Startup giành giải thưởng 22.000 USD với ý tưởng tạo tia cực tím để khử trùng tay tránh virus corona.
SunCrafter, một startup ở Đức đã sử dụng các pin mặt trời tái chế để tạo ra tia cực tím khử trùng bàn tay và giành được giải thưởng trị giá 22.000 USD trong cuộc thi Global Hack được thiết kế để chia sẻ và phát triển nhanh chóng các ý tưởng chống lại đại dịch COVID-19.
Cuộc thi Global Jack được tổ chức trong khuôn khổ phong trào Hack the Crisis bởi Garage48 có trụ sở ở Estonia và được tài trợ bởi Trung tâm ươm tại doanh nghiệp của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) nhằm tìm ra ý tưởng để giải quyết các vấn đề trên toàn cầu bao gồm giáo dục, kinh tế, sức khỏe tâm thần và môi trường. Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 9-12 tháng 4 nhưng có hơn 40 hội thảo được tổ chức trực tuyến và 12.000 người từ hơn 100 quốc gia đã tham gia.
Giải thưởng cao nhất thuộc về SunCrafter, một startup ở Đức với ý tưởng trạm khử trùng sử dụng ánh sáng ở bước sóng được chứng minh là có thể tiêu diệt vi trùng nhưng an toàn cho da và mắt. Startup sử dụng các mô-đun ngừng hoạt động của các trang trại năng lượng mặt trời công nghiệp để tạo ra sản phẩm này.
Cô Lisa Wendzich, người sáng lập và giám đốc điều hành của SunCrafter cho biết, công ty hiện đang làm việc với các đối tác để tìm cách sản xuất số lượng lớn sản phẩm này trong thời gian tới.
Công nghệ này có thể được sử dụng trong các bệnh viện dã chiến, trại tị nạn và khu ổ chuột đô thị ở các quốc gia có nguồn cung cấp năng lượng kém, cũng như trong các không gian công cộng, cô nói.
Hai ý tưởng được đánh giá cao và giành vị trí thứ hai với giá trị giải thưởng 11.000 USD đó là ý tưởng hỗ trợ tâm lý trực tuyến cho những người bị cách ly của Act on Crisis và ý tưởng về công cụ có sử dụng AI để dự đoán các nguyên vật liệu có thể tái sử dụng từ các công trình xây dựng bị phá hủy của Material Mapper.
Các nhà tổ chức hy vọng sẽ có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại, biến các ý tưởng tiến bộ thành hiện thực.
Ông Andrus Kurvits, Giám đốc trung tâm ươm tạo doanh nghiệp của ESA ở Estonia cho biết đã hợp tác với các nhóm tác giả trong cuộc thi toàn cầu này để hiện thực hóa ý tưởng của họ tại cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đặc biệt của Estonia với sự hỗ trợ tài chính cần thiết.
Hàn Mai