánh mì đa dạng, phong phú như ở Việt Nam. Món ăn được viết “banh mi” trong từ điển Oxford, được Google tôn vinh, là nguồn cảm hứng để H’ Hen Niê có trang phục thiết kế bánh mì để dự thi hoa hậu hoàn vũ, ngày càng chinh phục được nhiều thực khách trên khắp thế giới. Đó là một trong những lý do mà người trẻ quan tâm khởi nghiệp với bánh mì nhiều hơn.

Bánh mì kẹp giò, chả, nước tương, ớt, đồ chua; bánh mì chấm sữa; bánh mì kẹp pa tê; bánh mì cay; bánh mì trứng; bánh mì gà; bánh mì chả cá; bánh mì cười; bánh mì ăn với cá hộp… ở Việt Nam có 1001 loại bánh mì từ sự sáng tạo của chính những người trẻ. Khởi nghiệp với bánh mì, họ muốn nâng giá trị món ăn, đưa nó vào cuộc sống gần gũi hơn với mỗi người, quảng bá giá trị hơn với bạn bè quốc tế.

Khởi nghiệp với bánh mì đang là xu thế

Anh Lê Quốc Thạch, 32 tuổi, sáng lập bánh mì Kebab Torki, với 180 xe, ki ốt, cửa hàng bánh mì ở 39 tỉnh thành cho biết khởi nghiệp với bánh mì đang là xu thế: “Hiện làn sóng khởi nghiệp với các món ăn châu Á ở Việt Nam đang lên rất nhanh. Một trong những xu thế, đó là khởi nghiệp với món bánh mì. Bạn có thể thấy bánh mì là món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam, được vào từ điển Oxford và được nhiều bạn bè quốc tế ca ngợi”.

“Bánh mì cũng là món ăn bình dân, giản dị, tiện lợi, ai cũng có thể ăn, ăn vào nhiều thời điểm trong ngày. Khởi nghiệp với một xe bánh mì chi phí ban đầu không quá cao, khoảng 45 triệu đồng. Người khởi nghiệp với bánh mì có thể khởi nghiệp ở ngay địa phương mình mà không nhất thiết phải tới các đô thị lớn, bởi đều có thị trường rất tiềm năng. Vậy thì bánh mì có thể là lựa chọn rất ổn cho những ai mới khởi nghiệp, khi mà chúng ta có thể bắt đầu với món ăn Việt Nam, của người Việt Nam”, anh Thạch nói thêm.

Đồng thời, theo anh Thạch, thời điểm sau khi hết cách ly xã hội vì Covid-19, mọi thứ đang rục rịch trở lại hoạt động bình thường, các nhà khởi nghiệp, trong đó có đồ ăn mang về như bánh mì sẽ có nhiều lợi thế. “Thời điểm này, xu hướng mua đồ ăn mang về vẫn cao. Các xe bánh mì linh động, dễ chuyển tới – lui, bán mang về cho khách sẽ tiết kiệm được mặt bằng và nhiều chi phí khác”, anh Thạch cho hay.

Anh Nguyễn Văn Hải, 22 tuổi, người đang khởi nghiệp với bánh mì kẹp thịt tại thị xã Bình Long, Bình Phước cho biết bánh mì là món dễ ăn, hợp túi tiền, nếu bánh mì ngon, có thể một người một ngày ghé mua 3-4 lần để ăn, nên khởi nghiệp với món bánh mì có những điều khá lợi thế ban đầu.

Ngon, khác biệt và chuyên nghiệp

Các nhà khởi nghiệp trẻ cho biết, xe bánh mì không hiếm trên khắp các ngõ hẻm, đường phố ở các tỉnh thành Việt Nam, nhưng để tạo dựng thương hiệu riêng, để thực khách ăn rồi nhớ mãi và cơ hội có thể lan toả thương hiệu thành nhiều cửa hàng/nhiều xe bánh mì khác nhau thì không phải ai cũng có thể làm được.

Anh Lê Quốc Thạch cho hay, ngoài tiêu chí ngon và chất lượng, đây là điều bắt buộc trong kinh doanh ẩm thực. Để dễ dàng thành công, có thể phát triển thành chuỗi xe bánh mì/ki ốt/tiệm thì phải có quy trình, cách làm rõ ràng, nguyên vật liệu đơn giản.

Anh Nguyễn Văn Hải cho rằng: “Lựa chọn vị trí để xe bánh mì/tiệm bánh mì phải phù hợp với đối tượng của món bánh mì đó. Ví dụ bánh mì chảo (bò né) sẽ hợp hơn với đối tượng sinh viên, dân văn phòng, nên càng gần các trường đại học, trụ sở công ty càng tốt. Trong khi bánh mì kẹp thịt thông thường ở đâu tập trung đông dân cư, học sinh dễ quan sát thì  lợi thế hơn”.
Bên cạnh đó, theo anh Hải, người khởi nghiệp cũng cần sáng tạo. Ngoài chất lượng món ăn,  nên quan tâm cách chăm sóc khách hàng, cách để khách hàng cảm thấy vui lòng khi được mua hàng ở tiệm của mình. “Đơn giản như một ngày khuyến mãi ly Coca khi mua kèm bánh, phát số cho khách để tới chờ đợi bánh dễ chịu hơn, hay cách mình niềm nở chào đón khách, tôi nghĩ cũng là cách hay”, Hải bật mí.

Đặt trái tim lên chiếc bánh mì

Trong một lần phỏng vấn ông chủ tên Trần Tiến của tiệm bánh mì pate cay, chè Thái Hải Phòng (37 Đinh Tiên Hoàng, TP Hải Phòng),  chúng tôi còn nhớ rất rõ khi anh giới thiệu về món bánh da lợn bán kèm cả chè Thái, trong tiệm bánh mì cay. Rõ ràng đó là bánh da lợn không sai đi đâu được, mà người TP.HCM hay ăn, nhưng anh Tiến muốn gọi nó là “bánh sắc màu tình yêu”. Anh Tiến nói: “Có tình yêu sẽ làm được hết. Ai cũng hỏi bí quyết nào để tiệm bánh mì con con này đông suốt từ sáng sớm tới khuya muộn, tôi nói rằng bởi bánh mì, hay chè Thái, hay món ăn gì cũng làm từ tình yêu mà ra cả. Đừng vì lời lãi thêm đôi ba trăm mà làm ăn gian dối”.

Hay như Nguyễn Văn Hải, bạn trẻ 22 tuổi đang khởi nghiệp với bánh mì kẹp thịt ở Bình Phước, chất lượng vỏ bánh, chất lượng thịt và các loại rau củ làm nên tổng thể một chiếc bánh mì kẹp thịt ngon. Chắc chắn không thể nào có bánh mì ngon nếu như vì tham tiền để mua thịt lợn ôi thiu, hay ham rẻ mà rước rau củ đã hư hỏng vào chiếc bánh mì.

“Mỗi tháng tiền điện để chạy tủ lạnh bảo quản nguyên vật liệu của em, và tiền gas để chạy lò nướng bánh mì từ sáng sớm tới tối muộn cũng ngốn hết vài triệu đồng. Có lúc mới mở tiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm nên để vỏ bánh mì bị mốc hết, may là còn kịp xoay sở để bán hàng sáng hôm sau”, đó là một bài học xương máu mà em nhớ mãi. Muốn thành công, thì làm việc nhỏ hay lớn cũng phải thật tận tâm, hết công sức của mình”, Nguyễn Văn Hải, người đang khởi nghiệp với bánh mì, chia sẻ.

Bảo Vy

Nguồn