Startup chăm sóc trẻ em hỗ trợ các gia đình vượt ‘bão’ COVID-19
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em đang triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ cho các gia đình trong việc chăm sóc con cái mùa dịch COVID-19.
Suốt vài tuần qua, theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ, nhiều phụ huynh bắt đầu ở nhà và đang vật lộn tìm cách cân bằng giữa công việc và gia đình, đặc biệt là chuyện chăm con.
Trong bối cảnh này, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ, từ những hỗ trợ đặc biệt cho gia đình của các nhân viên thuộc tuyến đầu chống dịch đến phát triển nền tảng công nghệ để trông trẻ trực tuyến.
Hỗ trợ đặc biệt cho nhân viên tuyến đầu phòng dịch
Theo TechCrunch, các nhân viên công tác trong những lĩnh vực được phân loại thiết yếu như: nhân viên y tế, nhân viên ứng phó khẩn cấp và nhân viên cửa hàng tạp hoá là đối tượng phụ huynh được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả trong công tác chống dịch.
Theo đó, các startup đang điều chỉnh nền tảng hoặc ứng dụng để giúp các gia đình này vừa chăm sóc gia đình họ đầy đủ nhất vừa cân bằng nhu cầu cấp thiết của họ về chăm sóc với các biện pháp phòng ngừa an toàn COVID-19 để hỗ trợ cộng đồng.
Ví dụ như Winnie, một nền tảng chuyên dùng để tra cứu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ uy tín trên khắp Hoa Kỳ, hiện đang rà soát và cập nhật dữ liệu mới nhất về tình trạng đóng cửa/mở cửa của họ. CEO Sara Mauskopf cũng cho biết, Winnie đã ra mắt một cổng thông tin dành cho cha mẹ tìm dịch vụ chăm sóc trẻ khẩn cấp ngay lập tức.
Kasey Edwards, người sáng lập và CEO của Helpr – một ứng dụng kết nối bảo mật giữa cha mẹ với bảo mẫu, cho biết họ đang làm việc với gia đình của nhân viên thiết yếu để giúp họ an tâm về việc chăm sóc con trẻ. Tính năng “Out-of-network” (quản lý ngoài mạng lưới) cho phép những bậc cha mẹ này chủ động quản lý người bảo mẫu trực tuyến và quản lý các khoản trợ cấp chăm sóc dự phòng từ công ty chủ quản.
Trong khi đó, Komae, một ứng dụng chuyên cho phép các nhóm gia đình tạo ra những cộng đồng kín để thay phiên nhau chăm sóc con cái, đang áp dụng chương trình miễn lãi suất khi chi trả bằng thẻ tín dụng. Đồng thời, họ đang cung cấp dịch vụ này cho người lao động thuộc 7 tổ chức y tế trên nước Mỹ.
“Cộng đồng này hoàn toàn được bảo mật. Các gia đình trong cùng một nhóm có thể cùng nhau quản lý trẻ và hạn chế tối thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng so với việc thuê bảo mẫu hoặc nhờ sự hỗ trợ của ông bà”, người sáng lập và CEO Erin Beck cho biết. Ứng dụng này cũng khuyến cáo các hộ gia đình chỉ nên lập nhóm nhỏ từ 2-3 gia đình.
Còn Chris Bennett, CEO và đồng sáng lập của Wonderschool, một mạng lưới gồm các dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ tại nhà thuộc bang California, New York và Texas đang nắm bắt một cơ hội khác:
“Ở khu vực chúng tôi, chính quyền vẫn cho phép các cơ sở cung cấp bảo mẫu tận nhà quy mô nhỏ được tiếp tục hoạt động để hỗ trợ tối đa các lao động tuyến đầu phòng dịch. Và trong bối cảnh các trường mẫu giáo đều đóng cửa, chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để giúp phụ huynh có nhu cầu gặp được bảo mẫu đáng tin cậy.”
Một công ty khác là WeeCare cũng đang nhanh chóng thay đổi hệ thống để đáp ứng nhu cầu cho khu vực Bắc Mỹ và New York.
Nâng cấp các dịch vụ theo yêu cầu
Ngoài việc thay đổi để đáp ứng riêng cho nhóm phụ huynh kể trên, nhiều công ty khởi nghiệp tập trung hỗ trợ các bậc cha mẹ nói chung trong việc đáp ứng đa dạng nhu cầu bao gồm: tìm kiếm các dịch vụ bảo mẫu ngắn hạn hoặc cần tìm gấp, các dịch vụ trực tuyến như người bạn ảo để giúp cân bằng công việc và đời sống gia đình.
MyVillage, một nền tảng kết nối các dịch vụ giữ trẻ tại Colorado và Montana, đang nhận thấy sự gia tăng trong nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ chăm trẻ tạm thời vì trường học đóng cửa. Do đó, họ đang liên kết với công ty cung cấp giải pháp hỗ trợ gia đình để quảng bá thêm về doanh nghiệp mình.
Trong khi đó, công ty Komae mở rộng thêm tính năng playdate (các buổi đưa trẻ giao lưu tại nhà nhau) còn công ty Helpr đang tăng cường các lớp học nhạc và các trò chơi tại nhà cho gia đình trên cùng nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, phụ huynh có thể lên ứng dụng để trao đổi, chia sẻ thông tin và sắp xếp lịch trông trẻ với các gia đình khác dễ dàng.
“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng con mình có thể vui chơi với bạn qua màn hình máy tính. Nhưng, chúng thật sự đang rất vui vẻ và thậm chí còn khoe đồ chơi với bạn. Đó thật sự là khả năng kết nối trực tuyến và giúp ích cho chúng tôi rất nhiều,” Beck, một phụ huynh ở Mỹ cho biết.
Tăng cường vấn đề an toàn vệ sinh
Tuân thủ an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, đặc biệt ở thời điểm dịch COVID-19. Ngoài việc tuân theo các hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch Hoa Kỳ (CDC) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhiều công ty cũng đã tiến hành thực hiện các chính sách riêng biệt để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Một số khác cũng đưa ra các chương trình hỗ trợ tài chính để giúp những trung tâm phải đóng cửa vì dịch, tránh vì sức ép tài chính mà kinh doanh trong tình trạng an toàn sức khoẻ không đảm bảo, gây hại cộng đồng.
Ví dụ như trên trang chủ của công ty Komae, ngay trước khi bang Ohio thông báo là bang đầu tiên đóng cửa các trường học, họ đã đăng tải khuyến cáo các gia đình nên ngừng gửi trẻ qua nhà nhau.
Việc chủ động hỗ trợ và đưa ra các giải pháp thiết thực cho các phụ huynh thuộc lĩnh vực y tế giúp Komae vẫn duy trì được cộng đồng và nhận được sự ủng hộ từ người dùng. CEO Komae cho biết: “Chúng tôi cố gắng tận dụng tối đa những nguồn lực sẵn có để hỗ trợ chính phủ và cha mẹ trong công tác chống dịch.”
Riêng WeeCare đã bổ sung một tính năng để theo dõi tình trạng sức khoẻ của bảo mẫu và thu thập lại video kiểm tra nhiệt độ bằng nhiệt kế của họ mỗi sáng. Sau khi video được xác minh bởi đội ngũ phụ trách của WeeCare, các bảo mẫu sẽ nhận được thẻ chứng nhận “không sốt” và cập nhật lên hệ thống cùng ngày tháng rõ ràng. Đây cũng là động thái tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của CDC.
Ngoài ra, nhiều công ty cũng hỗ trợ các gói tài chính cho người trông trẻ để giúp đỡ những người bị cách ly và đảm bảo họ không cảm thấy buộc phải làm việc ngay cả khi bị ốm. Ví dụ, MyVillage đã huy động thêm vốn để cho phép hơn 60 tổ chức giáo dục trong mạng lưới của mình tiếp tục duy trì thu nhập đến tháng 4. Trong trường hợp chủ nhà bị cách ly, MyVillage sẽ hỗ trợ cho các gia sư một khoản trợ cấp bằng 11 đến 14 ngày học phí cho đến lúc họ có thể trở lại dạy học.
Helpr cũng triển khai các chính sách nghỉ ốm cho bảo mẫu ngay sau Mỹ phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Đồng thời, họ yêu cầu các bảo mẫu phải khai báo tình trạng sức khoẻ hoặc các dấu hiệu ốm khi họ chuẩn bị đến nhận trẻ.
Trong khi đó, Wonderschool cũng cam kết trong trường hợp người trông trẻ của họ phải tạm ngưng hoạt động khi gia đình chủ hộ báo có nghi ngờ nhiễm COVID-19. Cùng lúc, họ sẽ lập tức rà soát lại hệ thống, thay đổ người trông trẻ mới cho những hộ gia đình đang sử dụng cùng bảo mẫu. Về vấn đề tài chính, họ theo dõi sát sao các chương trình hỗ trợ tài chính cấp quận và liên bang để thông báo cho các trung tâm thuộc phạm vi quản lý.
Đẩy mạnh tính năng công nghệ
Đối với các công ty khởi nghiệp chuyên xây dựng nền tảng công nghệ liên quan đến dịch vụ chăm sóc trẻ em, mùa dịch mang đến cho họ những thử thách và hướng phát triển khác.
Genevieve Carbone, giám đốc công ty Kangarootime – chuyên phát triển phần mềm quản lý cho các công ty cung cấp bảo mẫu cho biết nhiều khách hàng của họ đã tận dụng tính năng tin nhắn để liên tục cập nhật những chính sách thay đổi theo tình hình mùa dịch. Phương thức này giúp việc trao đổi tức thời và tránh tiếp xúc, từ việc đặt lịch đến việc thanh toán.
“Chúng tôi luôn theo sát tình hình dịch bệnh để có điều chỉnh thích hợp và vạch ra những hỗ trợ cần thiết với các khách hàng khi dịch kết thúc. Chúng tôi cũng đang mở rộng hình thức thanh toán cho các công ty khách hàng để đủ khả năng thích ứng với trường hợp các gia đình sử dụng trợ cấp chính phủ để chi trả cho khoản trông trẻ”, Carbone chia sẻ.
Kinside, phần mềm chuyên giúp các nhân viên quản lý chính sách phúc lợi cho gia đình và tìm kiếm dịch vụ trông trẻ ban ngày đã sụt giảm hơn 60% khách hàng vì lệnh cách ly và ở nhà chống dịch. Hàng ngàn cơ sở trông trẻ ban ngày trong mạng lưới của họ đã phải đóng cửa.
Ngay tại những khu vực không có lệnh yêu cầu hạn chế ra ngoài, số lượng cha mẹ sử dụng các dịch vụ này cũng sụt giảm vì họ đoán trước tình huống xảy ra và bắt đầu chuẩn bị dần. Đây là tình trạng diễn ra tương tự tại nhiều bang trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên Kinside cũng bắt đầu chuyển sang hỗ trợ các nhân viên thiết yếu săn tìm các dịch vụ chăm trẻ và cộng tác với các tổ chức nhân sự tại bệnh viện cũng như chuỗi cửa hàng tạp hoá để cung cấp những dịch vụ tốt nhất giúp họ tập trung công tác chống dịch.
Các bước chuẩn bị cho công tác hồi phục sau dịch
Việc các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày cùng trường học đóng cửa đã giúp người dân nhận rõ vai trò của các bảo mẫu đối với nền kinh tế và sự ổn định của gia đình. Tuy nhiên, cùng lúc nó cũng cho thấy sự dễ tổn thương về vấn đề kinh tế của các trung tâm.
Mackey nói rằng MyVillage đang cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp trông trẻ tái cấu trúc. CEO Mackey cũng cho hay: “Trước mùa dịch, việc vận hành của các doanh nghiệp về dịch vụ trông trẻ vốn đã khó. Hiện nay, hơn 40% doanh nghiệp cho biết họ không thể trụ quá 2 tuần không doanh thu.”
Do đó, MyVillage cũng đang nỗ lực để giải quyết tăng mức lương cơ bản cho các gia sư tại nhà, hiện chỉ thu 11,5 USD/1 giờ, thấp hơn so với mức chi phí tại các trường học công ở hầu hết các bang.
“Khi dịch kết thúc, các bậc phụ huynh hẳn sẽ có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ trông trẻ với chi phí tốt hơn để tiết kiệm. Vì thế, Kinside đã kết nối với hàng ngàn chủ doanh nghiệp để tăng cường quy mô mạng lưới với hạn 1 triệu bảo mẫu. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đưa ra các gói giải cứu tài chính, giảm giá hoặc miễn phí chi phí đăng ký trong thời gian công ty phục hồi khủng hoảng”, Sigala – CEO của Kinside cho biết.
Sigala cũng tin rằng qua đợt dịch này, các nhà điều hành sẽ cảm thông hơn với các bậc làm cha mẹ và có những hỗ trợ sát sao hơn. Kinside đã sẵn sàng kết nối với các giám đốc nhân sự và ban quản lý với nguồn lực tư vấn miễn phí.
Bảo Uyên