Phân tích\ Co-working đang lan rộng tại Việt Nam và bùng nổ ở Đông Nam Á
Mô hình văn phòng co-working đang ngày càng phổ biến hơn trên thị trường. Đặc biệt, loại hình văn phòng này đang lớn lên song hành với sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Việt Nam là “miền đất hứa” để phát triển co-working
Báo cáo nghiên cứu thị trường Việt Nam quý I/2017 của Công ty tư vấn bất động sản Colliers International Việt Nam vừa công bố cho biết: “Nhờ tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí, không gian làm việc chung đang ngày càng phổ biến. Đây thực sự là lựa chọn ưa thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi họ chỉ cần diện tích từ 20 – 40 m2 để hoạt động, trong khi đó các tòa nhà cao ốc thường cho thuê ít nhất 200 m2”.
Trước đó, Báo cáo của Công ty tư vấn Bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) cũng từng thống kê, Việt Nam đã có hơn 40 co-working kể từ khi Start – một trong những không gian chia sẻ đầu tiên thành lập vào năm 2012.
Những không gian này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Minh chứng là vào tháng 3/2015, chuỗi không gian chia sẻ Toong nhận được khoản tài trợ lên đến cả triệu USD từ các nhà đầu tư giấu tên. Hiện Toong có 3 cơ sở tại Hà Nội, gồm ở Tràng Thi (Hoàn Kiếm); Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) và Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy). Ngoài ra, chuỗi này còn có một văn phòng tại quận 2, TP HCM và một ở đường Trần Phú, Đà Nẵng.
Cũng giống như Toong, nhiều chuỗi co-working cũng liên tiếp mở rộng hệ thống của mình tại Việt Nam. Cụ thể, Dreamplex đã có kế hoạch mở rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng sau văn phòng đầu tiên tại TP HCM. Gồm ba tầng của tòa nhà Miss Áo Dài, TP HCM, mỗi tầng 500 m2, Dreamplex được khởi công vào cuối tháng 8/2015 với số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng, thiết kế lấy ý tưởng như mô hình không gian làm việc chung WeWork tại Mỹ.
Một đơn vị khác là Regus cũng đang tăng lên nhanh chóng, từ một trung tâm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1998, hiện đã lên đến con số 7 trung tâm ở cả Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, (trong đó có đến ba trung tâm mới hình thành chỉ trong năm 2016).
Lãnh đạo Regus nói: “Tỷ lệ lấp đầy các văn phòng linh hoạt hiện tại của Regus ở Việt Nam là 77% (tương đương khoảng 1.000 lượt khách trên tổng số sức chứa tối đa là 1.300 lượt khách mỗi ngày). Dù chưa có con số chính xác nhưng tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam hoàn toàn có thể đạt như mức tăng của công ty tại Philippines – tăng từ 25 – 30%/năm”.
Ngoài những đơn vị trên có thể kể thêm nhiều cái tên khác cũng cung cấp dịch vụ văn phòng tương tự tại Việt Nam như UP, iHouse (tại Hà Nội)… và Work Saigon, Saigon Coworking (tại TP HCM)…
Việt Nam là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp co-working bởi lực lượng lao động trẻ đang chiếm đa số, họ tiếp thu công nghệ thông tin nhanh chóng và thích làm việc tại bất cứ nơi nào, thích thay đổi định nghĩa về giờ làm việc, nơi làm việc…
Một ưu điểm nổi bật khác của loại hình văn phòng chia sẻ dễ thấy là khách hàng sẽ không phải bỏ chi phí để gây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cơ bản… cho văn phòng làm việc. Trong khi, hợp đồng ký kết giữa hai bên chỉ tính theo ngày, theo tháng chứ không nhất định phải kéo dài hàng năm như với văn phòng truyền thống, điều này giúp khách hàng tự chủ hơn trong kế hoạch xây dựng và phát triển công ty mình.
Mức giá tại các cơ sở co-working dao động trong khoảng từ 1 – 1,5 triệu/người/tháng cho chỗ ngồi tự do và từ 1,5 – 3,3 triệu/người/tháng cho vị trí ngồi cố định. Đây là mức giá được cho là hợp lý so với con số cao hơn gấp nhiều lần khi doanh nghiệp thuê văn phòng truyền thống hoặc đơn giản là nhân số tiền uống cà phê cả tháng lên khi ngồi làm việc tại các quán cà phê.
Văn phòng chia sẻ cho khởi nghiệp đang bùng nổ tại Đông Nam Á
Báo cáo của JLL cũng thông tin, tại Đông Nam Á, co-working (hay còn gọi là văn phòng chia sẻ, văn phòng linh hoạt) đang rất phổ biến với hơn 10.000 không gian được thành lập vào cuối năm 2016. Khu vực này đặc biệt hấp dẫn các công ty khởi nghiệp bởi chi phí sinh hoạt thấp, lực lượng lao động kỹ thuật trẻ cùng mạng lưới công nghệ số ngày càng phát triển…
JLL liệt kê, tại Singapore, từ một không gian văn phòng chia sẻ xuất hiện vào năm 2009, hiện đã có hơn 30 văn phòng. Thương hiệu 17 WOTSO của Úc gần đây đã thành lập co-working đầu tiên tại châu Á ở Singapore; The Hub thì huy động đầu tư được 1,5 triệu đô la Singapore. Trong khi đó, The Hive cũng đang nhắm đến quốc gia này là nơi tiếp theo trong danh sách tăng trưởng của mình.
Các chuỗi văn phòng chia sẻ toàn cầu như WeWork (khá nổi tiếng ở Mỹ) bắt đầu xâm nhập vào thị trường Châu Á và nhanh chóng phát triển nhưng các thương hiệu nội địa cũng rất nỗ lực để gia tăng sức cạnh tranh của họ.
Các văn phòng chia sẻ đang ngày càng chú trọng đến yếu tố vị trí đắc địa và không gian làm việc được thiết kế độc đáo, có view đẹp. Cụ thể, BeacHub ở Koh Phangan Thái Lan tạo ra một không gian co-working ngay tại bãi biển; Hubud – không gian co-working đầu tiên tại Bali (Indonesia) lại cho phép các doanh nhân ngắm phong cảnh ruộng bậc thang ngay khi họ đang phát triển các ý tưởng kinh doanh.
Tại các khu đô thị, nội thất sáng tạo và cafe ngon đã không còn đủ sức thu hút doanh nhân nội địa, một số nơi đã phải có những điều khác biệt hơn. Có thể kể đến như The Outpost ở Singapore cung cấp cả chuyên gia cố vấn châu Á và nguồn nhân lực cho khách; hay một khu vực của Refinery, không gian co-working được thiết kế dành riêng cho thợ thủ công; còn Trehaus tại Singapore lại là một trong những nơi có kèm dịch vụ chăm sóc trẻ đầu tiên tại Đông Nam Á…
Báo cáo nhận định, Chính phủ các nước Đông Nam Á đang khuyến khích loại hình văn phòng linh hoạt phát triển khi nhìn thấy mối tương quan giữa co-working với hoạt động của các công ty khởi nghiệp.
Chương 18 trình Doanh nhân toàn cầu Indonesia (GEPI), một phần của sáng kiến của Mỹ hỗ trợ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trên toàn thế giới, cung cấp văn phòng chia sẻ cho các nhà khởi nghiệp. Trong khi, Chính phủ Jakarta cũng tiết lộ kế hoạch xây dựng hai không gian co-working để hỗ trợ các doanh nhân trẻ trong khu vực. Còn Chính phủ Singapore đang nâng cao năng lực công nghệ ở nhiều lĩnh vực để phát triển một hệ sinh thái sáng tạo, có thể làm tăng nhu cầu về không gian làm việc phi truyền thống như co-working…
JLL dự báo, từ tỷ lệ 1 – 1,5% như hiện nay, đến năm 2030 không gian co-working sẽ tăng lên mức 10 – 15% trên tổng nguồn cung văn phòng ở Đông Nam Á.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng