3 cô gái khởi nghiệp tạo ra nhựa thân thiện với môi trường
Nhựa gây hại cho hành tinh nhưng nhựa cũng giúp cuộc sống trở nên tiện lợi. Thay vì bỏ nhựa, startup của 3 cô gái trẻ tạo ra loại nhựa thân thiện với môi trường.
Nuha Siddiqui năm 2016 đã đọc báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cô gái bị ấn tượng mạnh với dự báo đến năm 2050 nhựa trong các đại dương sẽ nhiều hơn cá. Lúc này khi còn là sinh viên Đại học Toronto (Canada), cô mong muốn làm gì đó để thay đổi tương lai u ám này.
4 năm sau, Siddiqui là CEO của một công ty khởi nghiệp đang trên đà phát triển nhanh chóng làm về nhựa sinh thái không gây hại. Công ty của cô đã huy động được hàng triều USD tiền đầu tư mạo hiểm và đang làm việc với các gã khổng lồ trong ngành sản xuất nhựa toàn cầu nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế.
Bao bì đóng gói làm từ đậu nành
Công ty của Siddiqui có tên gọi Ecopackers với dòng sản phẩm chính theo đúng như tên của nó: Eco – sinh thái và packers – bao bì đóng gói. Startup tập trung vào sản xuất bao bì cho các loại sản phẩm được tạo ra từ đậu phộng. Khi không sử dụng nữa, loại túi này có thể phân hủy tự nhiên vào môi trường.
Siddiqui cho biết túi của công ty mình sản xuất có thể đặt vào hầm ủ để tự phân hủy tự nhiên mà không cần sự tác động của công nghệ xử lý nhân tạo, cô cũng cho biết sẽ ăn những chiếc bao bì này trước mặt nhà đầu tư để chứng minh chúng an toàn và thân thiện với môi trường.
Năm 2018, startup đã tốt nghiệp chương trình ươm tạo Next 36 của chính phủ Canada dành cho khởi nghiệp rồi sau đó tham gia khóa đào tạo của Creative Destruction Lab. Tại đây, Siddiqui gặp Kritika Tyagi và Chang Dong rồi họ cùng nhau phát triển việc kinh doanh tập trung vào tác động thay đổi xã hội.
“Ngoài thiết kế mẫu mã, giá thành hay chất lượng sản phẩm đầu ra, thì giá trị thực tế mà chúng tôi đem lại còn ở những tác động xã hội mà nhờ khoa học chúng tôi có thể thực hiện được,” Siddiqui cho biết trong một bài phỏng vấn.
Không đặt mục tiêu lợi nhuận mà là phát triển thật lớn mạnh để thay đổi xã hội, 3 cô gái của Ecopackers đã đến Trung Quốc để tìm hiểu về ngành sản xuất nhựa và xác định các đối tác để cùng tìm ra giải pháp thay đổi. Sau chuyến đi, họ đã tìm được phương hướng cho mình.
Hợp tác cùng dây chuyền sản xuất nhựa cũ
“Chúng tôi là một trong số ít các công ty làm sinh thái mà không chống lại các công ty nhựa, thay vào đó chúng tôi cố gắng hợp tác và tạo ra những sản phẩm sinh thái từ công nghệ của họ,” Siddiqui chia sẻ.
Ý tưởng của Ecopackers là tạo ra một loại nhựa mới có hiệu năng sử dụng tương tự các loại nhựa đã có mặt trên thị trường, nhưng vật liệu tạo ra giúp chúng có thể phân hủy hoàn toàn. Tháng 12/2019 vừa qua, công ty đã gọi được số tiền 4,3 triệu USD từ vòng hạt giống cùng một gói bảo trợ đến từ Ajay Agrawal, sáng lập viên của Creative Destruction Lab.
Ecopackers hiện tại đang làm việc với hãng bia AB InBev để cùng nghiên cứu về loại nhựa mới sẽ sử dụng để thay thế vỏ bia hiện tại, đây cũng là dự án thuộc chương trình Tăng tốc bền vững của công ty. Ecopackers cũng thực hiện dự án thí điểm với các công ty khác ở Canada, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, cũng như thuê kỹ sư, nhà khoa học vào nhóm phát triển của mình.
Siddiqui chia sẻ tầm nhìn của Ecopackers chính là thay đổi thành phần nhựa độc hại bằng nhựa sinh thái, thay vì thay đổi thói quen của người tiêu dùng – vốn là một việc hết sức khó khăn và hiện đang được diễn ra tương đối chậm chạp trước tốc độ ô nhiễm hóa của hành tinh.
“Chúng ta liên tục nhắc nhở người tiêu dùng hãy thay đổi thói quen dùng nhựa và chuyển sang dùng các loại vật liệu thay thế khác. Tôi không cho rằng điều này sai hoặc không tốt, tuy nhiên tôi thấy nó không thật sự cần thiết vì rất khó để thực hiện, thay vào đó chúng tôi sẽ tạo ra nhựa sinh thái có thể phân hủy sinh học được,” nữ sáng lập viên cho biết.
Mục tiêu dài hạn đến năm 2050
Sau thời gian hoạt động công ty, Nuha Siddiqui cho biết các đối tác và những nhà sản xuất đánh giá cao với sản phẩm nhựa sinh thái bởi vì họ chỉ cần thay thế nguyên liệu đầu vào chứ không cần bỏ đi dây chuyền sản xuất cũ, từ đó giúp tránh thiệt hại nhiều về kinh tế.
Trong tương lai, Ecopackers đặt mục tiêu phát triển toàn cầu với trụ sở chính đặt tại Toronto cùng nhiều văn phòng đại diện ở khắp hành tinh. Công ty hiện tại đã có cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn đảm bảo ở bất cứ nơi nào, người dân cũng có thể sử dụng nhựa sinh thái và nhận thức được những gì họ đang sử dụng có tác động như thế nào đến với môi trường,” Siddiqui chia sẻ và mong muốn công ty sẽ phát triển hơn nữa vì những mục tiêu đã đặt ra từ lúc cô còn ở đại học.
Cô gái Siddiqui trả lời khi được hỏi về mục tiêu dài hạn của công ty: “Chúng tôi muốn thay đổi, thực tế vào năm 2050 sẽ khác so với những gì trong báo cáo của WEF. Đến lúc đó, cá trong đại dương sẽ phải nhiều hơn nhựa và tham vọng hơn chúng tôi muốn nhựa dùng một lần trên khắp thế giới đều là nhựa sinh thái của Ecopackers.”